'Làng trong phố' chen chúc giữa đô thị: Cảnh sống chật chội, tăm tối khó tin
Giữa Hà Nội, TP.HCM rộng lớn mọc lên ngày càng nhiều ngõ siêu nhỏ, sâu hun hút, bên trong không gian chật chội đó là cơ man người cùng cuộc sống chật chội khó tin.
Cảnh sống chật chột trong nhiều ngõ siêu nhỏ ở Hà Nội.

Hà Nội vốn nổi tiếng với những con ngõ siêu nhỏ. Nhưng nếu trước kia những con ngõ này chỉ xuất hiện ở khu phố cổ chật chội thì nay lại mọc lan khắp nơi, sau quá trình đô thị hóa mạnh mẽ. Bất ngờ là bên trong những con ngõ sâu hun hút, tăm tối đó lại tồn tại cả cộng đồng dân cư đông đúc, với nhà cửa san sát như ma trận, mật độ người dày đặc. Cuộc sống bên trong những "làng trong phố" này vô cùng hỗn loạn, tạm bợ và thậm chí nhiều hiểm nguy bủa vây.

Ngõ chợ Khâm Thiên (phường Văn Miếu Quốc Tử Giám) có chiều dài khoảng hơn 700m, chiều rộng mặt đường khoảng 5m. Để mưu sinh, hàng trăm tiểu thương đua nhau bày bán hàng hóa, khiến lối ra - vào của con ngõ này bị thu hẹp lại, chỉ vừa đủ 2 xe máy tránh nhau.

Đáng nói hơn, xuyên suốt con ngõ chỉ dài chưa đến 1 km này lại có đến cả trăm ngách nhỏ sâu hun hút. Trong khi chiều rộng để vào ngách chỉ khoảng vài chục cm đến 1,5m thì phía bên trong lại phình to, chứa rất đông người sinh sống. Chính "nút thắt cổ chai" này là mối đe dọa cho hàng nghìn người nếu có bất cứ sự cố nguy hiểm nào xảy ra.


Điển hình như ngõ Xa Đang sâu khoảng 100m nhưng bên trong có đến gần 20 hộ dân sinh sống. Ở đây không hề có bất kỳ phương tiện phòng cháy, chữa cháy nào. Nhiều người rùng mình khi nghĩ đến hậu họa nếu hỏa hoạn xảy ra. Cả trăm con người chỉ có một lối thoát duy nhất, vừa chật chội, vừa tăm tối.


Dọc hai bên ngách, các ngôi nhà được xây đua ra để tận dụng không gian, khiến trong ngách chỉ đủ một khe nhỏ để ánh sáng len lỏi vào. Phía bên trên, dây điện chằng chịt, tạo mối nguy lơ lửng ngay trên đầu người.

Tương tự, hơn 30 hộ dân tập trung tại con ngách 126 chỉ có chiều rộng đủ cho một chiếc xe máy đi qua. Khi nhà nào xây dựng hay sửa chữa, chỉ cần một chiếc xe ba gác chở vật liệu đi vào sẽ lập tức bịt kín lối đi lại duy nhất của người dân.

“Vì có tuổi rồi nên việc đi lại của tôi trở nên khó khăn hơn, nhiều lúc đến những đoạn ngõ hẹp gặp xe máy, tôi phải đợi họ đi hết mới có thể đi được, chứ không dám chen lấn”, một người dân nói.

Cách ngõ chợ Khâm Thiên không xa là ngõ Văn Chương (phường Văn Miếu Quốc Tử Giám) cũng nổi tiếng với "ma trận" hàng trăm ngách siêu nhỏ, là nơi sinh sống của hàng nghìn hộ dân.

Đi sâu vào những ngõ hun hút này là rất nhiều khu tập thể lâu đời đã xuống cấp nhưng vẫn được cơi nới để mở rộng không gian một cách tạm bợ. Người dân ở đây hàng ngày đi qua con ngõ chỉ vừa cho 2 chiếc xe máy tránh nhau và khoảng không bị thu hẹp, trở nên chật chội, ngột ngạt.


Khu nhà tập thể A4 Văn Chương ở bên trong ngõ tuổi đời hơn 60 năm đã xuống cấp, với những mảng tường xám xịt và bong tróc, những dãy hành lang tối tăm, ẩm thấp. Sự đe dọa người dân không chỉ là nguy cơ sập đổ mà còn là hỏa hoạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào, khi ở đây không có bất kỳ thiết bị phòng cháy chữa cháy và lối vào để cứu hộ cũng vô cùng khó khăn.

Các hộ dân trong khu tập thể A4 vẫn đang phải sử dụng bể nước sinh hoạt chung, nhiều lúc họ phải xếp hàng chờ như thời bao cấp.

"Nhà tôi có 3 người ở chung 1 căn phòng chỉ hơn 10 m², ăn ngủ nghỉ thì ở trong nhà còn các hoạt động khác đều phải sinh hoạt chung hết. Đã sinh hoạt chung rồi thì dễ sinh ra cảnh "cha chung không ai khóc" nên chỉ biết trông chờ vào ý thức tự giác của mỗi người thôi", một người dân cho biết.

"Tôi ở đây từ bé đến nay cũng hơn 60 năm rồi, điện nước thì hiện tại không phải lo nữa nhưng không gian sống thì chật chội khổ sở lắm. Trời nắng nóng thì trong nhà như cái lò hơi, còn mưa to thì ngập, nhiều khi bão lũ nước ngập đến gần đầu gối", một người khác cũng than.


Nhà vệ sinh chung được tận dụng để làm nơi chứa đồ, hành lang cũng được người dân làm nơi để bếp nấu nướng hàng ngày.

Những căn nhà tập thể vài chục năm tuổi ở ngõ Văn Chương đã xuống cấp nặng nề, một số nơi được người dân góp tiền chung để cải tạo nhưng cũng chỉ mang tính tạm bợ, chắp vá.

Đây là một trong vô vàn những con ngõ siêu nhỏ ở khu vực phố cổ Hà Nội - nơi được mệnh danh là "đất vàng" với giá bất động sản cao ngất ngưởng nhưng lại nhan nhản những "làng trong phố" chật chội, tối tăm.

Nhìn lối vào của ngõ 33 Hàng Điếu (phường Hoàn Kiếm) chỉ vừa đủ cho 1 xe máy hoặc 2 người đi bộ tránh nhau, ít ai nghĩ rằng phía bên trong lại có cả một cộng đồng đông đúc.

Sống hơn 30 năm trong không gian này, bà Dương Thị Hưng (75 tuổi) kể: "Hiện tại trong ngõ có 8 hộ gia đình, trung bình mỗi hộ khoảng 3, 4 người ở, vì đất chật người đông nên đều phải chia sẻ, sinh hoạt chung với nhau. Riêng gia đình tôi có đến 7 người, sống trong một căn phòng chỉ hơn 15m², chỉ vừa đủ không gian ăn uống kiêm ngủ nghỉ. Còn khu vực tắm rửa, giặt giũ hay nấu nướng thì đều phải xuống khu vực sinh hoạt chung của ngõ".

Chiếc phản duy nhất trong căn phòng của bà Hưng, đây là nơi bà cùng cháu nhỏ trong gia đình nghỉ ngơi, còn các thành viên khác sẽ phải trải chiếu ra sàn nằm. "Trước đây cũng có người vào hỏi để mua nhà nhưng các hộ gia đình trong đây chỉ đều là mua bán bằng giấy viết tay chứ không có sổ đỏ, nên tất các các hộ đều phải đồng thuận, thống nhất thì mới bán được. Trong khi nhà này diện tích nhiều hơn nhà kia, việc chia tiền dễ gây mâu thuẫn thành ra khó mà bán được", bà Hưng nói.


Cận cảnh chỗ nấu nướng của các hộ gia đình trong ngõ 33 Hàng Điếu. Bà Hưng buồn rầu than riêng chỗ nấu nướng của nhà bà có đến 3 hộ sử dụng chung, vì vậy nấu xong món nào là phải bê vào nhà món đấy vì không có chỗ để. Ngay cả nhà tắm hay nhà vệ sinh, các hộ gia đình cũng đều phải sử dụng chung. "Làm việc gì cũng phải chờ đợi nhau nên chúng tôi đành phải chia thời gian ra để sử dụng. Có những lúc cần sử dụng đột xuất cũng khó, lại phải nhờ nhau rất phiền hà", bà Hưng nói.

Mọi sinh hoạt cá nhân của hàng chục con người đều diễn ra tại không gian chật chội của tầng 1 con ngõ này.

Mặc dù vậy, bà Hưng cho rằng vẫn còn "may mắn" hơn nhiều ngõ khác vì vẫn còn chỗ để xe.

Tuổi cao sức yếu, cách đây 2,3 năm chính vì chiếc cầu thang chật chội này mà bà Hưng đã bị ngã và ảnh hưởng đến 3 đốt xương sống. "Sống khổ như thế này, gia đình tôi cũng muốn thoát khỏi đây lắm nhưng khổ nỗi nhà không bán được thì không có điều kiện mua nhà mới. Thú thực là ở mãi thì thành quen thôi chứ nghĩ kỹ thì chúng tôi luôn nơm nớp lo hỏa hoạn. Nhìn cái ngõ bé tí thế kia thì việc thoát thân đã thấy vô cùng khó", bà Hưng bộc bạch.

Ngõ 6 phố Cửa Đông (phường Hoàn Kiếm) cũng có đến 10 hộ dân sinh sống với nhà cửa chật chội và phải dùng chung nhà vệ sinh.


Lối đi dẫn đến những căn nhà trong ngõ ngoằn nghoèo, chằng chịt, lúc nào cũng tối đen như địa đạo.

Khu vực sinh hoạt chung là một khoảng sân chỉ chừng hơn 10m², bao gồm chỗ giặt quần áo, nhà vệ sinh, phơi đồ.


Bất cứ khoảng trống nào trong ngõ cũng sẽ được người dân tận dụng làm nơi chứa đồ đạc, khiến lối đi vào đã chật chội càng chật chội hơn.

Con ngõ 96 phố Hàng Buồm (phường Hoàn Kiếm) cũng được người dân sống ở đây ví như địa đạo, với hơn 10 hộ dân sinh sống. Con ngõ sâu hun hút này cũng là lối đi thông từ phố Hàng Buồm sang phố Ngõ Gạch.

Cảnh tạm bợ khó tin tại góc sinh hoạt chung của một số hộ gia đình trong ngõ.


Hình ảnh Ngõ Gạch (phường Hoàn Kiếm) chật hẹp cũng chỉ vừa một người đi qua, đến xe máy đi vào cũng khó. Dù đang giữa ban ngày nhưng khi vào ngõ vẫn thấy một màu tối đen như mực, ẩm ướt, khiến người dân phải bật đèn liên tục 24/24 giờ để có thể sinh hoạt đi lại bình thường.

Không chỉ ở phố cổ hay các quận trung tâm mà ngay các khu vực xa khu trung tâm như Làng Cót (phường Yên Hòa) cũng ngày càng xuất hiện nhiều ngõ siêu nhỏ đan xen nhau, với mật độ dân cư vô cùng đông đúc.


Nhưng bất chấp đường đi lối lại chật hẹp, trong các ngõ, ngách siêu chật chội này vẫn mọc lên dày đặc các căn hộ, chung cư mini.

Lối đi vào lòng vòng, bề ngang chật chội nhưng lại chứa đến hàng trăm hộ gia đình khiến những con ngõ này trở nên nguy hiểm nếu bất cứ sự cố nào ập đến.

Cũng giống Hà Nội, ở TP.HCM xuất hiện nhan nhản "làng đô thị". Giữa trung tâm thành phố sầm uất, hàng trăm ngõ nhỏ với những căn nhà chỉ vỏn vẹn vài m². Đó là nơi ăn, chốn ở của những gia đình rất nhiều người, thậm chí là nhiều thế hệ.

Lối nhỏ vào hẻm 11 trên đường Thủ Khoa Huân (phường Bến Thành) quanh năm gần như không thấy ánh nắng mặt trời. Người dân di chuyển qua lại phải né nhau, nhường đường. Chỉ cần đứng dang tay, người đi đường có thể chạm cùng lúc cả hai vách tường đối diện.


Bà Kim Hoa (ngụ ở hẻm 11) cho hay, nhà bà tầm hơn 5 m², là nơi sinh sống của 3 thế hệ trong gia đình. Đã 40 năm qua, nhiều người đi qua con hẻm này còn lầm tưởng nhà bà là nhà kho bỏ trống...Bà nói: "Chúng tôi cứ sống đây suốt mấy chục năm, lâu riết cũng quen. Có chỗ đễ ngã lưng xuống ngủ là đủ. Nấu nướng thì mang ra ngay sát mép hẻm. Mùi thức ăn, khói...bay cả khu nhưng chẳng ai than phiền gì vì đã quen quá lâu rồi".

Cũng trong một con hẻm tại đường Thủ Khoa Huân, có nhiều căn nhà diện tích siêu nhỏ, chủ nhà phải tận dụng lối đi để nấu nướng.

Hẻm nhỏ, chật hẹp, đồ đạc sinh hoạt nhiều dọc lối đi...khiến nguy cơ cháy nổ luôn thường trực. Người dân tuy lo lắng nhưng cũng chỉ biết "chịu trận".

"Cả khu này ai cũng quen với việc 'mở cửa là tới nhà hàng xóm'. Có căn nhà tốt hơn thì ai cũng mong mỏi nhưng quá khó với người dân lao động như chúng tôi", bà Kim Hoa chia sẻ.