Lạng Sơn: Đang làm rõ nguyên nhân xuất hiện đàn châu chấu 'tấn công' hoa màu
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lạng Sơn đã cử cán bộ đi kiểm tra để làm rõ nguyên nhân xuất hiện đàn châu chấu 'tấn công' hoa màu của người dân.
Vừa qua, trên địa bàn xã Thiện Hòa, huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn xuất hiện đàn châu chấu hàng vạn con bu vào các loại cây, phá hoại mùa màng và tấn công các trường mầm non, tiểu học khiến người dân lo lắng, hoang mang.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Lý Việt Hưng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lạng Sơn cho biết sau khi nắm bắt được thông tin phản ánh về đàn châu chấu xuất hiện tại xã Thiện Hòa, huyện Bình Gia phá hoại hoa màu của người dân, đơn vị đã cử cán bộ xuống kiểm tra để làm rõ.
“Chúng tôi đã cử cán bộ xuống kiểm tra và cuối ngày hôm nay (30/5) sẽ có báo cáo nhanh về vụ việc này và sẽ cung cấp thông tin sau” – ông Hưng nói.
Theo thông tin phản ánh của người dân, khoảng 2 ngày gần đây, trên địa bàn xã Thiện Hòa, huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn xuất hiện đàn châu chấu tre lưng vàng với mật độ cao. Chúng bu vào các loại cây, phá hoại mùa màng và tấn công các trường mầm non, tiểu học.
Theo báo cáo của UBND huyện Bình Gia, đàn châu chấu tre lưng vàng đã xuất hiện, phá hại rừng tre, vầu, nứa, mai tại 3 thôn gồm: Thâm Khôn, Ba Biển, Yên Hùng của xã Thiện Hòa, với mật độ 600 - 1.000 con/bụi, ăn trụi lá, diện tích phá hại 10 ha.
Trong thời điểm đầu mùa hè, châu chấu đang bắt đầu di chuyển từ trên đồi cao xuống các khe suối, bờ bụi và bắt đầu xuất hiện gây hại cây ngô với mật độ 50 - 60 con/m2. Hiện tại, người dân phối hợp với chính quyền địa phương phun thuốc để diệt trừ châu chấu, ngăn ngừa phá hoại hoa màu của người dân.
Theo các nhà chuyên môn, châu chấu tre lưng vàng dài, thời gian sống và phá hại khoảng 5 - 6 tháng trong năm, châu chấu trưởng thành có thể bay xa 40 - 60 km, di chuyển nhanh thành từng đàn rất đông.
Khi hết thức ăn trên rừng chúng có thể di chuyển đến phá hại trên các cây trồng khác gần bìa rừng như: Ngô, lúa, cỏ chăn nuôi... hoặc bay sang các nơi có rừng cây, ao, trường học, nhà trình tường. Loài côn trùng này sống thành đàn, có sức tàn phá lớn đối với hoa màu, cây trồng của người dân, rất khó kiểm soát. Thức ăn yêu thích của chúng là ngô, tre, lúa.