Lãng phí trong xử lý rác thải sinh hoạt
Mỗi ngày, tỉnh Hưng Yên phát sinh khoảng 800 tấn rác thải sinh hoạt. Đây là con số không nhỏ, kéo theo đó là áp lực lên ngân sách và quỹ đất dành cho việc thu gom, tập kết và xử lý rác thải.
Thực tế cho thấy, công tác thu gom, xử lý rác thải ở Hưng Yên đòi hỏi chi phí lớn, từ việc vận hành hệ thống xe thu gom, duy trì bãi tập kết đến xây dựng các nhà máy xử lý rác thải. Trong bối cảnh nhu cầu xử lý rác thải ngày càng tăng, tỉnh phải đối mặt với khó khăn trong việc bố trí quỹ đất để xây dựng các bãi chứa rác mới, nhà máy công nghệ cao hoặc các hạ tầng liên quan. Điều này không chỉ gây áp lực lên ngân sách mà còn làm giảm diện tích đất dành cho phát triển kinh tế - xã hội.
Trao đổi với lãnh đạo Công ty TNHH môi trường Huy Anh (thành phố Hưng Yên), đơn vị có chức năng xử lý các loại rác thải, được biết, đối với rác thải sinh hoạt hiện nay, để thu gom và xử lý triệt để thì cần chi phí hơn 1 triệu đồng/tấn. Như vậy nếu nhân với lượng rác thải sinh hoạt phát sinh khoảng 800 tấn 1 ngày thì kinh phí để xử lý rác thải là rất lớn. Ông Đào Văn Mạnh, Giám đốc Công ty TNHH môi trường Huy Anh cho biết: Năm nào công ty cũng nhận được hàng chục đơn hàng về việc xử lý rác thải sinh hoạt tồn đọng ở các địa phương trong tỉnh. Phải mất nhiều tháng để có thể xử lý một bãi chôn lấp rác thải tồn đọng lâu năm. Bên cạnh đó, để đóng cửa một bãi rác thải sinh hoạt cũng cần quy trình bảo đảm vệ sinh môi trường và chi phí hàng chục tỷ đồng.
Trong giai đoạn 2021 – 2025, ngân sách tỉnh đã bố trí 525,3 tỷ đồng để thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường. Ngoài một phần kinh phí được sử dụng để tập huấn, tuyên truyền về bảo vệ môi trường, xây dựng các mô hình điểm về bảo vệ môi trường… thì phần lớn nguồn kinh phí này được sử dụng để hỗ trợ các địa phương thực hiện thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt.
Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường, 60% lượng rác thải sinh hoạt ở Hưng Yên là rác hữu cơ. Đây là loại rác dễ phân hủy hoặc xử lý tại nguồn để tái sử dụng, nhưng thực tế hầu hết vẫn bị gom chung với rác thải nhựa, rác xây dựng, gây khó khăn và tốn kém trong khâu xử lý. Rác hữu cơ, vốn chiếm tỷ lệ lớn trong tổng lượng rác thải, có thể xử lý hiệu quả bằng các biện pháp như ủ phân hữu cơ tại hộ gia đình, sản xuất khí sinh học hoặc đưa vào các dây chuyền công nghệ xử lý tại chỗ. Nếu thực hiện tốt, việc xử lý rác hữu cơ không chỉ giảm tải cho hệ thống thu gom mà còn tiết kiệm một khoản chi phí lớn cho ngân sách.
Thực tế, một gia đình chỉ cần trang bị thùng ủ rác hữu cơ là có thể xử lý phần lớn lượng rác thực phẩm mỗi ngày, đồng thời thu được phân bón để trồng cây hoặc cải tạo đất. Đối với các khu đô thị, việc triển khai các trạm xử lý rác hữu cơ nhỏ tại khu dân cư cũng là giải pháp hiệu quả, tiết kiệm chi phí vận chuyển và giảm áp lực cho các nhà máy xử lý rác thải tập trung. Bên cạnh rác hữu cơ, các loại rác thải nhựa, rác xây dựng trong rác sinh hoạt cũng là nguồn tài nguyên có thể tái sử dụng nếu được phân loại đúng cách. Việc tái chế nhựa, kim loại hay tái sử dụng gạch, bê tông… từ rác xây dựng không chỉ giúp giảm lượng rác phải chôn lấp mà còn tạo nguồn nguyên liệu cho ngành công nghiệp, xây dựng tái chế.
Tuy nhiên, hiện nay, thói quen phân loại rác tại nguồn chưa được hình thành rộng rãi. Phần lớn rác thải sinh hoạt vẫn được gom chung, khiến việc xử lý trở nên phức tạp và chi phí tăng cao. Để thay đổi thực trạng này, cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục cộng đồng về lợi ích của phân loại rác, đồng thời áp dụng các chính sách khuyến khích như giảm phí vệ sinh môi trường đối với các hộ dân phân loại rác đúng quy định.
Đồng chí Lê Đức Lành, Trưởng phòng Quản lý môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) cho biết: Để tránh lãng phí trong xử lý rác thải sinh hoạt, việc nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của người dân về việc phân loại rác tại nguồn là điều tiên quyết. Cùng với đó, tỉnh cần xây dựng lộ trình cụ thể, bao gồm: Thúc đẩy phân loại rác hữu cơ, rác nhựa, rác xây dựng ngay từ các hộ gia đình; triển khai các chương trình thí điểm tại một số khu dân cư để nhân rộng mô hình; đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý rác công nghệ cao, ưu tiên công nghệ tái chế và xử lý rác hữu cơ thành phân bón hoặc khí sinh học; thu hút doanh nghiệp tham gia vào các dự án tái chế, xử lý rác thải. Đồng thời, hỗ trợ kỹ thuật và tài chính cho các mô hình xử lý rác thải tại chỗ ở cấp hộ gia đình hoặc cụm dân cư; siết chặt việc thu gom và xử lý rác thải; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ môi trường...
Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/lang-phi-trong-xu-ly-rac-thai-sinh-hoat-3177723.html