Làng trầu lớn nhất miền Tây
Làng trầu Vị Thủy ở Hậu Giang có gần 200 vườn với tổng diện tích trên 32,5ha, quy mô lớn nhất vùng ĐBSCL.
Những vườn trầu nối tiếp nhau nằm dọc con đường ấp 5, xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy. Người dân nơi đây bắt đầu trồng trầu từ hơn 50 năm trước, quy mô khá nhỏ. Sản phẩm lá trầu khi đó chỉ phục vụ nhu cầu làm đồ sính lễ cưới hỏi trong thôn xóm.
Suốt những năm qua, người dân xã Vị Thủy chú trọng duy trì và phát triển trồng trầu tại địa phương, xem đây là một trong số những ngành nghề nông nghiệp truyền thống, đặc trưng.
Số lượng người dân quê tham gia nghề ngày một nhiều, diện tích trồng trầu vì thế cũng tăng lên theo cấp số cộng.
Những vườn trầu tại Vị Thủy thường rộng khoảng vài trăm đến vài nghìn m2, quy mô sản xuất hộ gia đình.
Theo người dân, sở dĩ trầu được trồng nhiều ở Vị Thủy vì điều kiện thổ nhưỡng khá phù hợp với đặc tính sinh trưởng, phát triển.
Trầu là loại dây leo, được chăm sóc và cho dây quấn quanh nọc, cắm thành những hàng lối thẳng tắp, đẹp mắt. Nọc trầu cao khoảng 2m, thường được làm bằng cây gỗ. Khi thu hoạch, người lao động thường dùng thang gỗ để trèo lên cao hái lá.
Dây trầu có đặc tính sinh trưởng nhanh, dễ trồng, đặc biệt chỉ ưa các loại phân hữu cơ, phân rơm, chuồng… Lá được chăm sóc tốt có màu xanh óng vàng bắt mắt, có vị cay nồng tự nhiên. Trung bình mỗi 1.000m2 đất trồng được khoảng 1.000 nọc trầu. Khi lá trầu đủ lớn, người dân sẽ thu hoạch 3 lần/tháng với giá khoảng 8.000 đồng/ốp trầu xanh; 6-7.000 đồng/ốp trầu vàng (mỗi ốp trầu có 40 lá trầu), tổng thu nhập khoảng 100 triệu đồng/hộ/năm.
Nghề trồng trầu ở Vị Thủy thu hút nhiều lao động địa phương, giúp giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Thông thường, mỗi vườn trầu sẽ có 3-5 người làm việc thường xuyên. Công việc chính của họ là tưới nước, bón phân, cắt cành, làm cỏ và thu hoạch, tiền công khoảng 150.000 đồng/người/ngày.
Những vườn trầu xanh mắt của hiện tại trước đây là những khu vườn tạp, hoặc ruộng lúa. Việc chuyển đổi giống cây trồng là bước ngoặc lớn để người dân địa phương nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Tỉnh Hậu Giang đang triển khai đề án phát triển làng nghề trồng trầu xã Vị Thủy gắn với phát triển du lịch, xem đây như loại hình sản xuất độc đáo, hiếm có ở miền Tây.
Lá trầu Vị Thủy trở thành thương hiệu quen thuộc, được nhiều thương lái các tỉnh, thành phố trong cả nước thu mua, phân phối.
Đây là sản vật không thể thiếu trong mâm sính lễ cưới hỏi, nét văn hóa truyền thống của người dân Việt Nam.
Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/lang-trau-lon-nhat-mien-tay-2195741.html