Lãnh đạo các nước nhấn mạnh mục tiêu bảo đảm nguồn cung vắc xin ngừa Covid-19

Ngày 26-9 (giờ Việt Nam), tiếp tục các hoạt động trong Tuần lễ cấp cao khóa 75 Đại hội đồng Liên hợp quốc, trong phát biểu được gửi tới Đại hội đồng, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đã đề cao vai trò của chủ nghĩa đa phương và tự do thương mại trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn và hoạt động qua lại giữa các nước bị hạn chế nghiêm ngặt vì dịch bệnh.

Trong bối cảnh đó, Nhật Bản cam kết nỗ lực thúc đẩy cải cách Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các thỏa thuận tự do thương mại với nhiều nước. Thủ tướng S.Yoshihide cũng khẳng định, Nhật Bản quyết tâm tổ chức Olympic Tokyo vào năm 2021. Đây sẽ là một bằng chứng cho thấy nhân loại đã đánh bại đại dịch Covid-19.

Về phần mình, Tổng thống Argentine Alberto Fernandez khẳng định, không ai trên thế giới có thể an toàn khi đại dịch và đói nghèo hoành hành. Ông nêu rõ vắc xin ngừa Covid-19 trong tương lai cần phải được tuyên bố là "hàng hóa công cộng toàn cầu" để tất cả mọi người đều có cơ hội được tiếp cận.

Liên quan đến vấn đề này, Tổng thống Ecuador Lenin Moreno cho rằng Trung Quốc và Nga, hai trong nhiều nước đi đầu về nghiên cứu vắc xin ngừa Covid-19, cần tham gia sáng kiến liên minh vắc xin toàn cầu COVAX. Liên minh này ra đời với mục tiêu bảo đảm tới cuối năm 2021 thế giới có được 2 tỷ liều vắc xin.

Việc bảo đảm nguồn cung vắc xin cho thế giới cũng được Thủ tướng Australia Scott Morrison đề cập. Trong phát biểu của mình, ông S.Morrison tuyên bố các thành viên của Liên hợp quốc có "trách nhiệm đạo đức" trong việc chia sẻ rộng rãi các loại vắc xin ngừa Covid-19, đồng thời khẳng định Australia cam kết chia sẻ với thế giới bất kỳ vắc xin ngừa Covid-19 hiệu quả nào trong số ba loại đang được thử nghiệm tại nước này.

Trong khi đó, Tổng thống Chile Sebastian kêu gọi Mỹ và Trung Quốc cần chấm dứt thế đối đầu, dành sức dẫn dắt cuộc chiến chống đại dịch và ngăn chặn suy thoái kinh tế toàn cầu. Trên mặt trận y tế, các nước cần chia sẻ các giải pháp và kiến thức, điều phối hoạt động mở/đóng cửa biên giới, cùng nghiên cứu phát triển vắc xin cũng như hỗ trợ các nước nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất.

Trong các bài phát biểu gửi tới Đại hội đồng Liên hợp quốc, lãnh đạo các nước Mỹ Latinh cũng đề nghị các chủ nợ quốc tế cung cấp các khoản tín dụng ưu đãi không tính lãi để hỗ trợ các nước nghèo vượt qua những khó khăn do dịch bệnh gây ra.

Hoàng Khuê

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/the-gioi/979333/lanh-dao-cac-nuoc-nhan-manh-muc-tieu-bao-dam-nguon-cung-vac-xin-ngua-covid-19