Lãnh đạo Australia, New Zealand đánh giá ý nghĩa chiến lược của RCEP
Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, Thủ tướng Australia Scott Morrison ngày 15/11 tuyên bố việc 15 quốc gia khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong đó có Australia, ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) thể hiện cam kết chung về mở cửa thương mại và đầu tư, bất chấp những thách thức do đại dịch COVID-19 gây ra.
Trong một thông báo, ông Morrison khẳng định chính sách thương mại của Australia là hỗ trợ việc làm cho người dân, thúc đẩy cơ hội xuất khẩu và đảm bảo một khu vực mở với chuỗi cung ứng mạnh mẽ hơn. RCEP được xây dựng dựa trên những thành công thương mại của Australia và là tin tốt đối với các doanh nghiệp nước này.
Nhà lãnh đạo Australia nhấn mạnh: “Với 1/5 số việc làm của Australia phụ thuộc vào thương mại, Hiệp định RCEP rất quan trọng khi Australia và khu vực bắt đầu quá trình tái thiết sau đại dịch COVID 19. Hiệp định bao trùm khu vực phát triển nhanh nhất trên thế giới và khi các nền kinh tế RCEP tiếp tục phát triển, tầng lớp trung lưu của các nước gia tăng, điều này sẽ mở ra cánh cửa mới cho nông dân, doanh nghiệp và nhà đầu tư Australia”.
Trong khi đó, Bộ trưởng Thương mại Australia Simon Birmingham nhấn mạnh RCEP sẽ là hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới, sẽ cải thiện cơ hội xuất khẩu cho nông dân và doanh nghiệp Australia, đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ. Ông Birmingham nhận định RCEP sẽ giúp các nhà xuất khẩu Australia tham gia vào một khu vực đang phát triển bùng nổ trên toàn cầu, với các nước thành viên chiếm gần 30% GDP toàn cầu.
Chính phủ Australia cho biết khi RCEP được chính thức thực thi, doanh nghiệp nước này sẽ nhận được rất nhiều lợi ích, bao gồm tiếp cận thuế quan ưu đãi ở các thị trường thành viên RCEP; hoạt động thương mại dịch vụ trên toàn khu vực, bao gồm cả dịch vụ viễn thông, tài chính; cơ chế tốt hơn cho việc giải quyết hàng rào phi thuế quan bao gồm các lĩnh vực như thủ tục hải quan, kiểm dịch và tiêu chuẩn kỹ thuật; sự chắc chắn hơn về đầu tư; các quy định về thương mại điện tử giúp các doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến dễ dàng hơn; một bộ quy tắc chung về sở hữu trí tuệ; các quy tắc xuất xứ thống nhất giúp tăng khả năng cạnh tranh của các nguyên liệu đầu vào của Australia trong các chuỗi sản xuất trong khu vực.
Ông Birmingham khẳng định Australia cam kết phê chuẩn RCEP sớm nhất có thể để nông dân, doanh nghiệp và nhà đầu tư Australia có thể tiếp cận các lợi ích của Hiệp định. Ngoài ra, Australia cũng cam kết hỗ trợ kỹ thuật để giúp các nước ASEAN đủ điều kiện thực hiện các cam kết trong RCEP, đảm bảo RCEP phát huy hết tiềm năng của Hiệp định.
Cùng ngày, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern cũng có bài phát biểu khẳng định RCEP có giá trị chiến lược quan trọng đối với quốc gia này thông qua việc tăng cường và làm sâu sắc hơn các mối quan hệ trong khu vực.
Bà Jacinda tuyên bố: “Đảm bảo các hiệp định thương mại tự do như RCEP là một phần quan trọng trong Chiến lược phục hồi thương mại của New Zealand, đem lại cho đất nước một vị trí tốt nhất có thể để phục hồi sau các tác động của đại dịch COVID-19 và tận dụng các cơ hội xuất khẩu và đầu tư mới”.
Theo bà Jacinda, một loạt các ngành công nghiệp của New Zealand sẽ trực tiếp hưởng lợi từ hiệp định này, giúp đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế nhờ các cơ hội tiếp cận mới với các nền kinh tế lớn của ASEAN.
Năm 2019, New Zealand đã xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ trị giá hơn 48 tỷ NZD (33,6 tỷ USD) sang các nước RCEP. Theo Bộ trưởng Tăng trưởng Thương mại và Xuất Khẩu New Zealand Damien O’Connor, RCEP sẽ đảm bảo quyền tiếp cận thị trường cho các nhà xuất khẩu của New Zealand vào một khu vực bao gồm 7 trong số 10 đối tác thương mại hàng đầu của New Zealand.
Theo ông Damien O’Connor, Chính phủ New Zealand sẽ sớm trình văn bản RCEP cùng hồ sơ pháp lý liên quan lên Quốc hội nước này.