Lãnh đạo các nước cam kết chấm dứt tình trạng mất đa dạng sinh học
Các nhà lãnh đạo nhấn mạnh tình trạng tàn phá thiên nhiên gây ra 'mối nguy hại không thể đảo ngược' đối với sự sống trên Trái Đất, khiến bất bình đẳng và biến đổi khí hậu trở nên trầm trọng hơn.
Ngày 28/9, hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm hơn 25% tổng sản phẩm GDP toàn cầu, công bố các cam kết khẩn trương hành động nhằm bảo vệ sự đa dạng sinh học của Trái Đất cũng như ngăn chặn sự suy thoái và mất đa dạng sinh học.
Lãnh đạo của các nước, trong đó có Đức, Pháp, Anh và Mexico, đã cùng ký tên vào Bản cam kết của các Nhà lãnh đạo đối với Tự nhiên.
Các nhà lãnh đạo nhấn mạnh tình trạng tàn phá thiên nhiên gây ra “mối nguy hại không thể đảo ngược” đối với sự sống trên Trái Đất, khiến bất bình đẳng và biến đổi khí hậu trở nên trầm trọng hơn và gia tăng nguy cơ xảy ra những đại dịch như dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Theo đó, các lãnh đạo cam kết giảm ô nhiễm không khí, ngăn chặn rác thải nhựa đại dương và chuyển sang hệ thống sản xuất và cung cấp lương thực bền vững hơn vào năm 2030.
Các nước cũng đảm bảo xây dựng một kế hoạch “đầy tham vọng” trước thềm cuộc họp lần thứ 15 của Hội nghị các bên (COP15) cho Công ước Liên hợp quốc về đa dạng sinh học được tổ chức tại thành phố Côn Minh, Trung Quốc vào năm tới.
Kế hoạch sẽ bao gồm biện pháp chấm dứt các chương trình trợ cấp cho hoạt động khai thác và sản xuất nhiên liệu hóa thạch, tăng chi ngân sách vào khôi phục các khu vực hoang dã như rừng và vùng đầm lầy, nâng cấp các hệ thống canh tác trên thế giới nhằm ngăn chặn nạn phá rừng và lãng phí lương thực.
Các lãnh đạo công bố các cam kết trên trước thềm Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc về đa dạng sinh học vào ngày 30/9. Những cam kết mới được đưa ra chỉ 2 tuần sau khi Liên hợp quốc cảnh báo các nước có thể không đạt được những cam kết trong tổng số 20 cam kết đã đưa ra 10 năm trước nhằm làm chậm lại cũng như đảo chiều quá trình mất đa dạng sinh học.
Trong tháng 9 này, Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên thế giới (WWF) công bố chỉ số Hành tinh sống (được thực hiện 2 năm/lần), trong đó nêu rõ gần 70% số lượng các loài động vật hoang dã, chim, cá và thực vật đã biến mất trên Trái Đất kể từ năm 1970.
Theo báo cáo của hội đồng các nhà khoa học quốc tế IPBES công bố hồi năm ngoái, trong số 8 triệu loài động, thực vật đang tồn tại có tới 1 triệu loài có nguy cơ tuyệt chủng.
Hôm 18/9 vừa qua, các tổ chức đại diện cho hàng triệu người và hàng trăm công ty đã cùng kêu gọi các chính phủ hành động để bảo vệ thiên nhiên. Hơn 1.000 chữ ký đã được thu thập để đề nghị các nhà lãnh đạo trên thế giới đưa ra hành động vì một tương lai bền vững hơn, có thể bảo vệ sự đa dạng sinh học của Trái Đất.
Hiện nay, 1 triệu loài thực vật và động vật đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng. Đây là thời điểm quan trọng hơn bao giờ hết để các quốc gia trên thế giới tập trung vào vấn đề đa dạng sinh học, phát triển các chính sách ngăn chặn sự tuyệt chủng của các loài động, thực vật./.