Lạng Sơn đánh giá 10 năm phân giới cắm mốc Việt Nam - Trung Quốc
Việc phân giới cắm mốc toàn tuyến biên giới Việt - Trung là sự kiện có ý nghĩa lịch sử trọng đại, tạo cơ sở để quản lý toàn tuyến biên giới hiệu quả.
Sáng nay (22/9), Ban liên lạc Hội phân giới, cắm mốc tỉnh Lạng Sơn tổ chức gặp mặt, đánh giá hiệu quả 10 năm hoàn thành công tác phân giới cắm mốc biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc trên tuyến biên giới tỉnh Lạng Sơn.
Hiệp ước biên giới trên đất liền giữa nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được ký kết tại Hà Nội năm 1999. Sau khi Hiệp ước được phê chuẩn, hai bên đã chính thức thành lập UB liên hợp phân giới cắm mốc biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc, đồng thời mỗi bên thành lập 12 nhóm liên hợp để thực hiện công tác phân giới cắm mốc trên toàn tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc dài gần 1.450 km, trong đó tuyến biên giới trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn là 232 km có 472 cột mốc.
Với sự nỗ lực của cả hai bên, ngày 31/12/2008, công tác phân giới cắm mốc trên thực địa toàn tuyến biên giới Việt - Trung đã cơ bản hoàn thành. Đây là sự kiện có ý nghĩa lịch sử trọng đại, bởi lần đầu tiên hai nước xác lập được một đường biên giới rõ ràng trên đất liền, tạo cơ sở để các ngành chức năng quản lý biên giới hiệu quả.
Thượng tá Phạm Văn Hưng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Bình Nghi, Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn cho biết: "Trên cơ sở phân giới cắm mốc theo các văn kiện pháp lý về bảo vệ biên giới, chúng tôi đã tiếp tục quản lý tốt, bảo vệ biên giới. Hiện nay, việc giữ gìn an ninh trật tự biên giới, đặc biệt là giữ gìn các cột mốc, hướng đi của đường biên giới là chúng tôi đã thực hiện theo đúng Hiệp định quản lý bảo vệ biên giới và 3 văn kiện pháp lý về bảo vệ biên giới".
Sau mười năm hoàn thành công tác phân giới cắm mốc, tình hình an ninh khu vực giáp biên của cả hai nước ngày càng ổn định, kinh tế xã hội phát triển, góp phần tăng cường mối quan hệ giao lưu hữu nghị, hợp tác toàn diện trên nhiều lĩnh vực giữa tỉnh Lạng Sơn và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây nói riêng, giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc nói chung.
Ông Trần Văn Mích, Trưởng nhóm liên hợp phân giới cắm mốc số 10 khẳng định: "Việc phân giới cắm mốc và hệ thống đường biên, cột mốc hiện đại trên biên giới góp phần cho phát triển kinh tế của Việt Nam - Trung Quốc nói riêng và ASEAN với Trung Quốc nói chung. Đây cũng đồng thời thể hiện ý chí nguyện vọng của nhân dân hai nước và nguyện vọng chính trị của hai Nhà nước nhằm củng cố tình hữu nghị, ổn định để cùng phát triển"./.