Làng ươm tơ nổi tiếng bên bờ sông Ninh Cơ ở Nam Định có gì đặc biệt?
Dù nghề ươm tơ không còn phát triển mạnh, nhưng nhiều người dân ở làng Cổ Chất ở xã Phương Định, huyện Trực Ninh, Nam Định vẫn cố gắng bám trụ với nghề của cha ông để lại.
Đã từ lâu, nghề ươm tơ ở làng Cổ Chất ở xã Phương Đình, huyện Trực Ninh, Nam Định nổi tiếng và đi vào các câu ca. Nơi đây cũng là nơi khởi sinh ra loại tơ tằm đẹp nổi tiếng đất thành Nam. Suốt chiều dài lịch sử vài trăm năm sinh tồn với nghề dâu tằm, đến nay Cổ Chất trở thành một làng nghề nổi tiếng khắp vùng miền gần xa. Mỗi gia đình ở đất này có thể ví như một lò ươm tơ. Người Cổ Chất có phong thái tao nhã hiền hòa, sớm hôm cần mẫn bên nong dâu, bên nong tằm né kén.
Theo các bậc cao niên trong làng Cổ Chất, nghề tơ tằm ở đây đã có từ lâu đời. Nghề dâu tằm Cổ Chất xưa còn đơn sơ, người dân lấy tơ tằm đan lưới đánh bắt cá trên sông nước. Đến thời Pháp thuộc, tơ lụa Cổ Chất nổi tiếng nhất trong cả nước, chất lượng và vẻ mịn đẹp còn hơn cả tơ lụa ở làng Vạn Phúc (Hà Đông) và Nha Xá (Hà Nam). Bởi thế, người Pháp thường hay mua lụa Cổ Chất rồi chuyển theo đường tàu hỏa, hay theo đường thủy về nước.
Đầu thế kỉ XX, nhận thấy tơ Cổ Chất sánh được với tơ sợi Trung Hoa, Ấn Độ, giới tư bản Pháp đầu tư một nhà máy ươm tơ ở ngay đầu làng. Từ đây, thương nhân các nơi thường tìm về làng Cổ Chất mua tơ lụa, đem bán ở bến Đò Chè.
Trải qua hàng trăm năm, nghề ươm tơ có lúc lên lúc xuống, có lúc nghiệt ngã, nhưng người Cổ Chất đã ăn đời ở kiếp với tơ tằm, với dệt lụa nên nghề vẫn ở với họ.
Dao quanh một vòng ở làng Cổ Chất bên trong những xưởng kéo tơ, các bà, các chị miệt mài làm việc không biết mệt mỏi dưới màn khói bốc nghi ngút từ nồi nước luộc kén. Kén tằm cho vào nồi được khuấy liên tục nên sợi tơ thi nhau nhả ra.
Sợi tơ chui qua một lỗ nhỏ rồi cuốn mình vào guồng đang quay tít. Những bó tơ trắng, vàng từ nơi đây sẽ được dệt nên biết bao tấm khăn, tấm màn. Tơ Cổ Chất được làm bằng phương pháp thủ công nên rất đẹp và có chất lượng tốt. Sợi tơ thanh mảnh, mềm mại nhưng rất bền và có màu sắc tươi sáng.
Theo người dân, nghề ươm tơ ở làng Cổ Chất dù không còn được sôi động, nhưng những gia đình còn "bám nghề" như muốn lưu giữ lại cái nghề của cha ông để lại, góp phần bảo tồn giá trị văn hóa xưa.
Về kỹ thuật làm tơ tằm truyền thống, người làng ở làng Cổ Chất cho biết, từ lúc tằm ăn lá dâu cho đến lúc sinh ra kén để có thể kéo thành sợi tơ khoảng hơn 30 ngày. Tơ kéo xong đem quấn vào ống rồi phơi khô là đã có thể bán được. Ngoài ra, con nhộng sau khi tuốt kén cũng là món ăn rất ngon và bổ dưỡng - đây cũng chính là nguồn thu nhập phụ của làng.
Hằng năm, người Cổ Chất sẽ bắt đầu vụ ươm tơ đầu tiên từ tháng Hai, tháng Ba và kéo dài đến hết tháng Chín âm lịch. Nguồn cung cấp kén chính cho làng Cổ Chất xưa là ở làng Hợp Hòa nằm bên bờ đê sông Ninh Cơ, cùng thuộc xã Phương Định.
Tuy nhiên đến nay, diện tích đất trồng dâu của làng bị thu hẹp đáng kể, thêm vào đó, nghề chăn tằm nai (tằm dệt) cũng vất vả hơn nhiều lần so với tằm ré (tằm ta, nuôi lấy nhộng làm thực phẩm), thu nhập cũng không cao bằng, nên hầu hết các hộ dân ở thôn Hợp Hòa giờ đã chuyển sang nuôi tằm ré, không còn cung cấp kén tằm cho làng Cổ Chất.
Hiện, người thợ Cổ Chất phải thu mua kén tằm ở khắp nơi, từ Yên Bái, Thanh Hóa, Thái Bình, Hà Nam, Gia Lâm (Hà Nội) về ươm tơ kéo sợi. Kén tằm kéo tơ có hai loại, nếu tằm ăn lá sắn sẽ cho kén trắng, tằm ăn lá dâu thì cho kén vàng. Kén màu nào sẽ cho ra tơ màu ấy.
Để thực hiện quy trình ươm tơ thủ công, người thợ Cổ Chất phải cực kỳ khéo léo và tỉ mỉ, kiên nhẫn. Đầu tiên là phải phân loại kén tằm theo chất lượng, sau đó cho kén vào nồi nước sôi và luôn tay đảo đều cho đến khi lớp áo kén bong ra bên ngoài.
Khi đó, người thợ sẽ lần tìm những mối gốc của kén tơ và rút ra, chập 10 sợi với nhau thành 1 sợi kéo lên quấn vào bát tơ. Người thợ ươm tơ phải đứng làm việc với độ tập trung cao trong cả chục tiếng đồng hồ mỗi ngày trong hơi nóng và sự ẩm ướt.
Nghề ươm tơ đòi hỏi người thợ có độ tập trung cao, làm việc hàng chục giờ đồng hồ mỗi ngày trong hơi nóng và sự ẩm ướt. Đôi mắt phải tinh, đôi tay phải linh hoạt để đảo kén, đánh mối và tỉa sợi tơ, sao cho sợi tơ thật đều, căng chắc và óng mượt, không bị quá dày hay quá mảnh.
Nhiều hộ gia đình ở làng Cổ Chất khi đánh tơ từ bát sang guồng đã kết hợp sấy tơ bằng đèn sưởi, vừa rút ngắn được công đoạn vừa đảm bảo được chất lượng sợi tơ trong những ngày không có nắng,…
Người dân ở làng chia sẻ, để góp phần gìn giữ và phát triển nghề tơ lụa truyền thống, một số hộ dân hiện đã chủ động đầu tư máy móc, ứng dụng công nghệ hiện đại vào công đoạn se tơ, dệt lụa, cho năng suất và thu nhập cao hơn. Nhờ kỹ thuật ươm tơ của người xưa, sản phẩm tơ lụa Cổ Chất hiện đại dù sản xuất thủ công hay máy móc đều có chất lượng cao, sợi tơ mảnh mà bền, mượt mà, óng ả bắt mắt.
Năm 2021, Hợp tác xã lụa Cổ Chất được thành lập, quy tụ những nghệ nhân lành nghề từ 11 hộ gia đình còn gìn giữ được kỹ thuật ươm tơ cổ truyền.
Hiện nay, những người thợ tâm huyết đã nghiên cứu thị trường, tìm tòi, ứng dụng công nghệ hiện đại kết hợp với kỹ thuật truyền thống cho ra đời các sản phẩm lụa cao cấp, đồng thời cung cấp nguyên liệu chất lượng cao cho các thương hiệu thời trang trong nước và Quốc tế.
Xem thêm video đang được quan tâm: