Lạng Sơn: Giao thương hàng hóa, thông tin liên lạc đã hoạt động bình thường sau bão số 3

Các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đang nỗ lực triển khai các giải pháp đảm bảo lưu thông hàng hóa, thông tin liên lạc, khắc phục thiệt hại sau bão.

Hơn 3.100 phương tiện đã được thông quan qua các cửa khẩu tại Lạng Sơn

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Công Thương, sáng ngày 11/9, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 3, nhưng hoạt động thông quan xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu Lạng Sơn vẫn diễn ra ổn định. Lực lượng chức năng tại cửa khẩu làm việc hết công suất, vừa giải quyết thủ tục thông quan, vừa điều tiết phương tiện, đảm bảo an toàn cho cả người và hàng hóa.

Trong 3 ngày, 7, 8 và 9/9, đã có hơn 3.100 phương tiện được thông quan qua các cửa khẩu ở Lạng Sơn. - Ảnh: Thế Duy

Trong 3 ngày, 7, 8 và 9/9, đã có hơn 3.100 phương tiện được thông quan qua các cửa khẩu ở Lạng Sơn. - Ảnh: Thế Duy

Thiếu tá Dương Thanh Tiệp, Trạm trưởng Trạm Kiểm soát Biên phòng Tân Thanh cho biết, đã điều động hơn 20 cán bộ, chiến sỹ tại khu vực phi thuế quan, bao gồm lực lượng từ Ban chỉ huy Biên phòng tỉnh và Đồn Biên phòng Tân Thanh, để hướng dẫn và điều tiết phương tiện vào bãi, tránh tình trạng ùn tắc trên quốc lộ 1A.

"Lực lượng hải quan tỉnh Lạng Sơn cũng bố trí cán bộ trực 24/24h, đồng thời cung cấp số điện thoại đường dây nóng để giải quyết các vấn đề phát sinh trong bối cảnh thời tiết xấu. Nhờ vậy, trong 3 ngày từ 7-9/9, hơn 3.100 phương tiện đã được thông quan qua các cửa khẩu tại Lạng Sơn", ông Tiệp cho biết.

Trước đó, do tác động của bão số 3, mực nước sông Kỳ Cùng dâng cao, dẫn đến việc các phương tiện chờ xuất khẩu qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị phải xếp hàng dài trên quốc lộ 1A.

Để giảm ùn tắc, từ 9h ngày 10/9, tỉnh Lạng Sơn yêu cầu tất cả phương tiện chở hàng hóa chờ xuất khẩu phải tập kết tại Khu phi thuế quan ở xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng, và không thu phí dừng đỗ cho đến khi có thông báo mới.

Khẩn trương khắc phục, dọn dẹp sau bão

Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Lạng Sơn cho biết, cơn bão số 3 đã gây ra tình trạng ô nhiễm cục bộ tại một số khu vực, với lượng rác thải và bùn đất lớn. Để khắc phục hậu quả sau bão và đảm bảo vệ sinh môi trường, Sở TN&MT đã phát hành Văn bản số 2446/STNMT-MT, yêu cầu UBND các huyện, thành phố tiếp tục thực hiện chỉ đạo theo Công văn số 2167/STNMT-MT ngày 13/8/2024, nhằm tăng cường công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.

Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn hỗ trợ hàng ngàn thùng mì tôm và nước uống cho các địa phương chịu ảnh hưởng bởi bão - Ảnh: Thế Duy

Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn hỗ trợ hàng ngàn thùng mì tôm và nước uống cho các địa phương chịu ảnh hưởng bởi bão - Ảnh: Thế Duy

Cụ thể, các cơ quan chuyên môn và UBND các xã, phường, thị trấn được chỉ đạo tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân dọn dẹp rác thải, vệ sinh môi trường xung quanh khu vực sinh sống. Việc thu gom rác sinh hoạt, cành cây gãy, ngói vỡ và xử lý phải tuân thủ quy định về an toàn môi trường. Hệ thống thoát nước, cống rãnh cần được khơi thông để tránh tình trạng ngập úng. Nhà cửa, sân vườn cần được làm sạch bùn đất và khử trùng để ngăn ngừa dịch bệnh.

Người dân cũng được khuyến khích tham gia cùng cộng đồng trong công tác dọn dẹp vệ sinh chung, đồng thời nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, tránh xả rác bừa bãi. Các tuyến đường, ngõ hẻm, kênh rạch cũng cần được vệ sinh kỹ lưỡng, và mọi người nên sử dụng trang bị bảo hộ lao động như găng tay, khẩu trang, ủng khi thực hiện các công việc vệ sinh để đảm bảo an toàn. Đặc biệt, cần chú ý khi di chuyển tại các khu vực có nguy cơ sạt lở hoặc ngập nước và tuân thủ hướng dẫn của chính quyền địa phương.

Bí thư Huyện ủy Chi Lăng Trần Thanh Nhàn (thứ 2 bên trái) tham gia hỗ trợ người dân di chuyển ra khỏi khu vực ngập úng - Ảnh: Trang tin huyện Chi Lăng

Bí thư Huyện ủy Chi Lăng Trần Thanh Nhàn (thứ 2 bên trái) tham gia hỗ trợ người dân di chuyển ra khỏi khu vực ngập úng - Ảnh: Trang tin huyện Chi Lăng

Sở TN&MT cũng cảnh báo môi trường ô nhiễm sau bão là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các tác nhân gây bệnh. Vì vậy, người dân cần giữ vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch, đeo khẩu trang khi ra ngoài, và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Song song với việc đảm bảo vệ sinh môi trường, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) các cấp tại Lạng Sơn đang triển khai các biện pháp hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại, đồng thời theo dõi sát sao tình hình thời tiết để phòng tránh kịp thời các nguy cơ lũ quét, sạt lở đất.

Khôi phục thông tin liên lạc thông suốt

Theo báo cáo mới nhất từ Sở Thông tin và Truyền thông tinh Lạng Sơn, tình hình đảm bảo thông tin liên lạc tại Lạng Sơn sau cơn bão số 3 đang được khắc phục tích cực. Các đơn vị viễn thông đã nhanh chóng triển khai các biện pháp ứng phó để duy trì thông tin liên lạc, phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành và nhu cầu liên lạc của người dân.

Các doanh nghiệp viễn thông đã gửi tin nhắn khuyến cáo và tuyên truyền đến người dân sau bão. Đồng thời, cơ quan quản lý điện lực cũng thông báo tình hình khắc phục sự cố lưới điện để các doanh nghiệp viễn thông phối hợp ứng cứu thông tin tại những khu vực bị mất điện. Nhân lực, phương tiện và thiết bị được các doanh nghiệp huy động khẩn trương để sẵn sàng khôi phục thông tin liên lạc tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi bão lũ.

Nhiều khu vực ngập sâu trước đó nước đã rút dần, cơ quan chức năng địa phương đang triển khai các biện pháp đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt - Ảnh: Yến Vi

Nhiều khu vực ngập sâu trước đó nước đã rút dần, cơ quan chức năng địa phương đang triển khai các biện pháp đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt - Ảnh: Yến Vi

Hiện có 60 trạm BTS bị mất liên lạc do nhiều khu vực bị mất điện, ngập lụt và sạt lở. Trong đó, VNPT có 23 trạm, Mobifone 18 trạm và Viettel 19 trạm. Để khắc phục tình trạng này, các doanh nghiệp đã triển khai dịch vụ roaming giúp người dân có thể sử dụng sóng của nhau, giảm thiểu tình trạng mất liên lạc. Về bưu chính, hoạt động bưu chính cơ bản đã trở lại bình thường, nhưng một số tuyến đường thư cấp 2 và cấp 3 vẫn bị gián đoạn do ngập lụt, đặc biệt là huyện Tràng Định bị cô lập hoàn toàn do nước dâng cao.

Các doanh nghiệp viễn thông như VNPT, Viettel và Mobifone đang nỗ lực khắc phục sự cố tại các trạm BTS. VNPT Lạng Sơn có 23 trạm BTS bị mất liên lạc do mất điện, hỏng máy nổ hoặc hết nhiên liệu, trong khi Viettel ghi nhận 19 trạm bị gián đoạn thông tin và 15 tuyến cáp nội tỉnh bị đứt nhưng không ảnh hưởng đến dịch vụ. Mobifone cũng gặp sự cố khi 18 tuyến cáp bị mất liên lạc, bao gồm 12 tuyến nội tỉnh và 6 tuyến bị cô lập.

Lực lượng chức năng giúp người dân khắc phục thiệt hại, tìm kiếm cứu nạn sau bão - Ảnh: Lục Văn Đông

Lực lượng chức năng giúp người dân khắc phục thiệt hại, tìm kiếm cứu nạn sau bão - Ảnh: Lục Văn Đông

Bưu điện tỉnh Lạng Sơn cho biết, một số bưu cục tại Lộc Bình, Bình Gia và Chi Lăng bị ngập lụt, trong khi bưu cục tại huyện Tràng Định bị ngập toàn bộ tầng 1. Nhiều điểm Bưu điện - Văn hóa xã phải tạm đóng cửa do địa bàn bị chia cắt và chưa có điện. Các cơ quan và doanh nghiệp tại Lạng Sơn đang nỗ lực khắc phục hậu quả sau bão, đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ nhu cầu của người dân và công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn.

Đến sáng 11/9, Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn tỉnh Lạng Sơn tại báo cáo mới nhất cho thấy mưa bão do ảnh hưởng bởi bão số 3 đã làm 3 người thiệt mạng, 10 người bị thương, hơn 9.600 hộ gia đình bị ảnh hưởng về nhà ở.

Ngoài ra, 33 công trình công cộng, công sở bị hư hại; hơn 7.454 ha đất nông nghiệp và 4.548 ha đất lâm nghiệp bị tác động nghiêm trọng. Tình trạng ngập úng, sạt lở cũng diễn ra trên 43 vị trí tại các tuyến quốc lộ, 75 điểm trên các tuyến đường tỉnh và 193 điểm trên đường huyện. 45 cột điện cao thế và hạ thế bị gãy đổ, ước tính tổng thiệt hại lên đến hơn 560 tỷ đồng.

Theo bản tin của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, Đài khí tượng thủy văn tỉnh Lạng Sơn. Từ chiều tối 10/9 đến đêm 11/9 ở các nơi trong tỉnh có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông với lượng mưa phổ biến 50- 100 mm, có nơi trên 150 mm.

Cảnh báo: Ngày và đêm 12/9 ở các địa phương trong tỉnh có mưa vừa, có nơi mưa to và dông với lượng mưa phổ biến từ 20-50 mm. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn cấp 1. Dự báo tác động của mưa lớn và mưa lớn cục bộ có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp; lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc.

Thế Duy

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/lang-son-giao-thuong-hang-hoa-thong-tin-lien-lac-da-hoat-dong-binh-thuong-sau-bao-so-3-345062.html