Làng Rồng thương nhớ bác Phiêu
Đã nhiều cái Tết qua đi, bác không thể về thăm làng Rồng vì tuổi cao sức yếu. Nhưng Tết đến Xuân về, người dân làng Rồng vẫn cùng nhau kết đèn thắp sáng đường quê, ngóng trông đón bác. Sáng nay thức giấc, hay tin bác đã đi xa, mong đợi ấy đã trở thành nỗi thương nhớ không nguôi.
Người “khai sinh” làng Rồng
Đến tận bây giờ, người dân làng Rồng (thuộc tổ dân phố An Hải, thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế) vẫn nhớ như in một đêm đầu tháng 11/1999. Khi trận lũ kinh hoàng đổ về xé toang thân đập Hòa Duân, cuốn phăng toàn bộ 64 ngôi nhà trong thôn Hải Thành ra biển, 14 người dân thôn Hải Thành thiệt mạng trong đêm.
Trước mất mát và đau thương quá lớn, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu lúc bấy giờ đã vào tận nơi động viên bà con. Bác đã chỉ đạo gấp rút xây dựng 64 ngôi nhà, đặt tên làng Rồng để bà con tái thiết cuộc sống sau cơn đại hồng thủy.
Nhiều người dân làng Rồng vẫn nhớ như in hôm bác đến thăm làng. Bác hỏi bà con muốn đặt tên làng gì? Nhiều người nói đặt làng tên Lũ. Bởi lũ đã cuốn đi của họ tất cả. Cuốn mất làng, cuốn mất nhà và cuốn mất cả người thân. Nhưng bác bảo, cái tên ấy quá ám ảnh, dễ khiến họ day dứt nhớ mãi về quá khứ đau thương. Năm đó là năm Rồng, nên bác chọn tên làng bằng một chữ Rồng.
“Đặt tên làng Rồng, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu mong muốn dân làng vươn lên mạnh mẽ. Vậy nên, mỗi người dân từ Hòa Duân năm ấy, đi qua đau thương đều nỗ lực xây dựng cuộc sống mới tốt đẹp hơn”, người dân làng Rồng cho biết.
Mất mát, đau thương ngày cũ, họ không bao giờ quên. Dân làng Rồng đã gói ghém lại, cất kỹ vào ký ức. Để bây giờ, họ luôn nở nụ cười, khoe những ngôi nhà khang trang, bề thế. Rạng rỡ hơn cả là khi họ kể về tình cảm của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu dành cho dân làng.
Người làng Rồng vẫn nhớ như in từng chi tiết, từ lễ đặt đá đến khởi công xây dựng, cho đến ngày khánh thành, bàn giao 64 ngôi nhà cho dân. Rồi sau đó cứ dịp gần Tết Nguyên Đán, năm nào bác Lê Khả Phiêu cũng về với làng Rồng. Quà tặng của bác là bánh kẹo ngọt ngào cho trẻ, là rượu trà ấm nồng cho người già, là nụ cười đôn hậu, ấm lòng của một người thân.
Vợ chồng anh Nguyễn Văn Vững vẫn nhớ ngày 24 Tết Nguyên Đán năm đó, nhà anh chị được xây xong bàn giao sau cùng. Bác Phiêu về, đích thân đem chăn màn đến tặng. Bác nắm chặt tay vợ chồng anh Vững động viên: “Các cháu cố gắng nhé”. Mọi người kéo đến quây quần, bác đều ân cần động viên từng người.
Anh Vững nhớ lại, mỗi lần bác về thăm, thấy nhà nào có chút thay đổi, bác rất mừng. Tình cảm ấm áp ấy, chỉ có thể là ruột thịt dành cho nhau. Bác coi dân làng Rồng như người thân. Dân kính trọng, yêu thương bác bằng tình yêu của người cháu, người con đối với ông cha mình. “Vợ chồng tui cố gắng làm lụng, gom góp bao nhiêu năm, để bây giờ xây được ngôi nhà khang trang 2 tầng. Mong một lần bác lại về làng Rồng, bác vui”.
Những năm sau này, tuổi cao không về được, nhưng Tết nào bác cũng gửi quà, gửi tình cảm cho dân làng Rồng. “Biết vậy, nhưng mỗi độ Tết đến, 64 hộ dân làng Rồng đều góp tiền kết những giàn đèn màu treo dọc các con đường trong làng Rồng, ngóng trông được đón bác về”, chị Huỳnh Thị Mân bộc bạch.
Tưởng nhớ người
Nhưng giờ đây mong đợi của người dân làng Rồng đã trở thành nỗi thương nhớ không nguôi. Sáng nay thức giấc, hay tin bác đã đi xa vào cõi vĩnh hằng, dân làng Rồng bàng hoàng thảng thốt. Thấp thoáng trên những hiên nhà, có những đôi mắt nhòa lệ.
Ông Trần Văn Thu, người gánh chịu nhiều mất mát bởi chỉ trong một đêm đã bị lũ cướp đi 12 người thân, trong đó có vợ, 3 con nhỏ, cha, mẹ… Toàn bộ gia đình, chỉ có ông Thu và người em gái sống sót. “Hồi đó, tui tuyệt vọng vô cùng. Thương tui, bác bảo: “Thu ơi, con lấy tinh thần lại, vươn lên đừng gục ngã nghe con. Con một mình, phải mạnh mẽ gấp bao nhiêu lần người khác. Con phải đứng vững, đứng thẳng, đừng nghiêng. Nếu con nghiêng là sẽ gục ngã. Tình cảm của bác như người cha. Bây giờ nghe tin cha mất, tui quá đau buồn”.
Ông Thu bật khóc. Tình cảm, sự quan tâm, chia sẻ của cố Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu là động lực to lớn để ông Thu không gục ngã, vươn lên xây dựng cuộc sống mới tốt đẹp, hạnh phúc. Ông bày tỏ, sẽ cố gắng hơn nữa là cách thắp nén tâm hương gửi đến hương hồn người cha, người ông mà cả làng Rồng yêu thương, kính trọng.
Đến nhà văn hóa thôn, nơi cố Bí thư Trung ương Đảng Lê Khả Phiêu đã dùng tiền lương hưu xây tặng, cũng là nơi lưu giữ các bức ảnh, ghi dấu những kỷ niệm mỗi chuyến bác về thăm làng Rồng, những bước chân thật nhẹ, như giữ yên cho giấc ngủ của người mà họ kính yêu. Dân làng Rồng tin rằng, hương linh người cha, người ông đáng kính của họ sẽ trở về nơi đây, bên con cháu.
Ông Nguyễn Văn Đủ, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thuận An cho biết, người dân đến nhà văn hóa thôn lau chùi, bài trí thật sạch sẽ, trang trọng. Tâm nguyện tha thiết của người dân làng Rồng là được lập bàn thờ nơi đây, để ngày đêm chăm sóc, hương khói, thể hiện tấm lòng yêu thương và mãi ghi nhớ tình cảm của bác, người đã “khai sinh” cuộc đời mới cho người dân làng Rồng.
Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/dan-sinh/lang-rong-thuong-nho-bac-phieu-535614.html