Làng tôi - làng khoa bảng
Làng tôi, xưa là Hoằng Nghĩa, Bột Hưng, nay là xã Hoằng Lộc, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa. Nhiều tao nhân mặc khách đứng trên đỉnh Châu Phong nhìn về làng tôi, thấy giống như một cái nghiên và con đường băng qua cánh đồng lúa chạy thẳng vào làng như một cái bút đang chấm vào nghiên mực, rồi tấm tắc: Đúng là đất học, đất khoa bảng!
Tính từ khi làng có vị khai khoa, cụ Nguyễn Nhân Lễ, đỗ Tiến sĩ, khoa Tân Sửu, năm Hồng Đức thứ 12 (1481), đến khoa thi Nho học cuối cùng của triều Khải Định, năm 1919, làng tôi có 12 vị đỗ Đại khoa, 7 vị được khắc tên trên các bia đá ở Văn Miếu Quốc Tử Giám. Gần hai trăm người đậu cử nhân, hương cống, hàng trăm người đỗ sinh đồ. Đặc biệt Bảng nhãn Bùi Khắc Nhất, làm Thượng thư tới 6 bộ, kinh qua 3 triều vua Lê, văn võ song toàn, ngoại giao cự phách.
Làng có Bảng Môn đình là tiền đường của miếu Đệ Tứ, thờ Thành hoàng Nguyễn Tuyên, người đã có công cùng vua Lý Thái tông bình Chiêm, cứu nước. Là nơi sinh hoạt cộng đồng làng xã, đồng thời cũng là nơi tu dưỡng, bình văn giảng tập của các môn sinh trong Hội Tư văn. Lệ của làng tôi là trọng khoa hơn trọng hoạn. Xưa kia, vào những ngày lễ tết hay việc làng, ở gian chính giữa đình trải chiếu cạp điều dành cho những vị đỗ Đại khoa: Bảng Nhãn, Thám hoa; người có học vị cao được xếp ngồi trên người có học vị thấp. Gian bên hữu trải chiếu cạp xanh dành cho các cử nhân, hương cống. Gian bên tả dành cho các sinh đồ và các ông ngũ hương ngồi để ghi chép những việc làng đã thông qua.
Sân trước của Bảng Môn đình có hòn đá Sư Lộ, được làng rước về, thờ như là một biểu tượng của sự hiếu học. Vốn là trước khi đỗ Thám hoa ra làm quan đến chức Hữu thị lang Lại bộ, Nguyễn Tuyên từng là một thầy học nổi tiếng. Nhà ở ven đường, đầu ngõ có hòn đá bằng phẳng, hàng ngày giảng bài cho học trò xong, cụ thường ra ngồi đọc sách. Học trò, người qua, kẻ lại ai gặp bài khó, gặp chữ chưa hiểu nghĩa, đến hỏi, đều được cụ giảng giải phân minh. Nhiều học trò của cụ đỗ đạt cao ra làm quan phò vua, giúp nước. Vì vậy, người đời gọi cụ là Nguyễn Sư Lộ, ngụ ý là “ông thầy người họ Nguyễn, dạy học ở ven đường!”.
Từ Bảng Môn đình, theo con đường thảm nhựa tới trường mầm non, đây là nơi nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ từ 3 tháng đến 60 tháng tuổi. Năm 2012, trường đã đạt chuẩn quốc gia mức độ I. Năm 2016 đạt tiêu chuẩn cấp độ 2. Nhiều cô giáo đã đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh. Trường có phòng học đa năng, hướng dẫn trẻ chơi trò chơi nhằm nâng cao thể chất, trí tuệ. Trường đang thực hiện chương trình giáo dục mầm non do Bộ Giáo dục quy định. Trẻ ở độ tuổi mầm non, mẫu giáo được coi là giai đoạn vàng để phát triển các mặt thể chất, nhận thức, ngôn ngữ, tình cảm, kỹ năng xã hội và thẩm mỹ. Do vậy, nhà trường đã áp dụng phương pháp dạy học lấy trẻ làm trung tâm, trẻ được học bằng chơi, chơi mà học. Ở tuổi này trẻ thường thích chơi những trò chơi tự khẳng định mình, thích tự làm để bắt chước người lớn. Các cháu biết kết bạn, biết biểu lộ tình cảm với bạn bè, chơi với một bạn hoặc kết thành nhóm bạn; biết biểu lộ tình cảm với bố mẹ, với cô giáo... Sự ham chơi của trẻ không phải là do kết quả của trò chơi mang lại mà chính quá trình chơi làm cho trẻ thích thú, tức là hành động của trẻ được thúc đẩy bằng động cơ vui chơi. Động cơ này làm những hành vi của trẻ mang một sắc thái riêng biệt, đó chính là một trong những nét độc đáo của tuổi mầm non, mẫu giáo!..
Theo kế hoạch phát triển của xã, năm 2021 trường sẽ được chuyển đến địa điểm mới rộng rãi hơn. Hiện trường đang có 2 nhóm trẻ, với 40 cháu từ 24 đến 36 tháng tuổi; có 10 lớp với 292 cháu mẫu giáo. Tỷ lệ huy động đạt 100%. Từ năm 2001, trường tiểu học của làng được mang tên Lê Mạnh Trinh, người đảng viên đầu tiên của làng.
Theo sử làng để lại, năm 1922, làng mở trường sơ học gồm hai lớp, học chữ Hán: Đệ nhất và đệ Nhị. Năm 1936, trường được làm mới trên khu đất hiện nay, gần Thiên Nhiên tự cổ kính và trầm mặc. Ban đầu, trường có 3 lớp. Tuy chưa được bề thế như hiện nay, nhưng các bậc tiền nhân đã chú ý đến khí hậu và môi trường cho trường học: Trước trường có hồ rộng, quanh trường có vườn cây. Hồ và vườn cây tạo cho trường khoáng đãng, mát mẻ, yên tĩnh... Năm học 1939-1940, nha giáo dục Liên khu IV cho trường mở thêm 6 lớp: Năm, Tư, Ba, Nhị đệ nhất, Nhị đệ nhị và lớp Nhất cho đủ số lớp của một trường sơ học. Năm học 1942- 1943, 24 học sinh trường sơ học của làng dự thi tiểu học, 21/24 em trúng tuyển. Một tỷ lệ hiếm thấy ở xứ Thanh bấy giờ. Trường không chỉ thu nhận học sinh trong xã mà còn tiếp nhận cả những học sinh của các xã vùng Đông Nam huyện đến học.
Hiện nay trường có hai dãy nhà cao tầng, trên khuôn viên bốn ngàn mét vuông, đảm bảo sáng, xanh, sạch, đẹp. Có 17 phòng học và đủ các phòng chức năng phục vụ dạy và học Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật, phòng truyền thống. Thư viện của trường đạt tiêu chuẩn quốc gia, với hơn một ngàn đầu sách và một số máy tính nối mạng. Phòng đọc rộng rãi và chế độ sinh hoạt cho thầy, cho trò đều đặn, hiệu quả. Trường đã 3 lần được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động: Năm 1969, hạng Ba; năm 2006, hạng Nhì; năm 2011, hạng Nhất. Năm học 2009-2010, trường được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia mức độ I; năm 2013 được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia mức độ II. 1 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 2 Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT); 3 lần được nhận Cờ thi đua “Đơn vị dẫn đầu bậc tiểu học” của UBND tỉnh và 4 Bằng khen của UBND tỉnh.
Nhiều năm liền tỷ lệ học sinh lên lớp ở các khối đạt 95-98%, tỷ lệ tốt nghiệp tiểu học chuyển lên THCS Tố Như đạt 98-100%. Những năm gần đây, trường có 363 học sinh đạt giải cấp huyện, 66 em đạt giải cấp tỉnh, 5 em đạt giải quốc gia.
Nhà trường có 28 giáo viên, nhân viên. Có 3 cô giáo được công nhận là giáo viên dạy giỏi cấp quốc gia. 11 cô giáo đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh; 14 thầy, cô giáo đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp huyện; 2 thầy được tặng Huy hiệu Bác Hồ; 2 thầy được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động; 10 thầy được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và của Bộ GD&ĐT. Một thầy được Nhà nước tôn vinh là Nhà giáo Ưu tú.
Từ Trường Tiểu học Lê Mạnh Trinh, theo con đường thảm nhựa qua phố cổ, tức là 3 dẫy nhà được xây từ những năm 40 của thế kỷ trước bao lấy chợ Quăng cũ, đến với THCS Tố Như. Trường được thành lập từ năm 1946, do cụ Lê Huy Cận là một nhân sĩ người làng đề xướng và được một số nhân sĩ có uy tín trong làng đồng tình đứng ra đóng góp tiền của để xây dựng nên trường: Trường Tư thục Nghĩa Hưng. Cái tên Nghĩa Hưng hàm ý là trường của làng Hoàng Nghĩa và làng Bột Hưng. Hiệu trưởng đầu tiên là Tú tài Nguyễn Danh Biển, người làng. Ngay từ những ngày mới thành lập, thầy Nguyễn Danh Biển đã tham mưu cho xã mời được những thầy giáo danh tiếng như cử nhân toán Bạch Văn Ngà, cử nhân văn chương Ngụy Mộng Huyền, Hà Triệu An (Hồ Dzếnh), các tú tài Trần Đình Khải, Ngô Thúc Lân, Thanh Tâm, Phạm Văn Phương, Nguyễn Cứ về giảng dạy. Một năm sau, tháng 11-1947, nha giáo dục liên khu IV về kiểm tra trường lớp, chất lượng đội ngũ giáo viên mới chính thức phê chuẩn cho thành lập Trường Trung học tư thục Nghĩa Hưng. Trường có 3 lớp, 65 học sinh người Hoằng Bột và 10 xã vùng Đông Nam Hoằng Hóa.
Về sau, xét nguyện vọng của các giáo viên và học sinh, của các học giả và các quan chức địa phương đề nghị lên, Trường Trung học tư thục Nghĩa Hưng được trên cho mang tên chữ của Đại thi hào Nguyễn Du: Trường cấp II Tố Như Hoằng Lộc. Những năm sau đó, trường thường có 9 đến 10 lớp.
Để có trường bề thế và danh tiếng như ngày nay, là nhờ vào những quyết sách đúng đắn của lãnh đạo Đảng và chính quyền xã, huyện qua các thời kỳ, sự cố gắng của các tầng lớp Nhân dân và học sinh. Rồi cả hai trường có thêm lớp, nhiều học sinh, nên trường được xây dựng thêm phòng học. Năm 1960, Trường cấp II Tố Như được chuyển đến địa điểm mới, trên diện tích 5.000m2 và được xây dựng một khu nhà 2 tầng với 16 phòng học, nhà hiệu bộ, khu nhà thí nghiệm vật lý, hóa học, vườn thực vật. Gần đây trường được đầu tư mở rộng thêm phòng ốc, sân trường được nâng cấp, trồng thêm cây xanh đảm bảo môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp.
Năm học này, trường có 11 lớp với 373 học sinh. Có 24 cán bộ, giáo viên, nhân viên. 100% giáo viên có trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn. Nhiều giáo viên đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp huyện, cấp tỉnh. Nhiều thầy, cô giáo đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua.
Luôn xác định nâng cao chất lượng đại trà là trọng tâm, chú trọng giáo dục mũi nhọn để tạo nên “Danh hiệu” cho nhà trường. Nhiều năm liền tỷ lệ học sinh khá, giỏi của nhà trường đều tăng, tỷ lệ học sinh xếp loại hạnh kiểm khá, tốt từ 98% trở lên. 100% học sinh đỗ tốt nghiệp THCS và tỷ lệ học sinh đỗ vào THPT công lập luôn ở nhóm các trường có tỷ lệ cao trong huyện. Thi học sinh giỏi các môn văn hóa cấp huyện, trường thường đứng ở tốp đầu. Năm học 2018-2019, trường có 10 em đi thi, cả 10 em đều đạt giải. Trong đó có 1 giải nhất môn Toán, 2 giải nhì (môn Sử, môn Hóa), 4 giải ba (môn tiếng Anh, môn Giáo dục công dân) và 3 giải khuyến khích.
Với những thành tích xuất sắc đã đạt được qua các thời kỳ, năm 1984 nhà trường đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì. Năm học 2006-2007, trường được công nhận chuẩn quốc gia mức độ I, đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì lần thứ 2 của Chủ tịch nước tặng. Nhiều năm trường được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen trong công tác giáo dục góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Nhiều lần được tặng Bằng khen của UBND tỉnh, Bằng khen của Tổng LĐLĐ Việt Nam, Bằng khen của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
Theo ông Nguyễn Văn Thọ, chủ tịch UBND xã: Từ xưa, người Hoằng Lộc đã coi việc học như một nghề, học để biết, để làm việc, để đối xử với mọi người và với chính mình. Nhưng để xây dựng được phong trào xã hội học tập đạt kết quả cao như ngày hôm nay là có sự quan tâm của tỉnh, của huyện; có chỉ đạo sát sao của đảng ủy, UBND xã, của các chi bộ và của các đoàn thể ở các thôn, của các chi hội khuyến học thôn với sự sát sao của hội khuyến học xã, của 3 trường, đặc biệt là mọi tầng lớp Nhân dân. Lấy việc xây dựng phong trào gia đình học tập, dòng họ học tập, khu dân cư học tập và đơn vị học tập làm nòng cốt.
Hàng năm xã có khoảng 55 - 60 em học sinh đậu các trường đại học, cao đẳng. 98-99% học sinh Trường Tiểu học Lê Mạnh Trinh được xét tốt nghiệp và chuyển lên học ở Trường THCS Tố Như. Chất lượng mũi nhọn vẫn duy trì được xếp trong nhóm các trường tốp đầu. Hàng chục học sinh Tố Như trúng tuyển vào các lớp chuyên văn, chuyên toán, chuyên tin, chuyên sinh của Trường THPT chuyên Lam Sơn. Nhiều học sinh Trường Lê Mạnh Trinh và Trường THCS Tố Như đạt các giải huyện, giải tỉnh, giải quốc gia. Có một nữ học sinh đạt giải nhì cuộc thi Toán quốc tế. Một nam học sinh đạt Huy chương Vàng môn Vật lý Châu Á - Thái Bình Dương. Gia đình bà Nguyễn Thị Huệ, xóm Hưng Tiến, có tới 4 con và 1 cháu đều là tiến sĩ. Nhiều gia đình có hai, ba đại học; hai, ba thạc sĩ; hai, ba tiến sĩ.
Từ những tấm gương hiếu học của các vị tiền nhân, đến sự hình thành Trường Sơ học Hoằng Nghĩa - Bột Hưng, Trường Trung học tư thục Nghĩa Hưng, trải qua các thời kỳ có thay đổi tên trường khác nhau, cho đến hôm nay với những tên Trường Mầm non Hoằng Lộc, Trường Tiểu học Lê Mạnh Trinh Hoằng Lộc, Trường THCS Tố Như Hoằng Lộc vẫn là ba cái nôi nâng bước các thế hệ học sinh vào đời, vào các trường cao hơn trở thành các trí thức tham gia cách mạng, trở thành những cán bộ cốt cán điển hình như cụ Lê Trọng Dong, năm khởi nghĩa làm Chủ nhiệm Việt Minh, cụ Nguyễn Khiêu làm Chủ tịch Ủy ban hành chính xã đầu tiên sau Cách mạng Tháng Tám. Hàng trăm người là học sinh Hoằng Lộc nhập ngũ vào thanh niên xung phong, đi dân công hỏa tuyến, góp phần làm nên những chiến công oanh liệt trong sự nghiệp giải phóng dân tộc. Để Hoằng Lộc luôn tự hào bởi một xã có 10 di tích lịch sử văn hóa; có nhà cách mạng tiền bối Lê Mạnh Trinh (Tú Đắc), tháng 4 năm 1930, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và trở thành một trong số cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng ở Thái Lan; có Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân liệt sĩ Hoằng Văn Kỷ; có 234 người đã hy sinh cho Tổ quốc hòa bình; 24 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 2 GS-TS mang hàm cấp tướng, 27 đại tá; 4 GS-TS, 20 phó GS-TS; 37 tiến sĩ; 2 Thầy thuốc Nhân dân, 1 Thầy thuốc Ưu tú, 2 Nhà giáo Nhân dân; 8 Nhà giáo Ưu tú. Hàng ngàn người có trình độ kỹ sư, bác sĩ, công nhân kỹ thuật cao đang sống và làm việc trên mọi miền đất nước và ngoài nước. Hàng ngàn người ở quê nhà là những kỹ sư, kỹ thuật viên trung học, lao động được đào tạo ở trình độ phù hợp và những lao động cần cù để làng ngày một thay da đổi thịt. Họ đang đồng tâm hiệp lực phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao, hướng tới nông thôn mới kiểu mẫu, xứng danh là quê hương đẹp giàu, đáng sống đi lên từ làng khoa bảng!
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/van-hoa-giai-tri/lang-toi-nbsp-lang-khoa-bang/129267.htm