Lãnh đạo ACG tự tin, nhà đầu tư nhận 'trái đắng'
Từng được các công ty chứng khoán định giá lên mức 10.0, nhưng mã ACG của CTCP Gỗ An Cường chỉ lẹt đẹt ở mức giá dưới mốc 4.0. Vậy đâu là nguyên nhân khiến ACG chưa thể bứt phá như kỳ vọng?
Quá khứ hoành tráng
Tháng 8-2021, ACG đưa 87,6 triệu cổ phiếu (CP) lên niêm yết trên sàn UPCoM với giá tham chiếu 90.000 đồng/CP, tương ứng với mức vốn hóa lên tới 7.884 tỷ đồng. Tại thời điểm đó, theo thông tin từ ACG thì đây là doanh nghiệp khá nổi tiếng trong lĩnh vực chế biến gỗ, khi nắm hơn 55% thị phần nguyên vật liệu trang trí nội thất và vật liệu trang trí phân khúc trung - cao cấp tại Việt Nam.
Nhờ đa dạng về mẫu mã và chất lượng, ACG trở thành lựa chọn hàng đầu của các tập đoàn phát triển bất động sản, đơn vị tư vấn thiết kế, tổng thầu, các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng nội thất. Đặc biệt, ACG luôn duy trì được tốc độ tăng trưởng doanh thu 25-30% trong các năm qua.
Với bảng “lý lịch trích ngang” khá hoành tráng kể trên, ACG đã nhanh chóng bứt phá lên mức giá xấp xỉ 126.000 đồng ở phiên chào sàn UPCoM. Ở mức giá này, vốn hóa của ACG vượt mốc 11.000 tỷ đồng. Dù nhanh chóng điều chỉnh ở những phiên kế tiếp, nhưng ACG vẫn giữ được trên mốc 10.0, tương ứng với mức vốn hóa khoảng 9.000 tỷ đồng.
Với mục tiêu doanh thu 5.000 tỷ đồng và lợi nhuận 668 tỷ đồng, ACG chắc chắn không thể “về đích” năm 2023 khi mới thực hiện được 52% kế hoạch doanh thu và 40% về lợi nhuận.
Đến tháng 10-2022, ACG chuyển niêm yết từ UPCoM sang HoSE với giá tham chiếu 67.300 đồng/CP, tương đương mức vốn hóa 9.142 tỷ đồng.
Cũng trong năm 2022, ACG ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng với doanh thu đạt 4.475 tỷ đồng và lợi nhuận đạt 615 tỷ đồng, cao nhất trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp. Từ kết quả ấn tượng này, HĐQT của ACG mạnh dạn đặt mục tiêu cao hơn cho năm 2023 với doanh thu 5.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 668 tỷ đồng, tăng lần lượt 12% và 8% so với thực hiện trong năm 2022.
Hiện tại “chán chường”
Dù đón nhận thông tin tích cực từ hoạt động sản xuất kinh doanh, nhưng ACG liên tục đi xuống, đặc biệt là sau khi chuyển niêm yết sang HoSE. Cụ thể, chỉ hơn 1 tháng giao dịch trên HoSE, ACG ghi nhận mức giảm hơn phân nửa giá trị, từ 67.300 đồng/CP xuống còn 32.900 đồng/CP.
Đáng chú ý là sau hơn 1 năm sau khi “chuyển nhà” sang HoSE, ACG chỉ có duy nhất 1 đợt sóng tăng đầu năm 2023, nhờ thông tin từ kết quả kinh doanh năm 2022. Sau đợt sóng này, ACG liên tục bị bán tháo và hiện đang giao dịch ở mức giá chỉ hơn 37.000 đồng/CP.
Việc ACG bị cổ đông và nhà đầu tư bán tháo xuất phát từ kết quả kinh doanh không mấy sáng sủa, thậm chí có phần tiêu cực trong năm 2023. Kết quả kinh doanh 3 quý đầu năm của ACG đều ghi nhận mức tăng trưởng âm. Lũy kế 9 tháng, ACG ghi nhận doanh thu đạt 2.610 tỷ đồng (giảm 16%), lợi nhuận sau thuế ở mức 275 tỷ đồng (giảm 38%).
Tại thời điểm ngày 30-9, tổng tài sản đạt 5.122 tỷ đồng, giảm 6% so với đầu năm 2023. Như vậy, với mục tiêu doanh thu 5.000 tỷ đồng và lợi nhuận 668 tỷ đồng, ACG chắc chắn không thể “về đích” năm 2023 khi mới thực hiện được 52% kế hoạch doanh thu và 40% về lợi nhuận.
Đáng chú ý là những giải trình của lãnh đạo ACG về kết quả kinh doanh đi xuống trong 3 quý đầu năm đều na ná nhau, và tất cả đều là yếu tố khách quan. “Do tình hình kinh tế trong nước và thế giới diễn biến phức tạp; người tiêu dùng thận trọng trong chi tiêu. Đây là các yếu tố khiến cho lợi nhuận ACG giảm so với cùng kỳ năm trước”- bà Võ Thị Ngọc Ánh, Tổng giám đốc ACG lý giải.
Tương tự, khi giải thích với cổ đông về giá CP xuống thấp, ông Lê Đức Nghĩa, Chủ tịch HĐQT, cho rằng ACG không may mắn khi niêm yết đúng lúc ngành gỗ đang suy thoái. Thời điểm ACG lên sàn, hàng loạt báo cáo cho thấy ngành gỗ suy thoái và kinh tế khó khăn. Tuy nhiên ngành gỗ sẽ rất tốt từ năm 2024 trở đi.
Cổ đông mất niềm tin
Những cổ đông thua lỗ khi nắm giữ CP ACG chắc chắn không hài lòng với kiểu giải thích “cho có” của lãnh đạo doanh nghiệp. Bởi ngay tại ĐHCĐ thường niên 2023 được tổ chức vào tháng 4, HĐQT của ACG vẫn tỏ ra tự tin. Theo ông Nghĩa, năm 2022 cực kỳ khó khăn, nhiều công ty gỗ trên toàn cầu đều bị giảm 30-40%, nhưng ACG vẫn đạt mức tăng trưởng lợi nhuận 36% so với 2021. Điều này là nhờ ACG “có lối đi riêng, cách làm riêng”. Chính vì vậy, mục tiêu năm 2023 của ACG chủ yếu dựa trên kết quả của năm 2022 và mức tăng trưởng này “cũng không quá đáng”.
Thậm chí, trả lời chất vấn của cổ đông về kết quả kinh doanh quý I-2023, ông Nghĩa giải thích do chi phí bán hàng tăng lên 35 tỷ đồng. Nguyên nhân là do ACG có nhiều chi phí chưa chi từ năm ngoái, cộng với chi phí từ việc mở rộng hệ thống phân phối trên toàn quốc.
Chính vì vậy, ACG sẽ giữ nguyên kế hoạch kinh doanh năm 2023. Theo ông Nghĩa, thị trường đang xuất hiện các yếu tố tích cực như một số tín hiệu nới lỏng về trái phiếu, bất động sản, lãi suất ngân hàng, đặc biệt các thị trường châu Âu và Mỹ cũng đang cải thiện về nhu cầu.
Từ sự tự tin có phần phi thực tế của đội ngũ lãnh đạo ACG, nhiều cổ đông bắt đầu lo ngại về các chiến lược đầu tư của doanh nghiệp thời gian gần đây, đặc biệt là việc lấn sân sang lĩnh vực tài chính và bất động sản.
Cụ thể, tháng 4-2021, ACG chi 119,2 tỷ đồng mua gần 13% cổ phần của CTCP Tập đoàn Bất động sản Thắng Lợi (Thắng Lợi Group). Đến năm 2022, ACG tiếp tục chi thêm 393 tỷ đồng để mua 30% Công ty Bất động sản Central Hill từ Thắng Lợi Group. Không những rót tiền vào Thắng Lợi Group, ACG còn rót 285 tỷ đồng vào dự án bất động sản đình đám tại Bình Thuận, sau khi doanh nghiệp này đã ký các biên bản thỏa thuận quyền chọn mua bất động sản thuộc dự án nói trên.
Về lĩnh vực tài chính, tính đến cuối quý II-2022, ACG đã rót hơn 1.800 tỷ đồng dành cho các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn và dài hạn.
KIM GIANG
Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/lanh-dao-acg-tu-tin-nha-dau-tu-nhan-trai-dang-post110712.html