Lãnh đạo Bộ Công Thương nêu 5 vấn đề trọng tâm cho Công đoàn ngành Công Thương
Dự và phát biểu tại Đại hội Công đoàn Công Thương Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân nêu 5 vấn đề trọng tâm cho Công đoàn Ngành.
Ngày 6/10 đã diễn ra Phiên trọng thể Đại hội Công đoàn Công Thương Việt Nam khóa IV, nhiệm kỳ 2023 - 2028. Thay mặt Ban Cán sự Đảng và lãnh đạo Bộ Công Thương, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân ghi nhận, biểu dương những kết quả, thành tích Công đoàn Công Thương Việt Nam đã đạt được thời gian qua.
Thứ trưởng nhấn mạnh, những năm qua, trong bối cảnh phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, song dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; sự vào cuộc kịp thời, hiệu quả của cả hệ thống chính trị, cùng những nỗ lực vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, kinh tế nước ta đã vượt qua khó khăn; tiếp tục đà phục hồi, phát triển.
Ngành Công Thương Việt Nam cũng đã chủ động, sáng tạo triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp được giao và đạt được những kết quả tích cực trên các lĩnh vực, góp phần quan trọng vào sự phát triển của đất nước.
Trong những thành tựu chung ấy có sự đóng góp tích cực của tổ chức công đoàn, lực lượng đoàn viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức công đoàn và các phong trào thi đua lao động sáng tạo, đóng góp tích cực vào sự phát triển của ngành và của đất nước, Thứ trưởng nêu 5 vấn đề trọng tâm để Đại hội thảo luận, xem xét và quyết định, đó là:
Thứ nhất, tổ chức công đoàn cần thực hiện tốt vai trò, vị trí là cầu nối giữa Đảng, chính quyền với người lao động; tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giúp cho mỗi đoàn viên, công chức, viên chức và người lao động nâng cao bản lĩnh chính trị, ý thức chấp hành pháp luật và tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Thứ hai, chú trọng đổi mới mạnh mẽ cả về tổ chức và nội dung, phương thức hoạt động công đoàn theo hướng tập trung cho cơ sở, lấy đoàn viên, người lao động làm trung tâm; tránh hình thức, phô trương và hành chính hóa, tạo chuyển biến tích cực trong hoạt động công đoàn theo đúng tinh thần Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị và Kế hoạch 06 của Ban cán sự đảng Bộ Công Thương về đổi mới tổ chức hoạt động công đoàn trong tình hình mới.
Thứ ba, bám sát sự chỉ đạo, điều hành của Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ; sự chỉ đạo, hướng dẫn của công đoàn cấp trên và chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan, đơn vị để xây dựng, cụ thể hóa các tiêu chí thi đua và phát động, tổ chức thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước với nội dung, hình thức phong phú, thiết thực, phù hợp với điều kiện, tình hình của ngành và từng đơn vị, tạo động lực để các đoàn viên, người lao động tích cực thi đua, phát huy sáng kiến, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác, góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của mỗi cơ quan, đơn vị và của toàn ngành.
Thứ tư, phát huy vai trò, chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích lợi hợp pháp của đoàn viên, người lao động nhất là ở khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước. Chủ động phối hợp thực hiện tốt quy chế dân chủ trong cơ quan, đơn vị, góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ; đồng thời, tích cực tham gia kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách liên quan trực tiếp đến đoàn viên và người lao động, nhất là về điều kiện làm việc, thu nhập, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, an toàn lao động…
Thứ năm, tăng cường công tác xây dựng Đảng và xây dựng, củng cố tổ chức công đoàn trong sạch, vững mạnh, thực sự là hạt nhân, trung tâm đoàn kết, tập hợp đoàn viên; trong đó, trọng tâm là thực hiện thường xuyên, nghiêm túc các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và chỉ đạo của Đảng ủy các cấp về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh gắn với tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Tích cực đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Đồng thời, chú trọng đổi mới công tác đánh giá, xếp loại công đoàn các cấp, bảo đảm thực chất, hiệu quả; thường xuyên quan tâm thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn, nhất là đội ngũ cán bộ chủ chốt và người đứng đầu tổ chức công đoàn có đủ phẩm chất, năng lực, trình độ và uy tín ngang tầm nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của ngành Công Thương.
Nhân dịp này, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cũng đề nghị các cấp ủy Đảng, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trong toàn ngành tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo; chủ động phối hợp chặt chẽ với công đoàn ngành và các tổ chức công đoàn cơ sở trong triển khai thực hiện nhiệm vụ, tạo điều kiện để các cấp công đoàn hoạt động thuận lợi, hiệu quả, có bước phát triển mạnh mẽ, vững chắc hơn trong thời gian tới.
Ban cán sự đảng, lãnh đạo Bộ Công Thương tin tưởng và mong rằng: Với tinh thần “Đổi mới - Dân chủ - Đoàn kết - Phát triển”, Ban Chấp hành Công đoàn Công Thương Việt Nam khóa mới sẽ tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của tổ chức công đoàn Việt Nam và các thành tích đạt được trong những năm qua, để nỗ lực phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội đã thống nhất quyết nghị, đóng góp xứng đáng cùng toàn ngành tiếp tục hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Đại hội Công đoàn Công Thương Việt Nam lần thứ IV, nhiệm kỳ 2023 - 2028 đã bầu ra: 38 đồng chí vào Ban Chấp hành khóa mới; 12 đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ; 11 đồng chí Ủy viên Ủy ban kiểm tra; Đồng thời, bầu Đoàn đại biểu dự Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII gồm 10 đại biểu chính thức và 2 đại biểu dự khuyết.