Làng tiến sĩ Yên Ninh
Nằm cách Hà Nội 40km về phía Bắc, thuộc trấn Kinh Bắc văn hiến xưa, ngôi làng nhỏ Yên Ninh (nay thuộc Thị trấn Nếnh, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) được mệnh danh 'Làng tiến sĩ'.
Đã có 10 người con của làng đỗ tiến sĩ, với người khai khoa đầu tiên khi nhắc tới ai cũng biết đó là Thân Nhân Trung.
Hiền tài là nguyên khí quốc gia
Yên Ninh là một ngôi làng nhỏ, hiện nay chỉ có khoảng gần 400 hộ gia đình với hơn 1.500 nhân khẩu. Nhưng một điều kỳ diệu trong nền khoa cử nước ta thời phong kiến đã hội tụ ở ngôi làng nhỏ bé này. Truyền thống hiếu học vốn có, cộng thêm ý chí cứu nước, cứu dân ở những chàng nho sĩ xưa đã giúp cho ngôi làng lập lên một thành tích khoa cử không ngôi làng nào trên đất nước có được. Đó là việc có 10 người con Yên Ninh đã đỗ tiến sĩ trong các khoa thi từ năm 1469 đến 1619 (150 năm). Tính trung bình cứ 15 năm làng Yên Ninh lại có 1 người đỗ tiến sĩ.
“Truyền thống mài dùi kinh sử theo con đường khoa cử của thanh niên trai tráng trong làng cứ nối tiếp từ đời này sang đời khác...” - ông Đỗ Huy Tưởng, một thành viên hội người cao tuổi, đồng thời trông coi các đình chùa ở Yên Ninh, chia sẻ với chúng tôi với giọng đầy tự hào. Người đầu tiên mở ra trang sử vàng khoa bảng cho làng là Thân Nhân Trung (1418-1499). Ngay từ nhỏ, Thân Nhân Trung đã là một người ham học hỏi, chịu khó mài dùi sách vở với việc thuộc làu Ngũ Kinh, Tứ Thư. Không những vậy, Thân Nhân Trung còn lĩnh hội được những tinh hoa trong học thức của các bậc nho học tiền bối nước ta, đặc biệt là Chu Văn An. Chính giấc mộng công thành danh toại, vinh hiển về làng, ra làm quan giúp nước giúp dân đã càng làm tăng thêm ý chí đỗ đạt của ông. Đến khoa thi năm Kỷ Sửu (1469) đời vua Lê Thánh Tông, niên hiệu Quang Thuận thứ 10 ông đã đỗ Đệ Tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân.
Sau khi đỗ tiến sĩ, Thân Nhân Trung ra làm quan đại thần dưới triều Hậu Lê. Cuộc đời quan trường của ông tuy có nhiều công lao cho nước nhà nhưng hậu thế ít biết về điều ấy. Với câu nói: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Nguyên khí thịnh thì nước thịnh, nguyên khí yếu thì vận nước suy” bất hủ của ông đã được nhiều thế hệ sau nhắc lại, trích dẫn ở rất nhiều tài liệu, sách vở hay cả các cuộc nói chuyện của lãnh đạo, nguyên thủ quốc gia.
Người ta chỉ biết đến câu nói bất hủ của ông, bởi nó mang tầm vóc tư tưởng và thời đại rất sâu sắc. Câu nói ấy, đến nay vẫn được Đảng và Nhà nước vận dụng vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước. Đặc biệt ý nghĩa câu nói của Thân Nhân Trung nhắc chúng ta cần phải biết trọng dụng nhân tài, hiền tài, những con người có năng lực, phẩm chất đạo đức tốt...
Truyền thống hiếu họcĐúng 6 năm sau, tức khoa thi năm Ất Mùi (1475), một người con khác của làng Yên Ninh là Nguyễn Kính cũng đỗ Đệ Tam đồng Tiến sĩ xuất thân. Đặc biệt đến khoa thi Tân Sửu (1481) niên hiệu Hồng Đức 12, làng Yên Ninh có đến 2 người cùng đỗ tiến sĩ, đó là Thân Nhân Vũ (con trai thứ của Thân Nhân Trung) và Ngô Văn Cảnh. Trong đó, Thân Nhân Vũ đỗ Đệ Tam đồng Tiến sĩ xuất thân, còn Ngô Văn Cảnh đỗ Đệ Nhị giáp đồng Tiến sĩ xuất thân. Rồi câu chuyện khoa bảng thần kỳ của dòng họ Thân tiếp tục với việc Thân Cảnh Vân, cháu đích tôn Thân Nhân Trung, đỗ Đệ Nhất giáp Tiến sĩ cập đệ tam danh (hay còn gọi là Thám Hoa) vào khoa thi năm Đinh Mùi, niên hiệu vua Hồng Đức thứ 18 (1487). Như vậy Thân Cảnh Vân đỗ cao hơn ông nội Nhân Nhân Trung và chú ruột Thân Nhân Vũ của mình (theo bậc vị khoa bảng thời phong kiến đỗ Đệ Nhất giáp, hay còn gọi là Tam Khôi gồm Trạng Nguyên, Bảng Nhãn và Thám Hoa là cao nhất. Sau đó đến Hoàng Giáp tức Đệ Nhị Tiến sĩ đồng xuất thân và tiếp đến là Đệ Tam Tiến sĩ đồng xuất thân).
Ngay sau đó, vào năm 1490, niên hiệu Hồng Đức 21, tại khoa thi Canh Tuất, con trai trưởng của Thân Nhân Trung và là bố của Thân Cảnh Vân tức Thân Nhân Tín cũng đỗ Đệ Tam Tiến sĩ đồng xuất thân. Như vậy 2 cha con họ Thân đã đỗ tiến sĩ chỉ cách nhau đúng 1 khoa giáp (3 năm). Điều thú vị ở đây là người con lại đỗ tiến sĩ trước người cha. Như vậy trong 21 năm (1469-1490), dòng họ Thân ở làng Yên Ninh đã làm nên một kỳ tích khoa bảng tuyệt vời, xưa nay hiếm. Khi mà cả cha-con, ông-cháu, chú- cháu cùng nhau đỗ tiến sĩ.
Những cái tên tiếp theo đỗ tiến sĩ ở ngôi làng này phải kể đến Đỗ Văn Quýnh đỗ Đệ Tam Tiến sĩ đồng xuất thân, khoa thi năm Canh Thìn (1520) hay Doãn Đại Hiệu, đỗ Đệ Tam Tiến sĩ đồng xuất thân, khoa thi năm Tân Sửu (1541)… Người làng cũng thường nhắc tới Nguyễn Nghĩa Lập người trẻ tuổi nhất đỗ tiến sĩ của làng vào năm Quý Sửu (1553) khi mới 21 tuổi. Người khép lại truyền thống khoa bảng của làng Yên Ninh là Hoàng Công Phụ. Ông đỗ tiến sĩ trong khoa thi năm Kỷ Mùi (1619) đời Lê Trung Hưng khi đã 53 tuổi. Ông là một người văn - võ song toàn và đã từng được làm đến chức Binh Bộ tả thị lang, Hoàng Công Phụ chính là người cao tuổi nhất ở Yên Ninh đỗ tiến sĩ.
Ngày nay về Yên Ninh chúng ta vẫn còn thấy tấm bia đá khắc công trạng của Hoàng Công Phụ được xây năm 1689 và hoàn thành năm 1692. Vào 1995 nhân dân trong và ngoài làng đã cùng quyên góp để xây dựng đền thờ các vị tiến sĩ. Ngày 10 tháng giêng (âm lịch) hàng năm dân làng đổ ra đình làm đại lễ để tưởng nhớ các vị tiến sĩ lừng danh. Trong những buổi cử lễ các vị hương lại trong làng, đứng đầu là ông Đỗ Huy Tưởng, sẽ đọc tiểu sử, cũng như truyền thống hiếu học của các bậc tiền bối xưa cho các thế hệ trẻ Yên Ninh hôm nay nghe và ghi nhớ.
Do sử sách không ghi lại cụ thể ngày mất của một số vị tiến sĩ ở Yên Ninh, nên hiện nay làng đã lấy ngày 14-11 âm lịch là ngày giỗ chung của 10 vị tiến sĩ (lấy theo ngày mất của Thân Nhân Trung). Quy định này được nhân dân làng Yên Ninh chính thức công nhận từ năm 1999. Sự hiếu học, đức độ của những người con Yên Ninh xưa không chỉ là bài học quý cho thế hệ trẻ ngày nay, mà truyền thống đó như một di sản quý báu của dân tộc, được lưu truyền muôn đời.
Đến hôm nay, mảnh đất Yên Ninh đang không ngừng phát triển, đổi mới. Thế hệ trẻ của làng đã và đang tiếp bước truyền thống khoa bảng của quê hương. Theo thống kê trong 10 năm qua (2007-2017) làng Yên Ninh đã có hơn 200 học sinh đỗ vào các trường đại học, học viện ở khắp cả nước Việt Nam.
Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/van-hoa-doi-song/lang-tien-si-yen-ninh-51404.html