Lạng Sơn: Chênh lệch giá cây giống cao hơn quy định hàng tỷ đồng
Liên quan đến sự việc người dân một số xã thuộc huyện Bình Gia kiên quyết không nhận cây giống thuộc Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn, vùng núi và vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (Chương trình 135) về sản xuất mặc dù nằm trong diện được hỗ trợ giá (Báo Đại Đoàn Kết đã phản ánh), Ban Dân tộc tỉnh Lạng Sơn đã chính thức kết luận về vụ việc và khẳng định số tiền chênh lệch giá cây giống hỗ trợ cao hơn quy định lên tới hàng tỷ đồng.
Theo đó, Đoàn thanh tra của Ban Dân tộc tỉnh Lạng Sơn đã làm việc với UBND các xã và kiểm tra hồ sơ toàn bộ Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất Chương trình 135 năm 2018.
Qua kiểm tra 17/17 xã đặc biệt khó khăn được thụ hưởng chính sách cho thấy, có những sai phạm trong công tác đấu thầu, ký kết hợp đồng giữa UBND 8 xã (Bình La, Thiện Thuật, Yên Lỗ, Quang Trung, Hưng Đạo, Hồng Phong, Hồng Thái, Mông Ân) với các nhà thầu là Công ty cổ phần giống cây miền Bắc (địa chỉ tại huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) và Công ty TNHH một thành viên Dương Khang Bắc Sơn (địa chỉ tại thị trấn Bắc Sơn, huyện Bắc Sơn).
Theo kết luận của Ban Dân tộc tỉnh Lạng Sơn, Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất Chương trình 135 năm 2018 do UBND các xã làm chủ đầu tư. Các cơ quan chuyên môn của huyện là đơn vị tham mưu cho UBND huyện phê duyệt dự án theo giá tham khảo của Sở Tài chính. Khi đó, UBND các xã thực hiện mua cây giống đã không căn cứ vào đơn giá cây trồng thực tế quy định tại Quyết định số 1714/QĐ-UBND ngày 18/9/2015 của UBND tỉnh Lạng Sơn, nên đã mua một số cây trồng với giá cao hơn quy định của UBND tỉnh Lạng Sơn.
Cụ thể, kiểm tra tại 8 xã trên, tổng số lượng cây được cấp là trên 550.000 cây (cây Keo, Mỡ, Hồi, Quế). Nếu mua theo giá được quy định tại Quyết định số 1714/QĐ-UBND của UBND tỉnh Lạng Sơn thì sẽ hết trên 765,5 triệu đồng. Tuy nhiên, các xã đã mua theo giá của UBND huyện phê duyệt, với tổng số tiền là gần 1,97 tỷ đồng. Số tiền chênh lệch giá là hơn 1,2 tỷ đồng. Chính vì do chênh lệch giá quá lớn nên đã có một số hộ dân phản ánh đến các cơ quan chức năng.
Theo kết luận, ngay sau khi phát hiện thông tin cây giống cung cấp cao hơn giá thị trường, UBND huyện Bình Gia đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn kiểm tra thực tế, làm rõ các nội dung liên quan và đã yêu cầu UBND các xã tổ chức khắc phục, cấp bổ sung, đủ số lượng cây cho các hộ được thụ hưởng chính sách, theo đơn giá quy định.
Ban Dân tộc tỉnh Lạng Sơn nhấn mạnh, các hạn chế, thiếu sót nêu trên thuộc trách nhiệm của các phòng chuyên môn của huyện Bình Gia, gồm: Lao động, Thương binh và Xã hội; Dân tộc; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Tài chính - Kế hoạch và UBND các xã được thụ hưởng chính sách và các nhà thầu cung ứng giống cây trồng.
Ngoài ra, Ban Dân tộc tỉnh Lạng Sơn cũng phát hiện việc chấp hành các quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục quản lý thi công xây dựng công trình tại huyện Bình Gia chưa chặt chẽ, có công trình thi công chưa thực hiện theo hợp đồng giữa chủ đầu tư và nhà thầu đã ký kết. Ngoài ra, còn 3 dự án công trình chưa được quyết toán.
Ban Dân tộc tỉnh Lạng Sơn cho rằng, nguyên nhân dẫn đến các sai sót trên là do cơ quan chuyên môn cấp tỉnh chưa làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ đối với Phòng NN&PTNT huyện Bình Gia. Các phòng, ban chuyên môn của UBND huyện Bình Gia, UBND các xã được thụ hưởng chính sách chưa làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá và báo cáo định kỳ theo quy định. Năng lực, trách nhiệm của một số cán bộ công chức tổ chức triển khai thực hiện dự án còn có hạn chế. Cơ quan thẩm định, thẩm tra, đơn vị tư vấn, trình phê duyệt dự án chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao nên còn để xảy ra những hạn chế, thiếu sót nêu trên.
Ban Dân tộc tỉnh Lạng Sơn cũng nhận định: Các đối tượng hưởng chính sách là hộ nghèo dân tộc ít người trình độ dân trí còn hạn chế, ít nhiều còn trông chờ ỷ lại chưa có ý thức tự vươn lên thoát nghèo. Việc hỗ trợ cho các hộ để phục vụ sản xuất còn manh mún, mang tính bình quân, dàn trải, chia đều nên chưa tổ chức được các mô hình sản xuất tập trung để tạo sự chuyển biến tích cực về phương thức sản xuất, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp, nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường.
Từ những căn cứ trên, Ban Dân tộc tỉnh Lạng Sơn đề nghị UBND huyện Bình Gia chỉ đạo kiểm điểm các cá nhân, tập thể có liên quan trong việc tổ chức triển khai thực hiện dự án còn để xảy ra sai sót và báo cáo UBND tỉnh theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh về việc thực hiện hỗ trợ sản xuất Chương trình 135. Đối với UBND các xã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cán bộ, công chức trong triển khai thực hiện dự án đảm bảo đúng quy trình. Chấn chỉnh, khắc phục ngay những hạn chế, thiếu sót đã được chỉ ra qua thanh tra.
Trước đó, ngày 9/4/2019, Báo Đại Đoàn kết đã có bài báo “Lạng Sơn: Vì sao người dân không nhận cây giống thuộc Dự án 135” phản ánh về việc mặc dù nằm trong diện được hỗ trợ về giá thuộc Chương trình 135 nhưng giá giống cây trồng vẫn cao ngất ngưởng so với thị trường… Do đó, người dân xã Hưng Đạo và một số xã của huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn rất bất bình và kiên quyết không nhận cây giống về sản xuất.