Lạng Sơn: Dự án 8 tạo chuyển biến tích cực cho phụ nữ và trẻ em vùng khó
Triển khai Dự án 8 'Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em', Hội LHPN tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức 207 lớp tuyên truyền, 43 lớp tập huấn, hỗ trợ hàng nghìn phụ nữ và trẻ em tại các xã, thôn khó khăn.

Một “Địa chỉ tin cậy” được thành lập tại xã Lương Năng, huyện Văn Quan (nay là xã Tri Lễ, Lạng Sơn).
Trong giai đoạn 2021-2025, Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em", thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN đã được Hội LHPN tỉnh Lạng Sơn triển khai sâu rộng tại các địa phương, đặc biệt ở các xã, thôn có tỷ lệ hộ nghèo cao, vùng đặc biệt khó khăn.
Một trong những điểm sáng nổi bật là công tác tuyên truyền. Hội đã tổ chức 207 lớp truyền thông, thu hút hơn 10.800 lượt người dân, tập trung vào các chủ đề như bình đẳng giới, kỹ năng làm mẹ an toàn, chăm sóc sức khỏe trẻ em, khuyến khích sinh con tại cơ sở y tế...

Hội LHPN xã Đồng Thắng (nay là xã Châu Sơn, Lạng Sơn) tổ chức Hội nghị Đối thoại chính sách với hội viên, phụ nữ và nhân dân năm 2024.
Song song đó là 43 lớp tập huấn dành cho hơn 2.600 hội viên và người dân, góp phần nâng cao kiến thức và kỹ năng sống cần thiết cho phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số và phụ nữ nghèo.
Không chỉ dừng lại ở truyền thông, Dự án 8 còn đi vào hỗ trợ cụ thể cho phụ nữ làm chủ kinh tế. Hội đã tổ chức tập huấn kỹ thuật nuôi ong cho thành viên HTX Đông Bắc (nay thuộc xã Quốc Việt). Đồng thời khuyến khích các tổ nhóm sinh kế, hợp tác xã do phụ nữ điều hành ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Hội LHPN xã Lương Năng (nay là xã Tri Lễ) cấp phát 590 bếp đun tiết kiệm năng lượng cho hội viên và hộ dân.
Một điểm nhấn khác là sự kết nối với các ngành, doanh nghiệp, đối tác phát triển để lồng ghép các chương trình thiết thực như phân phối bếp đun tiết kiệm năng lượng, bình lọc nước cho hộ nghèo, cận nghèo; cấp phát hơn 25.000 bếp đun và 20.000 bình lọc nước. Các hoạt động này vừa góp phần bảo vệ môi trường, vừa cải thiện điều kiện sống, sinh hoạt cho phụ nữ và trẻ em nông thôn.
Theo đánh giá từ Hội LHPN tỉnh, Dự án 8 không chỉ dừng lại ở các hoạt động trợ giúp mà đã thực sự tạo nên những thay đổi về nhận thức, hành vi và điều kiện sống cho hàng ngàn phụ nữ, trẻ em. Qua đó, từng bước nâng cao vị thế người phụ nữ trong gia đình và cộng đồng, góp phần giảm nghèo bền vững, xây dựng xã hội công bằng, tiến bộ.