'Làng thủ từ' dưới chân Nghĩa Lĩnh

PTĐT - Núi Nghĩa Lĩnh là đất thiêng, là trung tâm của Khu Di tích Đền Hùng. Dưới chân Nghĩa Lĩnh, các làng mạc, thôn xóm được hình thành từ lâu đời; người dân nơi đây ...

Cụ Triệu Trung Thực - Ông từ ở Đền Trung.

Cụ Triệu Trung Thực - Ông từ ở Đền Trung.

PTĐT - Núi Nghĩa Lĩnh là đất thiêng, là trung tâm của Khu Di tích Đền Hùng. Dưới chân Nghĩa Lĩnh, các làng mạc, thôn xóm được hình thành từ lâu đời; người dân nơi đây là những cư dân đầu tiên gắn bó chặt chẽ, có công gây dựng và chăm sóc những kiến trúc di tích cổ của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.

Làng Vi, làng Sẹo (thị trấn Hùng Sơn, Lâm Thao) và làng Cổ Tích (xã Hy Cương, thành phố Việt Trì) là ba ngôi làng cổ đã có công thờ phụng, hương khói các Vua Hùng tại các đền trên núi Nghĩa Lĩnh từ hàng trăm năm trước. Cho tới bây giờ, tiếp nối truyền thống, tục lệ của cha ông, những ngôi làng này trở thành những “làng thủ từ”, người dân trong làng tiếp tục nhận nhiệm vụ là những ông từ của ba ngôi đền linh thiêng nhất núi Nghĩa Lĩnh.
Tục kể lại, cư dân của làng Vi, làng Sẹo sẽ nhận nhiệm vụ ông từ trông coi hương khói hai đền Hạ và Trung; cư dân làng Cổ Tích sẽ trở thành ông từ của đền Thượng và đền Giếng. Hiện nay, tục lệ này vẫn được duy trì nhưng được bổ sung thêm nhiều yếu tố trong quá trình lựa chọn. Các ông từ được địa phương tiến cử với Khu Di tích lịch sử Đền Hùng sẽ phải trải qua một cuộc thi “có một không hai” - cuộc thi tuyển ông từ.

Hướng dẫn du khách thực hành các nghi lễ Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương theo đúng truyền thống tại Đền Thượng.

Hướng dẫn du khách thực hành các nghi lễ Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương theo đúng truyền thống tại Đền Thượng.

Cụ Triệu Trung Thực - Thủ từ đền Trung cho biết thêm: Trước khi tham gia thi, chúng tôi được tập huấn các kiến thức về tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, nghi lễ thờ cúng Tổ tiên, đặc điểm của khu di tích… Tài liệu phải học tập có khi đến hàng chục trang A4. Bài thi có 03 phần là thi viết, thi thực hành và điểm ngoại hình, bình quân điểm phải đạt từ 7 trở lên. Tiêu chuẩn trở thành ông Từ tại các đền chính đã khó, công việc hàng ngày của các ông cũng khá vất vả. Các ông từ phải có mặt theo giờ giấc đã quy định, mùa Xuân từ 6h sáng đến 19h, mùa khác từ 6h30 sáng đến 18h, có nhiệm vụ sắp xếp, dọn dẹp các ban thờ, hương khói và dâng, hạ lễ cho khách thập phương, hướng dẫn du khách thực hành các nghi lễ tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên theo truyền thống, bảo vệ đồ thờ tự, tài sản, tiền công đức… tại các đền.

Cụ Nguyễn Đắc Lịch - Ông từ tại Đền Hạ .

Cụ Nguyễn Đắc Lịch - Ông từ tại Đền Hạ .

Vất vả là thế nhưng hầu hết các ông từ đều coi việc được kề cận chăm sóc đền thờ Tổ tiên là trách nhiệm và niềm tự hào cho không chỉ riêng mình mà còn cả gia đình, dòng họ. Cụ Triệu Mạnh Hùng - Ông từ của đền Thượng chia sẻ: Cả dòng họ tôi đã có nhiều người được vinh dự làm ông từ tại Đền Hùng. Được dân làng tin tưởng, tiến cử và được đại diện cho nhân dân để góp phần chăm sóc, bảo quản khu di tích, hướng dẫn đồng bào đến thực hành nghi lễ tín ngưỡng Hùng Vương là một vinh dự của cả cuộc đời. Khi mới nhận nhiệm vụ, leo núi vẫn còn chùn chân, mỏi gối nhưng bây giờ tôi cũng đã quen, cảm thấy sức khỏe được cải thiện rất nhiều.Nhờ có sự đóng góp từ hàng trăm năm nay của các ông từ xuất thân từ các “làng thủ từ” mà tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ngày càng được trao truyền và nhân rộng, trở thành một trong những di sản văn hóa phi vật thể có vai trò quan trọng bậc nhất, được đông đảo nhân dân gìn giữ và phát huy.

Huy Lê

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/den-hung/202104/lang-thu-tu-duoi-chan-nghia-linh-176455