Lạng Sơn: Bảo tồn và phát huy giá trị của các lễ hội truyền thống

Các giá trị lễ hội truyền thống tại Lạng Sơn được chú trọng bảo tồn và phát huy; Công tác kiểm kê di sản văn hóa (DSVH), lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) đã có những tác động tích cực đến đời sống văn hóa, xã hội tại Phú Thọ; Bắc Giang tập huấn công tác quản lý các hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa là những thông tin văn hóa đáng chú ý tại một số tỉnh Đông Bắc Bộ.

Lạng Sơn: Các giá trị lễ hội truyền thống được chú trọng bảo tồn và phát huy, góp phần làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân

Thực hiện Chỉ thị số 41-CT/TW ngày 05/02/2015 của Ban Bí thư khóa XI "về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội", các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội đã tập trung, đẩy mạnh tổ chức, triển khai công tác tuyên truyền, quán triệt đến toàn thể cán bộ, đảng viên và Nhân dân chấp hành nghiêm các văn bản quy định về tổ chức và quản lý lễ hội bảo đảm an toàn, thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Thông qua công tác tuyên truyền, vận động, nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân được nâng cao hơn; các giá trị lễ hội truyền thống được chú trọng bảo tồn và phát huy, góp phần làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân trên địa bàn. Công tác quản lý nhà nước về hoạt động lễ hội trên địa bàn tỉnh được ngành chức năng của tỉnh, UBND các huyện, thành phố phối hợp, chỉ đạo thực hiện theo đúng quy định của pháp luật; tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động lễ hội trên địa bàn tỉnh diễn ra ổn định, an toàn, tiết kiệm, ngày càng nền nếp, tuân thủ quy định của pháp luật, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của Nhân dân.

Công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể được đẩy mạnh, khôi phục được những giá trị văn hóa mang đậm bản sắc các dân tộc trên địa bàn, góp phần nâng cao giá trị giáo dục truyền thống văn hóa, đạo đức, lối sống tốt đẹp, tinh thần đoàn kết trong Nhân dân.

Lễ hội xuân Xứ Lạng/Nguồn: Báo Lạng Sơn

Lễ hội xuân Xứ Lạng/Nguồn: Báo Lạng Sơn

Hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước được tổ chức chu đáo, hiệu quả hơn, bảo đảm trang trọng, an toàn, tiết kiệm, không phô trương, hình thức, phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc, phong tục, tập quán tốt đẹp của địa phương; thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, tăng cường niềm tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước, xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc, góp phần thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương.

Hoạt động lễ hội đã được tăng cường quản lý theo đúng quy định, không có biểu hiện thương mại hóa, lợi dụng lễ hội để trục lợi. Không để xảy ra hiện tượng nâng cấp, tăng tần suất, mở rộng quy mô tổ chức lễ hội; phục dựng lễ hội truyền thống không đúng, sai lệch nghi thức truyền thống; tranh giành, đeo bám khách du lịch làm mất an ninh trật tự; lợi dụng các trò chơi biến tướng sang đánh bạc trá hình; việc đốt nhiều đồ mã, vàng mã, hương, nến gây tốn kém, lãng phí, ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, mất an toàn trong lễ hội đã được tuyên truyền, nhắc nhở, xử lý kịp thời; công tác thu gom rác thải vệ sinh môi trường tại lễ hội cơ bản được thực hiện tốt.

Phú Thọ: Công tác kiểm kê DSVH, lập hồ sơ khoa học DSVHPVT đã có những tác động tích cực đến đời sống văn hóa, xã hội của cộng đồng

Sở VHTTDL đã có Báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện Thông tư số 04/2010/TT-BVHTTDL ngày 30/6/2010 của Bộ VHTTDL quy định kiểm kê DSVHPVT và lập hồ sơ khoa học DSVHPVT để đưa vào Danh mục DSVHPVT quốc gia.

Nhận được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, của các cấp, ngành và cộng đồng nên việc bố trí nguồn lực cơ bản đáp ứng được yêu cầu của công tác kiểm kê DSVH. Cán bộ tham gia công tác kiểm kê từ cấp tỉnh đến cơ sở đa số đều nghiêm túc, nhiệt tình, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao với tài sản văn hóa của cộng đồng địa phương. Cộng đồng vừa là chủ thể DSVH, vừa là lực lượng tham gia kiểm kê DSVH. Nhiều địa phương có ý thức tốt trong bảo tồn DSVH, vì thế cũng làm tốt hơn việc nhận diện và kiểm kê DSVH dưới sự hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

Công tác kiểm kê DSVH, lập hồ sơ khoa học DSVHPVT đã có những tác động tích cực đến đời sống văn hóa, xã hội của cộng đồng. Qua kiểm kê, mỗi cộng đồng địa phương tự nhận ra được cách thống kê, ghi chép, bảo vệ tài sản văn hóa của mình và có những biện pháp phù hợp bảo tồn, trao truyền đối với từng loại hình di sản. Đồng thời, đã giúp cho nhận thức về giá trị DSVH và truyền thống văn hóa trong các tầng lớp nhân dân ngày càng được nâng cao.

Việc cộng đồng nhận diện được DSVH, xác định được vai trò chủ thể sáng tạo và hưởng thụ văn hóa của mình sẽ bước đầu tạo được sự đồng thuận và tăng thêm nguồn lực xã hội trong việc bảo vệ và phát huy giá trị DSVH, gìn giữ bản sắc văn hóa của địa phương. Qua kiểm kê DSVH, chính quyền và nhân dân địa phương càng nhận thức rõ được vai trò quan trọng của các nghệ nhân - những người am hiểu và nắm giữ DSVH. Từ đó, có sự thay đổi sâu sắc về nhận thức đối với trách nhiệm trao truyền văn hóa truyền thống, cũng như trách nhiệm bảo vệ và phát huy giá trị DSVH của mình.

Bên cạnh đó, công tác kiểm kê DSVH, lập hồ sơ khoa học các DSVHPVT quốc gia trong thời gian vừa qua đã bồi dưỡng nâng cao trình độ của cán bộ làm công tác văn hóa ở cấp huyện, cấp xã. Đặc biệt, thông qua các hoạt động tập huấn, kiểm kê DSVH mà đối tượng được mở rộng với cả những người trực tiếp gìn giữ, thực hành di sản tại địa phương, giúp cho cộng đồng tự nhận biết và đưa ra được biện pháp bảo tồn di sản phù hợp với truyền thống văn hóa của cộng đồng/dân tộc mình.

Bắc Giang: Tập huấn công tác quản lý các hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa

Theo thông tin được đăng tải trên Báo Bắc Giang, ngày 25/6, Hội nghị tập huấn công tác quản lý các hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa đã diễn ra tại khách sạn Bắc Giang.

Hội nghị do Sở VHTTDL tổ chức với sự tham gia của hơn 120 tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ văn hóa (quảng cáo, karaoke, trò chơi điện tử...) và lãnh đạo 10 phòng văn hóa, thông tin các huyện, thành phố.

Thời gian qua, nhằm đưa các hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa vào nền nếp, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, các cơ quan chức năng của tỉnh đến cơ sở đã quan tâm, chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trên lĩnh vực văn hóa. Tuy nhiên, tình trạng doanh nghiệp, hộ kinh doanh lĩnh vực quảng cáo, karaoke không xin phép hoặc không đủ điều kiện cấp phép vẫn diễn ra; gây ảnh hưởng đến xã hội...

Tại Hội nghị, các đại biểu là các chuyên gia, nhà quản lý, tổ chức, cá nhân kinh doanh đã có những chia sẻ, trao đổi trong công tác quản lý các hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa về những khó khăn, bất cập còn tồn tại từ đó có những giải pháp để đưa công tác quản lý hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa ngày càng có chất lượng, hiệu quả.

Hằng Đinh (T/h)

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/lang-son-bao-ton-va-phat-huy-gia-tri-cua-cac-le-hoi-truyen-thong-20200626094943279.htm