Lãnh đạo ASEAN đối thoại với thanh niên, nghị viện và doanh nghiệp
Chiều 26/5, Trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 46 tại Kuala Lumpur (Malaysia), Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các nhà lãnh đạo ASEAN đã tham gia ba phiên đối thoại quan trọng với Hội đồng Liên nghị viện ASEAN (AIPA), thanh niên ASEAN và Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN (ABAC).
Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh đại diện cho Quốc hội Việt Nam tham dự Phiên đối thoại.
Tại phiên đối thoại với AIPA, các Nghị viện thành viên AIPA đánh giá cao chủ đề “Bao trùm và Bền vững” của hợp tác ASEAN năm 2025, hoan nghênh và khẳng định cam kết mạnh mẽ đồng hành triển khai văn kiện “ASEAN 2045: Tương lai chung của chúng ta”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự phiên Đối thoại của lãnh đạo ASEAN với đại diện Hội đồng liên Nghị viện ASEAN (AIPA). (Ảnh: TTXVN)
Với chủ đề “Nghị viện trên tuyến đầu vì một ASEAN tăng trưởng bao trùm và bền vững”, các đại biểu nhấn mạnh hợp tác liên nghị viện đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy hội nhập và kết nối khu vực, tạo điều kiện cho sự tham gia và đóng góp của phụ nữ và thanh niên, khẳng định tính bổ trợ giữa phát triển tiểu vùng với tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN.
AIPA nhấn mạnh tầm quan trọng của đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN, kêu gọi thực hiện đầy đủ Đồng thuận 5 điểm về Myanmar, đề cao luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, duy trì Biển Đông là vùng biển của hòa bình, ổn định và hợp tác. Các Nghị viện AIPA cũng đề nghị tăng cường phối hợp ứng phó hiệu quả với các thách thức an ninh phi truyền thống, như biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước, tội phạm xuyên quốc gia.
Phát biểu tại phiên đối thoại, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị AIPA phát huy vai trò “tuyến đầu” trong hoàn thiện khung pháp lý và thể chế để triển khai Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045, xây dựng thể chế, chính sách để phát huy vai trò về “Sáng tạo và Công nghệ” và trong phát huy vai trò là cầu nối với người dân; đề nghị AIPA cần phát huy hơn nữa vai trò, đóng góp để gìn giữ hòa bình, ổn định ở khu vực, thông qua các biện pháp, hành động đề cao luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc, Hiến chương ASEAN, tận dụng cơ chế đối thoại với các Quốc hội đối tác để củng cố hiểu biết, tin cậy lẫn nhau.
Thủ tướng chia sẻ, Việt Nam sẵn sàng đồng hành cùng AIPA để cùng kiến tạo một ASEAN giàu mạnh, thịnh vượng trong đó sự phát triển không để ai ở lại phía sau và sự hợp tác là không có giới hạn.
Tại phiên đối thoại với Thanh niên ASEAN, với chủ đề “Thanh niên vì Tương lai bền vững: Thúc đẩy bao trùm và động lực thay đổi trong ASEAN”, các đại biểu thanh niên ASEAN đưa ra nhiều khuyến nghị chính sách tới Lãnh đạo các nước ASEAN. Các khuyến nghị bao gồm tăng cường tiếp cận giáo dục kỹ năng số và trí tuệ nhân tạo, nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần cho giới trẻ, hỗ trợ nhóm yếu thế, khuyến khích khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, thúc đẩy hành động khí hậu và đa dạng văn hóa ASEAN.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, thanh niên vừa là đối tượng thụ hưởng vừa là chủ thể kiến tạo, dẫn dắt ASEAN trong tương lai. Chia sẻ thông điệp “Hành động hôm nay - Kiến tạo ngày mai”, Thủ tướng Chính phủ kêu gọi thanh niên ASEAN phát huy tinh thần xung kích, sáng tạo với “năm chủ động”, bao gồm: chủ động trong học tập, chủ động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, chủ động tham gia xây dựng thể chế, chủ động giao lưu và hội nhập quốc tế và chủ động tham gia gìn giữ hòa bình, ổn định và bản sắc văn hóa ASEAN.
Thủ tướng Chính phủ đề xuất các nước ASEAN tập trung vào năm trọng tâm là xây dựng nền giáo dục mở, hỗ trợ phát triển khoa học công nghệ và chuyển đổi số, thúc đẩy khởi nghiệp, tạo không gian đối thoại để lắng nghe tiếng nói thanh niên và khuyến khích thanh niên tham gia bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Thủ tướng Chính phủ khẳng định, Việt Nam cam kết đồng hành cùng ASEAN, ưu tiên phát triển toàn diện thanh niên như một nguồn lực chiến lược. Thủ tướng Chính phủ bày tỏ tin tưởng tương lai rạng rỡ của ASEAN sẽ được viết nên bởi thế hệ trẻ dám nghĩ, dám làm, dám tiên phong vì một ASEAN gắn kết và bền vững.
Tại phiên đối thoại với Hội đồng Tư vấn kinh doanh (ASEAN-BAC), các đại biểu đề xuất các trọng tâm ưu tiên gồm: tăng cường thương mại và đầu tư nội khối, nâng cao tích hợp kết nối kinh tế, xây dựng tương lai bao trùm và bền vững, và xây dựng một ASEAN tự cường số.
Nhấn mạnh sự cần thiết của hội nhập kinh tế sâu rộng, phát triển bền vững và chuyển đổi số toàn diện, ASEAN‑BAC đưa ra nhiều sáng kiến cụ thể như xây dựng Thực thể Doanh nghiệp ASEAN nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động xuyên biên giới, sớm hình thành Thị trường Vốn tư nhân ASEAN, Khung Thị trường Carbon chung, phát triển chiến lược thúc đẩy lưu chuyển nhân tài trẻ, và xây dựng nền tảng số nhằm đơn giản hóa thủ tục, giảm thời gian và chi phí giao dịch, mở ra kỳ vọng tăng GDP ASEAN thêm 5.5 tỷ USD Mỹ nhờ số hóa thương mại.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bày tỏ hy vọng những sáng kiến này sẽ góp phần hiện thực hóa một ASEAN “Bao trùm và Bền vững”. Thủ tướng Chính phủ kỳ vọng ASEAN‑BAC tiếp tục là tiếng nói mạnh mẽ của khối kinh tế tư nhân để thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh khu vực, tăng cường kết nối chuỗi cung ứng, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, góp phần hiện thực hóa Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN năm 2045.
Thủ tướng Chính phủ khẳng định, doanh nghiệp là trái tim của tăng trưởng ASEAN và cam kết Chính phủ Việt Nam kiến tạo “thể chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh” để cùng với các Chính phủ và doanh nghiệp các nước thành viên đưa ASEAN trở thành một thực thể kinh tế năng động, tự cường, bao trùm và bền vững, sẵn sàng thích ứng với mọi biến động toàn cầu.
Ba phiên đối thoại phản ánh quyết tâm của ASEAN trong việc xây dựng một cộng đồng phát triển bao trùm, lấy con người làm trung tâm và sẵn sàng đối mặt với những thách thức toàn cầu.