'Làng triệu phú' trên cao nguyên

Thượng tá Nguyễn Phúc Khính, Giám đốc Công ty 715 khẳng định, nhiều năm nay, công ty luôn thường xuyên quan tâm, chăm lo đến công tác dân vận, gắn bó máu thịt với nhân dân, trong đó 'gắn kết hộ' là mô hình tiêu biểu góp phần quan trọng giúp đồng bào dân tộc thiểu số từ chỗ đói nghèo vươn lên làm giàu trên chính quê hương mình.

Được sự hướng dẫn tận tình, chu đáo của đội ngũ cán bộ công ty, quá trình xây dựng, phát triển kinh tế, các hộ gia đình đã đề xuất thêm nhiều hình thức thiết thực giúp nhau trong cuộc sống hằng ngày, từng bước bỏ tập tục lạc hậu, sinh hoạt theo nếp sống mới, ăn ở hợp vệ sinh, biết chăm lo sức khỏe, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc…

Đến thăm “hộ gắn kết” ở làng Tung Chúc, xã Ia Khai (huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai), chúng tôi được anh Rơ Chăm Dih phấn khởi cho biết: “Hộ gia đình anh Bá Đình Lý và gia đình tôi bắt đầu gắn kết từ năm 2009. Anh Lý lớn tuổi hơn làm anh, tôi làm em. Từ ngày gắn kết, hai gia đình luôn coi nhau như ruột thịt. Nhờ cán bộ công ty hướng dẫn về kỹ thuật còn anh Lý thì trực tiếp “cầm tay chỉ việc”, tôi đã biết cách cầm con dao cạo mủ cao su, biết cầm cái cuốc chăm bón cà phê. Anh Lý còn bày cho tôi cách gửi tiết kiệm, nuôi con gà, con heo. Ngôi nhà này vợ chồng tôi xây năm 2010, lại có đủ tiền mua xe máy, tủ lạnh và nhiều đồ dùng khác nữa”.

Sự giúp đỡ tận tình của Công ty 715 với mô hình “gắn kết hộ” đã gắn kết 86 hộ công nhân người Kinh với 86 hộ đồng bào trong làng Tung Chúc, không những đem lại những hiệu quả tích cực trong việc tạo điều kiện giải quyết triệt để tình trạng đói nghèo mà còn tạo nên những "làng triệu phú” trên cao nguyên.

Trước đây, làng Tung Chúc từng được biết đến bởi cái đói, cái nghèo cứ đeo đẳng mãi đối với người dân. Vùng đất này còn được coi là “điểm nóng” của tình trạng vượt biên trái phép. Cách đây chưa lâu, dân làng Tung Chúc phần lớn là hộ nghèo, hộ đói nhưng giờ đây được sự giúp đỡ của Công ty 715 và sự cố gắng của bà con nên cuộc sống đã sang trang.

Bước chầm chậm trên con đường làng trải thảm nhựa phẳng lỳ, thấp thoáng hai bên đường là những ngôi nhà mái ngói đỏ tươi ẩn mình dưới vòm cây xanh, chúng tôi cảm nhận rất rõ niềm vui của người dân hiện rõ qua ánh mắt, nụ cười của họ. Làng Tung Chúc với hơn 120 hộ, gần 500 nhân khẩu, trong đó 100% là đồng bào dân tộc thiểu số Ja Rai, song đến nay làng có tới 70% hộ kinh tế khá giả và giàu, 30 hộ trung bình khá, không còn hộ đói, nghèo. Đặc biệt, nhiều hộ gia đình đã mua được ô tô, xe gắn máy, xây dựng được nhà cửa khang trang, trị giá 300-500 triệu đồng…

Câu chuyện của chúng tôi bị gián đoạn khi chiếc ô tô 7 chỗ đang lăn bánh trên đường làng bỗng nhiên đỗ xịch bên đường. Chủ nhân của chiếc xe là anh Kso Tét niềm nở bắt tay từng người rồi tâm sự với chúng tôi: “Mình và vợ làm công nhân ở Công ty cao su 715 đã gần 8 năm nay. Tiền lương mỗi tháng hơn 10 triệu đồng. Gia đình còn trồng thêm 1ha điều, 500 cây cà phê và gần 2ha cây cao su, mỗi năm thu nhập từ 50-60 triệu đồng”.

Chiều muộn, mùi hương cà phê, mùi thơm nếp mới lan tỏa. Cuộc sống ấm no, hạnh phúc đang hiển hiện trong ánh mắt già làng Jrai và nụ cười e ấp của cô thôn nữ Bahnar, Dẻ Triêng. Tình yêu với dải đất biên cương đã tiếp thêm sức mạnh giúp cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên Công ty 715 yên tâm sát cánh cùng nhân dân huyện Ia Grai xây dựng và bảo vệ quê hương ngày càng giàu đẹp…

QUANG HỒI

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/que-huong/lang-trieu-phu-tren-cao-nguyen-610297