Làng văn hóa du lịch cộng đồng bên dòng sông Đăk Bla
Làng văn hóa du lịch cộng đồng Kon Kơ Tu là điểm du lịch đầu tiên của tỉnh Kon Tum được công nhận là sản phẩm OCOP du lịch hạng 3 sao. Nơi đây lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc của người Ba Na.
Nằm ven bờ sông Đăk Bla thơ mộng, làng văn hóa du lịch cộng đồng Kon Kơ Tu (xã Đăk Rơ Wa, Kon Tum) đang lưu giữ nét văn hóa truyền thống của người Ba Na. Đây là địa danh đầu tiên của tỉnh Kon Tum được công nhận là sản phẩm OCOP du lịch hạng 3 sao.
Ngôi làng cổ có vị thế lý tưởng, vừa đứng bên núi, lại nằm cạnh sông, có khoảng 600 cư dân người dân tộc Ba Na. Nhà rông đặt ở vị trí trung tâm làng cùng hơn 20 ngôi nhà sàn cổ còn lưu giữ lại trong cộng đồng người dân đã tạo cho Kon Kơ Tu nét riêng trong phát triển du lịch.
Ngoài ra, Làng Kon Kơ Tu còn có các công trình kiến trúc mang đậm nét cổ xưa của người Tây Nguyên pha chút nét văn hóa phương Tây như nhà thờ Kon Kơ Tu được làm hoàn toàn bằng gỗ, mang phong cách kết hợp giữa kiến trúc châu Âu và bản sắc văn hóa truyền thống của người Ba Na.
Từ lâu, cộng đồng người Ba Na tại làng Kon Kơ Tu đã biết mở homestay, dựng nhà sàn cho khách du lịch đến tham quan,... Qua đó, xây dựng thêm các tour du lịch với các hình thức như diễn tấu cồng chiêng, múa xoang, đưa khách trực tiếp trải nghiệm các nghề thủ công truyền thống đan lát, dệt thổ cẩm, chèo thuyền dọc sông Đăk Bla…
Từ ngày được quy hoạch thành làng du lịch cộng đồng, xã Đăk Rơ Wa đã nhiều lần tổ chức đưa các hộ gia đình mở dịch vụ homestay đi trải nghiệm thực tế và tập huấn mô hình du lịch ở các tỉnh khác, đồng thời liên kết với trường cao đẳng cộng đồng của tỉnh để đào tạo, cấp chứng chỉ dịch vụ nhà hàng cho 25 học viên trong làng. Chị Thùy là một trong nhiều người dân tộc thiểu số được cấp chứng chỉ pha chế. Hiện người phụ nữ này tham gia tích cực vào các hoạt động du lịch của địa phương.
Làng văn hóa du lịch cộng đồng Kon Kơ Tu hiện tại đã áp dụng công nghệ thông tin vào phát triển du lịch như quét mã thanh toán, mã QR tìm hiểu thông tin điểm đến...
Việc tìm hiểu, làm vải dệt tay thủ công của các nhóm dệt bản địa ở Tây Nguyên đang được tổ chức thành nhiều workshop để lưu truyền, bảo tồn nghề truyền thống cho thế hệ trẻ, đồng thời giới thiệu đến du khách.
Làng Kon Kơ Tu còn thành lập tổ ẩm thực của làng để du khách có thể tự tay chế biến nên những món ăn đặc sản của người Ba Na như cơm lam, gà nướng, gỏi lá, heo làng nướng xiên...
Làng văn hóa du lịch cộng đồng Kon Kơ Tu thu hút du khách bằng cảnh quan thiên nhiên, nét đẹp văn hóa truyền thống trong sinh hoạt và đời sống của đồng bào dân tộc Ba Na.
Với những nét cổ kính trăm năm còn sót lại, xen lẫn một chút hiện đại của cuộc sống, người dân làng Kon Kơ Tu vẫn sống hiền hòa, sẵn sàng đón tiếp du khách nước ngoài.
Bằng chính những nỗ lực sáng tạo và ham học hỏi trong quá trình làm du lịch cùng sự hỗ trợ của địa phương, đời sống của người dân bản địa ngày một nâng cao. Trung bình mỗi năm có gần 1.000 lượt khách du lịch đến tham quan làng Kon Kơ Tu, trong đó có khoảng 300 khách quốc tế.
Du khách nước ngoài chụp ảnh lưu niệm cùng nhà Rông khi đến làng du lịch cộng đồng Kon Kơ Tu.
Để bảo tồn và phát huy lợi thế, thế mạnh về văn hóa, du lịch của làng, tỉnh Kon Tum cũng đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức bảo vệ chính văn hóa truyền thống của mình. Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển loại hình du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn nói riêng gắn với công tác xây dựng nông thôn mới, xây dựng các làng văn hóa, làng nghề gắn với phát triển du lịch, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của các dân tộc.