Lạng Sơn đưa điện về vùng biên
Thời gian qua, tỉnh Lạng Sơn đã tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm... Nhờ đó đến nay, 99% số hộ dân ở 20 xã và một thị trấn thuộc năm huyện nằm trong khu vực biên giới được sử dụng điện lưới; 100% số xã, thị trấn có đường ô-tô đi lại bốn mùa, góp phần giao lưu kinh tế, văn hóa, xóa đói, giảm nghèo tại các thôn, bản vùng cao biên giới.
Thời gian qua, tỉnh Lạng Sơn đã tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm... Nhờ đó đến nay, 99% số hộ dân ở 20 xã và một thị trấn thuộc năm huyện nằm trong khu vực biên giới được sử dụng điện lưới; 100% số xã, thị trấn có đường ô-tô đi lại bốn mùa, góp phần giao lưu kinh tế, văn hóa, xóa đói, giảm nghèo tại các thôn, bản vùng cao biên giới.
Trước đây từ huyện lỵ Cao Lộc về đến các xã giáp biên Thanh Lòa, Cao Lâu, Xuất Lễ... chúng tôi đi ô-tô phải mất gần buổi sáng, nhưng nay chỉ gần hai giờ đồng hồ đã đến nơi. Trao đổi với chúng tôi, Bí thư Chi bộ thôn Pò Phấy (xã Cao Lâu) Chu Văn Trường cho biết: Nhờ được Nhà nước đầu tư, mở đường, kéo điện về bản, cho nên hiện giờ 100% số hộ dân được sử dụng điện lưới, trong thôn nhà nào cũng có ti-vi để xem, nhiều hộ gia đình đã xây được nhà khang trang... Người dân địa phương cũng chia sẻ, chưa bao giờ họ từng nghĩ điện lưới sẽ được kéo về các thôn, bản giáp biên, vì đây là vùng núi cao, giao thông đi lại khó khăn, cách trở, mỗi ngọn đồi chỉ vài nhà trú ngụ, bốn bề là núi đồi bao bọc. Nay điện đã về, người dân các dân tộc nơi đây có điều kiện tận dụng tiềm năng, lợi thế về trồng cây ăn quả, trồng rừng, chăn nuôi gia súc để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Thôn Pò Phấy có 65 hộ dân, thì nay có hơn 70% số hộ xây được nhà kiên cố. Nguồn thu nhập chính của người dân từ trồng lúa, ngô và phát triển trồng rừng, chủ yếu là cây thông mã vĩ. Có nhiều hộ gia đình thu từ hai đến ba tấn nhựa thông, cho thu nhập từ 200 đến 300 triệu đồng/ hộ/năm. Ðiển hình như nhà Bí thư Chi bộ Chu Văn Trường, hiện có hơn 2 ha rừng thông đang cho khai thác nhựa, mỗi năm cho thu hơn hai tấn nhựa thông, với giá bán bình quân từ 30 nghìn đồng/kg. Nhờ vào nguồn thu nhập từ nhựa và gỗ thông, năm 2018, gia đình anh Chu Văn Trường đã xây dựng ngôi nhà hơn 600 triệu đồng, mua sắm được trang thiết bị phục vụ sinh hoạt và sản xuất.
Anh Thi Văn Viễn, công nhân quản lý điện cụm các xã Cao Lâu, Xuất Lễ, Công Sơn cho biết: Các xã này đều nằm trong khu vực biên giới Việt Nam - Trung Quốc, có nhiều đồi núi bao bọc, độ cao trung bình từ 700 đến 800 m so với mực nước biển. Ở đây, do địa hình đồi núi dốc, cư dân sinh sống không tập trung, có những khu vực mỗi gia đình ở một quả đồi, các nhà cách nhau hàng ki-lô-mét. Ðây cũng là một trong những nguyên nhân mà từ năm 2011, dù lưới điện đã được kéo về tất cả các thôn, bản ở các xã giáp biên, nhưng đến năm 2018 và đầu năm 2019 mới "phủ" điện hầu hết các hộ gia đình.
Theo Chủ tịch UBND xã Công Sơn, huyện Cao Lộc, Triệu Trần Lìu, toàn xã chỉ có hơn 300 hộ dân, sống ở chín thôn, bản, chủ yếu là đồng bào dân tộc Dao. Những hộ dân sinh sống không tập trung và ở xã cách xa trạm biến áp từ 4 đến 6 km. Việc kéo điện lưới đến các hộ dân cần chi phí đầu tư rất lớn, nhưng thời gian qua, ngành điện lực Lạng Sơn đã đưa điện đến được các hộ gia đình. Từ khi có điện, đời sống vật chất, tinh thần của người dân đã có sự thay đổi rất tích cực, hầu hết các gia đình đều có ti-vi để xem và mua sắm các phương tiện như: máy xay xát, máy tuốt lúa, tẽ ngô... phục vụ sản xuất, nâng cao đời sống.
Giám đốc Công ty điện lực Lạng Sơn Phạm Ngọc Minh khẳng định: Do đặc thù là tỉnh miền núi, biên giới, cho nên quá trình triển khai các công trình điện cũng gặp rất nhiều khó khăn. Thậm chí có khu vực, đơn vị thi công phải mở hẳn một con đường, mới vận chuyển được vật tư, thiết bị vào vị trí thi công. Nhưng với tinh thần hết lòng vì người dân biên giới, thời gian qua ngành điện đã nỗ lực đưa điện lưới đến 20 xã và một thị trấn giáp biên, với hơn 15.400 hộ/gần 70.000 khẩu, thuộc các dân tộc: Tày, Nùng, Dao, Hoa... đều được sử dụng điện lưới quốc gia. Ðiện về nơi đây đã tạo điều kiện cho các hộ dân ở vùng biên giới ổn định cuộc sống, hăng hái sản xuất kinh doanh, đóng góp cho sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội...
Cùng với việc thực hiện chương trình đưa điện lưới quốc gia về các xã biên giới, thời gian qua, Lạng Sơn còn triển khai nhiều chương trình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, bảo đảm an sinh xã hội, tạo điều kiện để người dân phát triển kinh tế hộ gia đình, ổn định cuộc sống, yên tâm gắn bó nơi biên giới. Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Phạm Ngọc Thưởng cho biết: Ðể thực hiện tốt Nghị quyết 16-NQ/TW ngày 10-10-2017 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội các xã biên giới đất liền, kết hợp với tăng cường và củng cố quốc phòng, an ninh, đối ngoại, thời gian qua, tỉnh đã chỉ đạo các ban, ngành, địa phương huy động nguồn lực, khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh khu vực biên giới, trọng tâm là đầu tư xây dựng khu kinh tế cửa khẩu, các tuyến đường vành đai biên giới, công trình dân sinh, đường lên cột mốc... tạo điều kiện để người dân các dân tộc yên tâm sinh sống trên địa bàn. Cụ thể là từ năm 2011 đến nay, Lạng Sơn đã giao hơn 2.100 ha đất rừng các loại đến từng hộ gia đình, kết hợp với thực hiện các dự án trồng rừng dọc biên giới; thu nhập từ rừng bình quân đạt từ 50 đến 200 triệu đồng/hộ/năm. Nhờ vậy, đến nay, 100% số xã, thị trấn biên giới có đường ô-tô đi được bốn mùa đến trung tâm; 70% số thôn, bản có đường xe cơ giới vận tải nhỏ đi được bốn mùa; tỷ lệ hộ dân dùng điện lưới quốc gia đạt 99%... Việc cấp điện cho các thôn, bản ở các xã giáp biên đã tạo động lực cho các chương trình xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, tạo điều kiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất cho người dân khu vực nông thôn miền núi, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng một cách bền vững, đồng thời góp phần bảo vệ an ninh quốc phòng trên tuyến biên giới.