''Làng tỷ phú'' nhờ xuất khẩu lao động
Xã Cương Gián (huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) và xã Đô Thành (huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) được gọi là những 'làng tỷ phú' nhờ xuất khẩu lao động. Hầu như gia đình nào cũng có người đi làm việc ở nước ngoài. Người dân ở những làng quê nghèo đổi đời, giàu lên nhanh chóng với nhiều biệt thự, xe sang…
Trước những năm 1990, xã Cương Gián (huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) là xã bãi ngang ven biển nghèo. Người dân cần mẫn, một nắng hai sương trên những cánh đồng và bãi biển quê hương, nhưng cái đói, cái nghèo vẫn bám riết họ. Nhà tranh, vách đất nằm xác xơ bên những dãy phi lao và cồn cát bạc màu.
Năm 1994, theo chủ trương của Đảng, Nhà nước đưa người dân đi lao động tại nước ngoài, những người dân Cương Gián đầu tiên sang đất nước Hàn Quốc làm việc. Một người sang làm ăn khấm khá rồi đầu tư cho người thân, anh em, họ hàng, làng xóm sang theo. Cứ thế, cả làng ''dắt díu'' nhau xuất ngoại. Đến nay, toàn xã có trên 3.000 người sinh sống, học tập, làm việc tại nhiều nước trên thế giới như Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Úc, Canada và các nước châu Âu. Hầu như gia đình nào ở Cương Gián cũng có người đi làm việc tại nước ngoài, có nhiều nhà 2-3 người.
Dạo quanh một số đường làng, thôn xóm của Cương Gián hầu như là nhà cao tầng và không hiếm những ngôi biệt thự xa hoa. Cương Gián còn được dân địa phương gọi vui là “Seoul của Hà Tĩnh” bởi trong làng người đi lao động và sinh sống tại Hàn Quốc rất nhiều. Khi có của ăn, của để, người dân xây dựng những ngôi nhà theo phong cách của xứ sở kim chi.
Ông Hoàng Văn Hà, Chủ tịch UBND xã Cương Gián cho biết: Bình quân mỗi lao động ở nước ngoài gửi về 1.500 USD/tháng đem lại một nguồn thu nhập rất lớn cho địa phương, cuộc sống nâng cao, xây dựng nhà cửa, đường sá khang trang. Bằng nguồn ngoại hối gửi về, một số con em về nước dùng nguồn vốn đó xây dựng quê hương, mở các công ty, doanh nghiệp…
Sau nhiều năm làm việc tại Hàn Quốc, anh Lê Quốc Toản (xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) đã liên kết với anh em, bạn bè thành lập Công ty TNHH Phú Minh Gia xây dựng Nhà hàng sinh thái Phú Minh Gia tại thôn Nam Mới, xã Cương Gián, tận dụng lợi thế nguồn hải sản dồi dào, bờ biển đẹp, trở thành một điểm du lịch khá thu hút tại địa phương.
Xã Đô Thành (huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) trước đây là một vùng chiêm trũng, cuộc sống người dân nghèo khó, bám trụ với cây lúa. Nhận thấy xuất khẩu lao động là con đường đổi đời, nhiều người dân bắt đầu tìm cách ''đi Tây''. Xã này được mệnh danh như “Châu Âu của xứ Nghệ” cũng bởi người dân chủ yếu đi làm việc tại các Anh, Pháp, Đức… Người dân sang các nước này họ sẽ làm các công việc như làm nail, công nhân, buôn bán, dịch vụ…
Đến nay, xã Đô Thành có 8.500 người trong độ tuổi lao động. Cả xã có 4.500 hộ thì hầu như nhà nào cũng có người ''đi Tây'', hơn nửa số hộ toàn xã có nhà lầu, xe hơi.
Về “quê lúa” Đô Thành mà ngỡ như đang ở trời Tây bởi rất nhiều biệt thự theo phong cách châu Âu được thiết kế sang trọng như cung điện, lâu đài. Mỗi năm, địa phương này có 500 tỷ đồng tiền ngoại hối gửi về là động lực để đời sống, bộ mặt Đô Thành đổi thay, giàu lên nhanh chóng. Con em làm ăn xa xứ cũng đã tích cực đóng góp để xây dựng quê hương.
“Mới đây, xã Đô Thành triển khai tu sửa Nghĩa trang Liệt sĩ xã, chỉ trong một thời gian ngắn, địa phương đã huy động được 1,6 tỷ đồng; xây dựng hệ thống camera giám sát huy động được gần 500 triệu đồng, chủ yếu đến từ con em xa quê, làm việc tại nước ngoài ủng hộ, đóng góp. Có những gia đình ủng hộ 100 đến 130 triệu đồng”, ông Luyện Xuân Huệ, Chủ tịch UBND xã Đô Thành nói phấn khởi thông tin.
Trong năm 2023, Hà Tĩnh có hơn 12.000 người, Nghệ An có 24.000 người đi làm việc tại các nước. Xuất khẩu lao động là con đường để phát triển kinh tế nhưng cũng đặt ra nhiều trăn trở, lo ngại khi một số địa phương, người dân đổ xô đi làm việc ở nước ngoài dẫn đến tình trạng “chảy máu” lao động, trong làng chủ yếu còn lại người già và trẻ nhỏ; tỷ lệ các cặp vợ chồng ly hôn ngày càng cao…
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/lang-ty-phu-nho-xuat-khau-lao-dong-780240