Lãnh đạo BV Phan Thiết liên quan án tham ô, nộp tiền khắc phục...thoát tội?
Một số lãnh đạo, cựu lãnh đạo BV Phan Thiết liên quan vụ án tham ô hơn 5,4 tỷ đồng đã nộp lại tiền khắc phục. Dư luận đặt câu hỏi, liệu có thoát tội?
Liên quan vụ án “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Trung tâm Y tế TP Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận), mới đây, Sở Y tế Bình Thuận đã kết luận hành vi của 5 cá nhân là giám đốc, phó giám đốc, kế toán trưởng của Trung tâm Y tế TP Phan Thiết có liên quan đến hành vi phạm tội của ông Nguyễn Duy Hiển - nguyên kế toán, nguyên trưởng Phòng Kế hoạch Tài chính TTYT TP Phan Thiết trong vụ án "Tham ô tài sản" 5,4 tỷ đồng xảy ra tại BV Phan Thiết trước đây.
Các cá nhân gồm ông Nguyễn Quang Thời - cựu Giám đốc Bệnh viện TP Phan Thiết, ông Nguyễn Trung Hà - Giám đốc TTYT TP Phan Thiết, bà Nguyễn Thị Bích Anh - cựu Phó Giám đốc Bệnh viện TP Phan Thiết, ông Ngô Giang Vũ - Phó Giám đốc TTYT TP Phan Thiết và bà Trần Thị Thu Thảo - Trưởng phòng Tài chính kế toán, nguyên Kế toán trưởng của TTYT TP Phan Thiết.
Đáng chú ý, trong quá trình điều tra, các lãnh đạo và nguyên lãnh đạo của Trung tâm y tế TP Phan Thiết cũng tự nộp tiền vào tài khoản của Cơ quan Cảnh sát điều tra hơn 5,4 tỷ đồng để khắc phục hậu quả trong vụ án tham ô tài sản.
Dư luận đặt câu hỏi, với việc nộp tiền khắc phục, các cá nhân trên liệu có thoát tội?
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa cho biết, trong vụ án tham ô tài sản xảy ra tại Bệnh viện TP Phan Thiết đã được cơ quan điều tra Công an tỉnh Bình Thuận khởi tố thì chủ mưu và người trực tiếp tiến hành tham ô, chiếm đoạt tài sản của Nhà nước là Nguyễn Duy Hiển đã bị khởi tố bị can, bắt tam giam. Theo kết luận thì hiện tại phát hiện thêm 5 cá nhân tại thời điểm đó có liên quan đến vụ án Tham ô tài sản nêu trên.
Luật sư Hoàng Tùng nhận định, căn cứ vào kết luận, có thể thấy, có cá nhân có những dấu hiệu đồng phạm trong tội Tham ô tài sản nêu trên, có cá nhân có hành vi thiếu trách nhiệm trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ của mình nên đã tạo điều kiện cho các đối tượng thực hiện hành vi tham ô tài sản, chiếm đoạt tiền của nhà nước.
Do đó, cần thiết phải chuyển kết luận này qua cơ quan điều tra để tiến hành điều tra, khởi tố bị can với những cá nhân có hành vi đồng phạm trong tội Tham ô tài sản.
Đối với những cá nhân được kết luận là thiếu trách nhiệm trong thực hiện công vụ của mình dẫn đến hậu quả nghiêm trọng nêu trên thì xem xét khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Luật sư Hoàng Tùng cho rằng, theo quy định của pháp luật, việc các cá nhân nêu trên nộp tiền khắc phục hậu quả không thể làm mất đi nghĩa vụ chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi vi phạm của mình. Việc nộp tiền khắc phục hậu quả sẽ được coi là tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại Điều 51 Bộ luật hình sự.
Mời độc giả xem thêm video Lai Châu: 2 cán bộ phòng GD&ĐT tham ô hơn 26 tỷ đồng