Lãnh đạo 4 tỉnh Đông Nam Bộ 'ngồi lại' gỡ khó dự án liên kết vùng
Các ý kiến tập trung vào tiến độ và giải pháp đẩy nhanh các dự án vành đai 3, 4 - TP HCM, các dự án kết nối các tỉnh với sân bay Long Thành, dự án kết nối vùng đường sông...
Chiều tối 3-3, tại Trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương, Chủ tịch UBND 4 địa phương gồm: TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu đã có buổi làm việc để bàn về các dự án thúc đẩy kết nối vùng.
Phát biểu tại buổi làm việc, lãnh đạo các địa phương đều thống nhất cùng nhau phối hợp chặt chẽ triển khai các tuyến giao thông kết nối liên vùng và các tuyến giao thông của mỗi địa phương có tác động đến vùng.
Các lãnh đạo cũng khẳng định giao thông phát triển đi đầu, thông suốt sẽ tạo động lực thúc đẩy các lĩnh vực kinh tế - xã hội khác phát triển. Do đó, các ý kiến tập trung vào tiến độ và giải pháp đẩy nhanh các dự án vành đai 3, 4 TP HCM, các dự án kết nối các tỉnh với sân bay Long Thành, dự án kết nối vùng đường sông...
Tại buổi làm việc, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP HCM đề nghị mỗi quý các địa phương làm việc với nhau 1 lần, chú trọng vấn đề phát triển đường sắt, chuyển đổi số, y tế vùng và quy hoạch ven sông.
Về thực hiện Nghị quyết 24, theo ông Phan Văn Mãi, các đề án, dự án của từng địa phương được giao có tác động đến phát triển vùng. Ông đề xuất các tỉnh cần trao đổi, xin ý kiến nhau; thành lập quỹ phát triển giao thông vùng.
4 kiến nghị của Bình Dương
1. Kiến nghị UBND TP HCM, UBND tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phối hợp đề xuất Trung ương đầu tư xây dựng Trung tâm kiểm soát bệnh tật vùng để hỗ trợ Trung tâm kiểm soát bệnh tật của tỉnh và có khả năng liên kết quốc tế. Đầu tư bệnh viện tuyến cuối tại Bình Dương, trong đó phát triển các bệnh viện vệ tinh với quy mô, địa điểm phù họp.
2. Kiến nghị UBND TP HCM, UBND tỉnh Đồng Nai quan tâm có chính sách đẩy mạnh thu hút các ngành dịch vụ để đáp ứng phát triển bền vững trên lưu vực sông Sài Gòn, sông Đồng Nai. Trong đó, quy hoạch và phát triển cảnh quan 2 bên bờ sông; phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế đêm, kinh tế du lịch trên tuyến sông.
Ngoài ra, cần có chính sách chung trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, đặc biệt là môi trường lưu vực hệ thống sông Sài Gòn và sông Đồng Nai, công tác xử lý rác thải, chất thải, nước thải đạt chuẩn môi trường gắn với các giải pháp thích ứng với biến đối khí hậu và phân loại rác thải tại nguồn.
3. Kiến nghị UBND TP HCM, UBND tỉnh Đồng Nai, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phối hợp xây dựng Đề án phát triển tỉnh Bình Dương thành trung tâm giáo dục - đào tạo, giáo dục nghề nghiệp cấp quốc gia và vùng. Trong đó, tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là trong lĩnh vực ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ; đẩy mạnh giáo dục nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu thị trường. Xây dựng chế độ đãi ngộ, thu hút nhân tài đảm bảo chất lượng trong và ngoài nước.
4. Đề xuất triển khai thực hiện tuyến xe buýt Bình Dương – sân bay Tân Sơn Nhất.