Phân cấp 14 thủ tục hành chính đất đai về UBND cấp xã

Từ ngày 1/7/2025, theo quy định tại Nghị định 151/2024/NĐ-CP của Chính phủ, việc tiếp nhận và giải quyết 14 thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai chính thức được phân cấp cho Ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã.

Đây là một bước tiến quan trọng trong công cuộc cải cách hành chính, phân quyền quản lý và nâng cao tính chủ động cho chính quyền cơ sở, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong tiếp cận và giải quyết các thủ tục liên quan đến quyền sử dụng đất.

Trước đây, người dân có nhu cầu xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ, sổ hồng) phải nộp hồ sơ và thực hiện các thủ tục tại UBND cấp huyện.

Tuy nhiên, từ tháng 7 năm nay, thẩm quyền này được phân cấp về UBND cấp xã, áp dụng đối với các trường hợp là hộ gia đình, cá nhân đủ điều kiện. Nhờ đó, người dân có thể hoàn tất thủ tục ngay tại nơi cư trú mà không cần di chuyển lên cấp huyện, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại.

Thời gian giải quyết thủ tục hành chính cũng được rút ngắn đáng kể, tối đa chỉ còn 3 ngày làm việc kể từ khi tiếp nhận đầy đủ hồ sơ, trong khi toàn bộ quy trình cấp Giấy chứng nhận lần đầu sẽ không vượt quá 17 ngày, thay vì 20 ngày như trước đây.

Một điểm cải cách nổi bật là việc bãi bỏ yêu cầu nộp giấy xác nhận “không tranh chấp” khi làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Việc xác minh tình trạng tranh chấp, nguồn gốc sử dụng và phù hợp quy hoạch sẽ được cơ quan tiếp nhận tự thực hiện thông qua cơ chế hậu kiểm. Điều này không chỉ giúp giảm thiểu giấy tờ cho người dân, mà còn nâng cao trách nhiệm thẩm định của cán bộ chuyên môn tại địa phương.

Cụ thể, 14 thủ tục hành chính đất đai được phân cấp cho UBND cấp xã gồm ba nhóm chính: thủ tục liên quan đến cấp Giấy chứng nhận, thủ tục về giao đất - cho thuê đất - chuyển mục đích sử dụng đất, và nhóm thủ tục thể hiện vai trò “gần dân” của cấp xã trong quản lý đất đai.

Trong đó, nhóm đầu tiên gồm 5 thủ tục như xác định lại diện tích đất ở đã được cấp sổ hồng trước ngày 1/7/2004; đính chính các thông tin bị sai sót trên Giấy chứng nhận; thu hồi và cấp lại sổ hồng bị cấp sai; đăng ký và cấp sổ hồng lần đầu cho tổ chức đang sử dụng đất; cũng như cấp sổ hồng cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư hoặc người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Nhóm thứ hai gồm 5 thủ tục liên quan đến giao đất, cho thuê đất và chuyển mục đích sử dụng đất, bao gồm giao hoặc cho thuê đất không thông qua đấu giá; chuyển đổi hình thức sử dụng đất giữa giao và thuê; điều chỉnh quyết định giao hoặc cho thuê đất khi có thay đổi về ranh giới, diện tích hoặc cơ sở pháp lý; giao đất ở không qua đấu giá cho các nhóm đối tượng chính sách như cán bộ công chức, giáo viên, nhân viên y tế công tác tại vùng khó khăn và người dân thường trú tại xã chưa có đất ở; cũng như việc chuyển mục đích sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân.

Ngoài ra, nhóm thứ ba gồm 4 thủ tục hành chính nhấn mạnh vai trò gần dân của chính quyền cấp xã, bao gồm tiếp nhận và xử lý việc tặng cho quyền sử dụng đất cho Nhà nước hoặc cộng đồng dân cư; đăng ký sử dụng đất kết hợp đa mục đích; giải quyết tranh chấp đất đai thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND xã và tổ chức hòa giải tranh chấp đất đai tại cơ sở.

Những thủ tục này, với đặc điểm gần dân và yêu cầu xử lý linh hoạt, khi được phân cấp về xã sẽ tạo thuận lợi trong tiếp cận dịch vụ công và tăng tính kịp thời trong xử lý tình huống phát sinh.

Một điểm cải tiến đáng chú ý khác là từ tháng 7, người dân được phép nộp hồ sơ đăng ký đất đai tại bất kỳ điểm tiếp nhận nào trong phạm vi cùng một tỉnh hoặc thành phố trực thuộc Trung ương, không còn bị ràng buộc phải nộp hồ sơ tại nơi có đất như trước đây.

Quy định mới này áp dụng cho cả trường hợp đăng ký đất lần đầu và các giao dịch biến động như chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho... Song song đó, thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng có thể được thực hiện trực tuyến thông qua hệ thống do Văn phòng Đăng ký đất đai cấp tỉnh vận hành. Nhờ đó, người dân có thể giải quyết hồ sơ một cách thuận tiện mà không cần phải đến trực tiếp bộ phận một cửa.

Hướng tới mục tiêu chuyển đổi số toàn diện trong lĩnh vực quản lý đất đai, dữ liệu địa chính bao gồm bản đồ thửa đất, hiện trạng sử dụng… sẽ được số hóa và mở quyền tra cứu cho cá nhân, tổ chức có nhu cầu. Việc này sẽ dần thay thế hình thức xác nhận thông tin bằng văn bản giấy như trước đây, tạo sự minh bạch và tăng hiệu quả quản lý nhà nước.

Đáng chú ý, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã có chỉ đạo cụ thể đối với các cơ quan chức năng về việc không yêu cầu người dân điều chỉnh hồ sơ đất đai chỉ vì lý do sáp nhập hành chính.

Tất cả giấy tờ đất đai còn hiệu lực vẫn tiếp tục được sử dụng bình thường, không có sự thay đổi về giá trị pháp lý. Việc chỉnh lý chỉ được thực hiện khi người dân có nhu cầu tự nguyện tiến hành các thủ tục hành chính liên quan. Điều này giúp người dân yên tâm về tính ổn định của các giấy tờ nhà đất đã cấp trước đó, đồng thời giảm thiểu phát sinh thủ tục không cần thiết.

Tổng thể, việc phân cấp mạnh mẽ 14 thủ tục hành chính đất đai về cấp xã không chỉ là một bước tiến quan trọng trong cải cách hành chính, mà còn góp phần thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số, tăng tính minh bạch, hiệu quả và thân thiện trong công tác quản lý đất đai, đáp ứng kỳ vọng của người dân và doanh nghiệp trong giai đoạn phát triển mới.

TH

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/phan-cap-14-thu-tuc-hanh-chinh-dat-dai-ve-ubnd-cap-xa-319563.html