Làng trong tôi và phố trong tôi

Sinh ra và lớn lên ở một làng quê vùng cát, trong tôi luôn ẩn chứa những ký ức đẹp tuổi thơ. Khi làng được xây dựng lên phố, lên phường, sự hoan hỉ và trăn trở cứ đan xen trong tôi.

Do chiến tranh, làng tôi được giải tỏa ra khỏi vùng quân sự sân bay Đông Tác (nay là Cảng hàng không Tuy Hòa) để về ở làng mới trên vùng đất cát hoang sơ, có tên là Thạnh Phú (nay là khu phố 3, phường Phú Thạnh, TP Tuy Hòa). Ngôi nhà gia đình tôi đang ở là từ đường thời ông cố, khi di dời lập làng mới, nội tôi vẫn giữ nguyên hiện trạng cột, kèo, đòn tay, rui lách…, chỉ thay mái lợp tranh bằng ngói vảy.

Mặc dù cách trung tâm Tuy Hòa không xa, nhưng cuộc sống của người dân quê tôi chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Nhà ai cũng có vài sào lúa, có mảnh vườn đất cát để trồng rau và các loại hoa màu khác. Là một làng thuần nông nên thu nhập chính của người dân làng tôi từ lúa, khoai, rau…

Cũng như nhiều làng quê ven TP Tuy Hòa, làng tôi được quy hoạch thành một khu phố của phường, các xóm trong làng chia thành từng khu phố, dân làng trở thành người thành phố. Có người đổi nghề sang mua bán nhỏ, không ít nhà mở đại lý kinh doanh. Đường đi được trải nhựa, các con hẻm khu phố được đổ bê tông, nhà cao tầng xuất hiện khá nhiều, có nhiều gia đình sắm ô tô…

Làng lên phố, nhịp sống đô thị làm những con người làng quê không còn tự ti trong quan hệ cuộc sống, sự phân biệt dân gốc rạ với dân thành phố xóa nhòa, điều mà ngày xưa tôi và người làng tôi bao giờ cũng rụt rè mỗi khi vượt cầu Đà Rằng để đến Tuy Hòa.

Làng đã lên phố và phố đã và đang tồn tại trong làng, thế nhưng tổng thể không gian địa chính của một làng quê nông nghiệp vẫn còn nguyên. Ngay cả cái tên làng Thạnh Phú vẫn còn nhiều người gọi cả khi giới thiệu với người xã khác, vì nói ở khu phố nào đó họ không hình dung được… Hằng ngày, tôi và mọi người vẫn đi về trên con đường làng cong cua mà nay đã trải nhựa.

Làng tôi lên phố nhưng vẫn còn đó những lũy tre sau làng, sát với mương nước cặp ruộng chạy dọc dài từ đầu đến cuối khu phố. Là phố nhưng vẫn còn đó cánh đồng làng mênh mông hàng trăm héc ta ruộng nối rộng từ sau làng về hướng tây giáp quốc lộ 1, nối dài về hướng nam giáp với thị trấn của huyện bạn (nay là thị xã). Đến mùa gặt, con đường đi lại trong khu phố vẫn thoang thoảng mùi rơm lúa, sân từng nhà đầy tràn màu vàng của lúa mới.

Làng tôi lên phố, khi đêm về ánh điện đường lung linh sáng rọi đường làng, nhà nhà đều có ti vi, xe máy, hệ thống internet, điện thoại di động, phong trào đi bộ thể dục ngày càng đông người tham gia…

Tình làng nghĩa xóm của người dân làng tôi có tự lâu đời, từ khi lên phố thêm phần khắng khít thông qua ngày hội đại đoàn kết toàn dân. Đặc biệt khi làng đã là khu phố nhưng lễ hội của làng tôi như cúng đình, cúng miễu… vẫn tồn tại; các nghi thức hiếu hỉ, lễ nghĩa, tết cổ truyền vẫn giữ mực như xưa.

Các nhà quản lý, nhà quy hoạch đang đẩy mạnh đô thị hóa, từng bước phố hóa làng quê nhưng vẫn bảo tồn không gian văn hóa làng. Làng ở trong phố, phố ẩn trong làng, đó là sự hòa quyện hài hòa giữa truyền thống và hiện đại.

HOÀNG HÀ TH

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/93/314613/lang-trong-toi-va-pho-trong-toi.html