Làng vật cổ truyền nổi tiếng ở Hà Tĩnh qua hồi ức của các bô lão
Mùa xuân đang đến, những sới vật xã Thuần Thiện (Can Lộc - Hà Tĩnh) lại bắt đầu sôi nổi. Nét văn hóa truyền thống này đang được người dân lưu giữ và phát triển trong đời sống xã hội.
Vật là một trong những môn thể thao dân gian được lưu truyền từ bao đời nay như một nét đẹp văn hóa của cư dân dưới chân núi Ngàn Hống.
Từng là đô vật nổi tiếng, mỗi khi nghe bước chân của mùa xuân trở về, cụ Lê Văn Thìn (70 tuổi) ở thôn Thuần Chân thường nhớ về những sới vật, nhớ tiếng trống khai hội và nhớ những lần cầm lèo đầy dũng mãnh của mình.
Cụ Thìn kể: “Hội vật Thuần Thiện được tổ chức rất đơn giản, có khi được tổ chức ở những địa điểm nhất định nhưng nhiều khi, một bãi đất trống bên cạnh gốc đa hay giữa sân đình cũng có thể thành sàn đấu. Trước khi diễn ra hội vật, lý trưởng của làng cho seo mỏ mang lễ vật đến thông báo với các làng lân cận và mời các đô vật đến cùng tham gia tranh tài.
Trong hội vật, người cầm trống được coi là quan trọng nhất và đấy phải là một chức sắc hay phú hộ nào đó, chí ít cũng phải là một đô vật già từng nổi tiếng, được mọi người nể trọng. Lễ hội được khai mạc bằng 3 hồi 9 tiếng trống, sau đó, thêm 3 hồi trống dài báo hiệu cho các đấu thủ bước lên lễ đài múa vật để khởi động”.
Cụ Lê Văn Thìn (bên phải) là một trong những đô vật có tiếng một thời của xã Thuần Thiện.
Cùng thôn với cụ Thìn, đô vật Hồ Phúc Dục (72 tuổi) là một trong những người được giới trẻ trong làng tìm đến học hỏi. Từ kinh nghiệm thi đấu của cụ Dục, nhiều thế hệ đô vật trong làng không chỉ thuần thục những chước cơ bản như chước vóc trái, chước cọng, quăng, quật, xoắn, xuýt, hay các miếng đánh tấn thủ đòn phản công mà còn học được những mẹo ra đòn tinh thông buộc đối thủ phải “lấm lưng, trắng bụng”.
Vào dịp lễ tết, người dân trong vùng lại khai trống mở hội vật, tạo sân chơi giải trí vui tươi, lành mạnh.
Sự chia sẻ, truyền đạt của những đô vật bô lão đã giúp các thế hệ trẻ Thuần Thiện gìn giữ được nét đẹp văn hóa truyền thống, hơn nữa còn nâng tầm bộ môn này bằng những giải thưởng danh giá. Trong đó, ông Nguyễn Văn Khôi (53 tuổi) ở thôn Liên Sơn từng giành HCV Giải Vật tự do toàn quốc năm 2001; anh Lê Sĩ Thông ở thôn Làng Khang từng liên tiếp giành 3 HCV Giải Vật tự do toàn quốc các năm 2004-2006.
Đô vật các xã Thuần Thiện, Thiên Lộc sôi nổi lên sới thi đấu giao hữu phục vụ du khách tham quan chùa Hương Tích ngày đầu năm mới.
Phái nữ Thuần Thiện cũng đam mê “món” đấu vật chẳng thua kém đấng mày râu. Trong đó, có nhiều đô vật nữ như bà Võ Thị Lam, Võ Thị Tuyết, Nguyễn Thị Lý… một thời từng gây “chấn động” trên sới vật của làng bằng những chước vật đặc sắc. Nay các bà đã trên dưới 50 tuổi, không còn tham gia thi đấu nữa nhưng mỗi khi làng mở hội, tiếng trống vang lên, những thế, những chiêu đặc trưng của vật Thuần Thiện lại trở về trong huyết quản.
Bà Nguyễn Thị Lý ở thôn Thuần Chân cũng là một trong những người rất đam mê với môn vật tự do.
Bà Nguyễn Thị Lý nhớ lại: “Nét đặc trưng của hội vật là người nào vô địch giải đấu thì được cầm lèo cho mùa giải năm sau. Nếu người cầm lèo không thi đấu thì được ngồi trên ghế đẩu đối diện với người cầm trống. Khi hội vật kết thúc, người cầm lèo được làng mở hội tiệc liên hoan ăn mừng. Nếu là người làng khác thì sau bữa tiệc có các đô vật Thuần Thiện tiễn chân ra tận đầu làng”.
Ông Nguyễn Nam Vũ - Phó Chủ tịch UBND xã Thuần Thiện cho biết: “Ngày nay, hội vật của làng Thuần Thiện vẫn tiếp tục được duy trì và phát triển. Với người dân xã Thuần Thiện, vật không chỉ là một môn thể thao giải trí đơn thuần mà còn trở thành một hoạt động văn hóa mang tính cộng đồng không thể thiếu trong mỗi dịp lễ tết. Để vật Thuần Thiện phát huy mạnh mẽ hơn trong đời sống xã hội, chúng tôi đang đề xuất tỉnh hỗ trợ và kêu gọi nguồn xã hội hóa để xây dựng một sới vật và một bộ thảm vật. Qua đó, hoạt động tập luyện và thi đấu được duy trì thường xuyên hơn”.