Lãnh đạo các nước Arab thống nhất giải quyết thách thức toàn cầu và khu vực
Hội nghị thượng đỉnh Liên đoàn Arab (AL) lần thứ 31 đã kết thúc ngày 2/11 sau hai ngày họp tại thủ đô Algiers của Algeria, với sự tham gia của các nguyên thủ từ nhiều nước Arab, đưa ra tuyên bố chung kêu gọi hành động tập thể giải quyết các thách thức toàn cầu và khu vực.
Hội nghị thượng đỉnh Liên đoàn Arab lần thứ 31 khai mạc tối 1/11 tại thủ đô của Algeria. Bên cạnh lãnh đạo 22 nước thành viên AL, sự kiện có sự tham gia của một số khách mời danh dự như Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev - Chủ tịch Phong trào Không liên kết và Tổng thống Senegal Macky Sall - Chủ tịch đương nhiệm của Liên minh châu Phi. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh lạm phát gia tăng, tình trạng thiếu lương thực và năng lượng, hạn hán và chi phí sinh hoạt tăng cao trên khắp Trung Đông và châu Phi.
Đây là hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của AL kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Tại lễ khai mạc, Tổng thống Tunisia Kais Saied đã thực hiện nghi lễ mang tính biểu tượng để trao quyền chủ trì hội nghị thượng đỉnh cho người đồng cấp Algeria Abdelmadjid Tebboune. Tunisia là nước đăng cai Hội nghị thượng đỉnh Liên đoàn Arab vào năm 2019.
Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Saied nêu bật khẩu hiệu “đoàn kết”, phản ánh hy vọng các nước Arab vượt qua những rào cản về khác biệt để có thể ứng phó hiệu quả với những thách thức chung. Tổng thống AlgeriaAbdelmadjid Tebboune cho rằng các nước trong khối Arab cần gắn kết hơn nữa để đối mặt với khủng hoảng và căng thẳng leo thang, đặc biệt khi tình hình khu vực và quốc tế đang diễn biến phức tạp, cảnh báo “những vấn đề toàn cầu đang tạo ra sự phân cực, theo đó ảnh hưởng đến an ninh lương thực chung”.
Trong suốt hai ngày diễn ra hội nghị thường niên lớn nhất của liên đoàn, lãnh đạo các nước Arab đã nỗ lực tìm kiếm điểm chung trong một số vấn đề gây chia rẽ trong khu vực. Tuyên bố chung sau hội nghị thượng đỉnh cảnh báo những rủi ro đối với an ninh và ổn định của các quốc gia Arab do tình hình quốc tế thay đổi, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thống nhất nỗ lực nhằm bảo toàn lợi ích chung của khối Arab. Trong văn kiện này, lãnh đạo các nước AL cũng kêu gọi hợp tác đảm bảo an ninh lương thực và năng lượng, ứng phó với biến đổi khí hậu, cũng như chấm dứt các cuộc khủng hoảng ở một số nước Arab.
Một trong những trọng tâm trong các cuộc thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh là khủng hoảng lương thực và năng lượng, đang trở nên trầm trọng hơn do tác động của cuộc chiến ở Ukraine, gây ra những hậu quả tàn khốc đối với Ai Cập, Lebanon và Tunisia, cùng một số quốc gia Arab khác, những nước đang phải vật lộn trong nhập khẩu đủ lúa mì và nhiên liệu để đáp ứng nhu cầu của người dân.
Cuộc khủng hoảng này trở nên tồi tệ hơn sau đợt hạn hán nghiêm trọng nhất trong vài thập kỷ qua, tàn phá nhiều vùng đất tại Somalia, một trong những thành viên mới của Liên đoàn Arab khiến một số khu vực của nước này đến bờ vực của nạn đói. Việc Nga tăng cường phong tỏa các cảng trên Biển Đen có nguy cơ làm leo thang thêm cuộc khủng hoảng, do nhiều quốc gia Arab gần như chỉ phụ thuộc vào xuất khẩu lúa mì và phân bón của Ukraine và Nga.
Đề cập vấn đề Palestine, các nhà lãnh đạo Arab nhắc lại sự ủng hộ hoàn toàn đối với việc thành lập một nhà nước Palestine độc lập trên cơ sở biên giới năm 1967 với Đông Jerusalem là thủ đô, đồng thời hối thúc Israel ngừng các cuộc tấn công nhằm vào người Palestine và chấm dứt phong tỏa dải Gaza. Trước đó trong phát biểu khai mạc, ông Tebboune nhấn mạnh: “Palestine là vấn đề cốt lõi được ưu tiên hàng đầu”, theo đó kêu gọi “đổi mới cam kết của tập thể các nước Arab đối với Sáng kiến Hòa bình Arab để đảm bảo người dân Palestine thành lập một nhà nước độc lập”.
Nguyên thủ các nước Arab, từ các vị vua, tiểu vương, tổng thống và thủ tướng, cũng thảo luận về các vấn đề hóc búa như việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Israel và 4 nước Arab khi cựu Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và các đồng minh của ông dường như đang trên đà chiến thắng trong cuộc bầu cử. Algeria, cùng với các nước Arab khác, vẫn phản đối quyết liệt hàng loạt thỏa thuận bình thường hóa mà Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất, Bahrain và Maroc đã ký với Israel trong 3 năm qua, do Mỹ làm trung gian. Sudan là nước mới nhất đồng ý thiết lập quan hệ với Israel.
Về Libya, các nhà lãnh đạo Arab tuyên bố sẽ nỗ lực hết sức để chấm dứt cuộc khủng hoảng thông qua một tiến trình phù hợp với các nghị quyết của Liên hợp quốc và tôn trọng sự thống nhất, ổn định và chủ quyền của nước này. Tuyên bố cũng cho rằng các quốc gia Arab cần đóng vai trò then chốt trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng ở Syria đồng thời giải quyết các thách thức chính trị, an ninh, nhân đạo và kinh tế của nước này.
Các nhà lãnh đạo Arab tiếp tục bày tỏ sự ủng hộ đối với chính phủ đương nhiệm ở Yemen và cam kết thúc đẩy gia hạn thỏa thuận ngừng bắn. Các nhà lãnh đạo Arab cũng nhất trí hướng tới thiết lập một khu vực không có vũ khí hạt nhân và vũ khí hủy diệt ở Trung Đông như một phần của Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân.
Sự kiện này tạo cơ hội cho Algeria, quốc gia lớn nhất châu Phi về mặt diện tích, thể hiện vai trò lãnh đạo của mình trong thế giới Arab. Algeria là nhà sản xuất dầu khí lớn và được các quốc gia châu Âu coi là nhà cung cấp chính trong bối cảnh cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu bắt nguồn từ cuộc chiến ở Ukraine.