Làng trầu Vị Thủy, điểm đến mới khi du lịch Hậu Giang
Cách trung tâm huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang chưa đến 3km, làng trầu Vị Thủy rộng hàng chục héc-ta đã tồn tại, phát triển hàng thập kỷ qua. Với vẻ đẹp thanh bình và lịch sử lâu đời, làng trầu Vị Thủy được tỉnh Hậu Giang đầu tư phát triển du lịch, hướng đến là điểm du lịch đặc trưng của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Đây được xem là làng trầu duy nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, một trong hai làng trầu của miền Nam và cả nước có diện tích lớn, tồn tại lâu đời.
Hàng chục năm nay, làng trầu Vị Thủy được mệnh danh là vương quốc trầu lá với gần 40 héc-ta, tập trung nhiều ở ấp 5 và ấp 7 xã Vị Thủy. Trầu Vị Thủy là trầu vàng, hương vị cay nồng được nhiều người ưa thích.
Đến xã Vị Thủy, mọi người sẽ thấy một bên đường là những vườn trầu vàng mướt mắt, một bên là dòng kênh rợp bóng dừa, cây ăn trái khiến không gian yên bình, không khí mát mẻ.
Thời gian qua, làng trầu vẫn âm thầm giúp bà con vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống và góp phần bảo tồn nét đẹp văn hóa truyền thống miền Tây Nam bộ giữa thời hiện đại…
Tại làng trầu Vị Thủy, du khách sẽ thấy các cây làm “nọc” tạo thành những giàn trầu dày đặc đang dần được thay thế bằng những “nọc” trầu tạo hình tròn, có chỗ trống ở giữa để đặt bàn ghế phục vụ du khách tham quan, ăn uống, ngủ nghỉ.
Gần đây, các doanh nghiệp, nhà khoa học xuống vườn trầu lấy mẫu nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm các sản phẩm từ trầu như dầu gió, dầu gội, kẹo trầu… mở ra hướng tiêu thụ bền vững cho sản phẩm trầu.
Chia sẻ trên TTXVN, ông Trương Trần Trọng Hiếu, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Vị Thủy, cho biết huyện đang đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân trồng trầu ở xã Vị Thủy ngoài việc khai thác lá bán ra thị trường, còn thực hiện mô hình du lịch cộng đồng làng trầu thời gian tới.
Địa phương khuyến khích người dân làm các vườn trầu tạo hình ngay hàng thẳng lối, đẹp mắt; xây dựng các tuyến đường nông thôn làng trầu khang trang, xanh sạch.
Dự thảo Đề án phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hậu Giang đã xác định việc khai thác các làng nghề theo hướng vừa phát triển du lịch, vừa giữ gìn nét văn hóa riêng.
Theo đó, tại làng trầu Vị Thủy, tỉnh sẽ tái hiện hoạt cảnh sự tích Trầu Cau, trải nghiệm têm trầu theo nhiều phong cách, làm dịch vụ y học chữa bệnh với dược liệu từ cây trầu…
Tỉnh dự kiến làng trầu sẽ là điểm đến du lịch đặc trưng không chỉ của Hậu Giang, mà còn của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng như cả nước.
Từ đó, làng trầu Vị Thủy sẽ góp phần đưa Hậu Giang khắc phục tính phát triển nhỏ lẻ, tự phát, trùng lắp về mô hình, cách thức tổ chức hoạt động du lịch cộng đồng; đưa du lịch cộng đồng của địa phương phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh; là điểm đến nổi bật trong du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long.