Làng 'xây nhà' cho chim, xuất 3000 cái/ngày, thợ làm không hết việc
Ở huyện Thanh Oai, Hà Nội có làng Canh Hoạch nổi tiếng với nghề làm lồng chim tuổi đời hàng trăm năm. Từ một nghề phụ nay nghề đã trở thành sinh kế chính của cả làng, giúp nhiều hộ dân giàu lên.
Về thăm làng Canh Hoạch (tên nôm là làng Vác) ở xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai, không khó để nhận ra không khí làng nghề khi cả hai bên đường đều phơi nan tre - nguyên liệu chủ yếu để làm lồng chim, còn các nhà xưởng thì treo lồng chim khắp sân, khắp mặt tiền.
Để làm ra một chiếc lồng chim đẹp, bền, sang đòi hỏi những người thợ cần có tay nghề khéo léo, tỉ mỉ thao tác qua hàng loạt công đoạn như ngâm tre, phơi tre, vót nan, khoan lỗ, làm vành, mài, làm cửa, chạm khắc hoa văn. Nguyên liệu làm lồng chim trước đây có thể tự túc quanh vùng, còn giờ tre trúc thường được nhập từ rừng ở các tỉnh vùng núi phía Bắc như Hòa Bình, Cao Bằng, Quảng Ninh...
Người được xem là ông tổ nghề là cụ Nguyễn Văn Tý, sống ở thế kỷ XIX. Sau đó, cụ Tý truyền nghề lại cho con trai là Nguyễn Văn Nghi (nghệ danh Ba Mi), đến giờ con trai cụ Ba Mi là ông Nguyễn Văn Nghệ, người được phong danh hiệu nghệ nhân sớm nhất trong làng, tiếp tục nối nghề. Ông Nghệ còn lập kỷ lục với chiếc lồng chim cao 2,7m, rộng 0,9m và giành giải Ba trong một cuộc thi làm lồng chim ở Hà Nội năm 2011.
Người dân Canh Hoạch luôn tự hào về nghề làm lồng chim. Đến nay vẫn có những câu ca dao mà người dân truyền tai nhau nói về nghề như: "Hỡi cô thắt dải bao xanh/ Có về Canh Hoạch với anh thì về/ Canh Hoạch ít ruộng nhiều nghề/ Yêu nghề quạt giấy hay nghề đan khua".
Lồng chim tuy là một sản phẩm không phải quá tinh xảo hay cầu kỳ nhưng tại Việt Nam chỉ có Canh Hoạch được biết đến là làng nghề làm lồng chim. Ở một số nơi, lồng chim được làm chỉ làm để phục vụ nhu cầu tại chỗ và không có quy thức rõ ràng về kích thước, mẫu mã và chất liệu. Còn ở Canh Hoạch, ngoài việc chuyên nghiệp hóa nghề, thứ làm nên thương hiệu của lồng chim nơi đây còn là những đường nét, kỹ thuật chạm trổ cầu kỳ hình long, ly, quy, phượng, tứ quý, Bát Tiên...
Đặc điểm của lồng chim nơi đây chính là để càng lâu càng bền, càng bóng (trừ để ngoài mưa). Mỗi loại chim cần một kiểu lồng nhất định, chim to lồng to, chim nhỏ lồng nhỏ hoặc cũng có loài chim nhỏ nhưng thích ở lồng to và phải làm sao tạo được sự hứng thú cho vật nuôi thì con vật mới hay hót và làm dáng.
Anh Nguyễn Văn Khanh, một người thợ trong làng cho biết, với nghề này, người càng già làm càng chuẩn, kỹ năng nướng tre, luộc tre làm sao cho dẻo, chống mối mọt phải có kinh nghiệm mới hiểu được chứ nói cũng khó mà học theo.
Ngoài ra còn phải kể đến kỹ thuật chuốt nan sao cho tròn và thẳng tắp như nhau. Nghề này cho thu nhập không cao nhưng vui, càng làm càng yêu nghề.
"Giá lồng chim cũng không cố định, cái đơn giản thì vài trăm, cái cầu kỳ theo đơn khách hàng đặt thì có thể lên đến vài chục triệu đồng, làm trong cả tháng trời", anh Khanh nói.
Qua tìm hiểu được biết, thị trường chính của lồng chim Canh Hoạch chủ yếu trong nước nhưng cũng có một phần không nhỏ xuất đi nước ngoài như Singapore, Thái Lan, Malaysia, Australia… Trong đó, thị trường Singapore chiếm nhiều nhất, với khoảng 70 lồng mỗi tháng.
Giai đoạn trước đại dịch Covid-19 là thời điểm lồng chim bán rất chạy. Ước tính, mỗi ngày cả làng xuất khoảng trên dưới 3.000 lồng, xe ôtô nườm nượp ra vào nhập hàng. Sau 2 năm dịch bệnh hoành hành, hiện thị trường đang dần trở về quỹ đạo cũ.
Cả làng có khoảng 500 hộ làm nghề, nhiều nhà tay nghề cao giàu lên trông thấy. Nghề cũng đóng góp không nhỏ vào phát triển kinh tế của địa phương. Giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp, công nghiệp ước đạt trên 170 tỷ/đồng năm.
Lồng chim làng Canh Hoạch không tập trung đắp mạ những nguyên liệu đắt tiền như ngà voi, vàng bạc để tăng giá trị của lồng mà chủ yếu dựa vào sự sáng tạo mẫu mã, chi tiết tỉ mỉ và chất lượng bền, đẹp. Sản phẩm lồng chim được chăm chút từ lồng đến đế, phần đế lồng thường làm bằng gỗ thị hoặc gỗ mít để chống mối mọt.
Đến làng Canh Hoạch, du khách còn có thể khám phá cảnh sắc làng quê Bắc bộ và trực tiếp trải nghiệm nghề làm lồng chim. Ngoài ra, ngôi làng cổ này sản sinh ra hai vị trạng nguyên là Nguyễn Đức Lượng và Nguyễn Thiến trong lịch sử khoa bảng Việt Nam.
Nhà thờ Trạng nguyên ở Canh Hoạch được khởi dựng thời Hậu Lê, nay đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Bên cạnh đó, làng Canh Hoạch còn có ngôi đình rất đẹp, được xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 1991.