Lãnh đạo các nước phản ứng vụ ông Trump muốn mua Greenland, kiểm soát Kênh đào Panama, sáp nhập Canada

Lãnh đạo các nước liên quan nhanh chóng lên tiếng đáp trả phát ngôn gây tranh cãi của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump liên quan chủ quyền của Greenland, Kênh đào Panama, Canada.

Ngày 7-1, các nước Đan Mạch, Panama và Canada đồng loạt lên tiếng trước việc Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump ám chỉ ông không loại trừ các hành động quân sự hoặc kinh tế để mua đảo Greenland (Đan Mạch) và kiểm soát Kênh đào Panama, cũng như biến Canada trở thành một tiểu bang của Mỹ.

Panama

Ngoại trưởng Panama - ông Javier Martínez-Acha tuyên bố rằng chủ quyền của Panama đối với Kênh đào Panama là điều "không thể thương lượng", theo đài CNN.

“Kênh đào của chúng tôi tồn tại để phục vụ nhân loại và thương mại toàn cầu. Đó là đóng góp quan trọng của Panama cho thế giới – đảm bảo hòa bình và tránh mọi xung đột quốc tế. Kênh đào chỉ nằm dưới sự kiểm soát của người dân Panama và điều đó sẽ không thay đổi” - ông Martínez-Acha đáp trả tuyên bố của ông Trump.

 Ngoại trưởng Panama - ông Javier Martínez-Acha nhấn mạnh Kênh đào Panama là điều "không thể thương lượng". Ảnh: ECOTV PANAMA

Ngoại trưởng Panama - ông Javier Martínez-Acha nhấn mạnh Kênh đào Panama là điều "không thể thương lượng". Ảnh: ECOTV PANAMA

Ông Martínez-Acha cũng cho biết rằng hiện tại chính phủ Panama không có bất kỳ liên lạc nào với ông Trump hay đội ngũ của ông, dù là qua các kênh chính thức hoặc không chính thức.

“Chúng tôi sẽ đưa ra phản ứng phù hợp khi Tổng thống đắc cử Mỹ chính thức nhậm chức” - ông Martínez-Acha nói thêm.

Đan Mạch

Ngày 7-1, Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen tái khẳng định Greenland "không phải để bán" và sẽ không bao giờ như vậy.

"Greenland thuộc về người dân Greenland. Tôi không nghĩ rằng việc đấu đá lẫn nhau bằng các phương tiện tài chính là một cách hay khi chúng ta (Mỹ và Đan Mạch) là đồng minh và đối tác thân thiết" - bà Frederiksen nói.

 Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen. Ảnh: Mads Claus Rasmussen/Ritzau Scanpix

Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen. Ảnh: Mads Claus Rasmussen/Ritzau Scanpix

Cùng ngày, nghị sĩ đại diện cho Greenland tại quốc hội Đan Mạch Aaja Chemnitz nói rằng bà không coi các tuyên bố của ông Trump là mối đe dọa nghiêm trọng.

Bà cũng phản bác tuyên bố trước đó của ông Trump khi ông này nói rằng “người dân Greenland là MAGA” – cụm từ nói về khẩu hiệu tranh cử “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” mà ông Trump dùng trong suốt chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ.

“Greenland không phải là MAGA. Greenland sẽ không trở thành MAGA” - bà khẳng định.

Bà Chemnitz cho hay rằng dù người dân Greenland có thể quan tâm đến ông Trump, nhưng điều đó không có nghĩa họ muốn trở thành một phần của Mỹ.

“Tôi nghĩ phần lớn người dân Greenland cảm thấy khá lo ngại và không thoải mái khi Mỹ liên tục tỏ ý muốn mua hoặc kiểm soát Greenland. Điều này thể hiện sự thiếu tôn trọng với mong muốn của chúng tôi” - bà Chemnitz nói.

Canada

Phần mình, Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã thẳng thừng loại bỏ mọi khả năng Canada sẽ trở thành một phần của Mỹ, đồng thời chỉ trích dữ dội phát ngôn của Tổng thống đắc cử Trump.

 Thủ tướng Canada Justin Trudeau. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Thủ tướng Canada Justin Trudeau. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

“Không có một cơ hội nào cho phép Canada trở thành một phần của Mỹ. Người lao động và cộng đồng ở cả hai nước đều được hưởng lợi khi trở thành đối tác thương mại và an ninh lớn nhất của nhau” - ông Trudeau viết trên mạng xã hội X.

Ngoại trưởng Canada - bà Melanie Joly cũng lên tiếng ủng hộ quan điểm của ông Trudeau, đồng thời chỉ trích bình luận của ông Trump.

“Những phát biểu của ông Trump cho thấy sự thiếu hiểu biết hoàn toàn về sức mạnh của Canada. Nền kinh tế của chúng tôi rất vững mạnh. Chúng tôi sẽ không bao giờ lùi bước trước bất kỳ mối đe dọa nào” - bà Joly khẳng định.

Trước đó, trong cuộc họp báo tại tư dinh Mar la-go ngày 7-1, ông Trump tuyên bố sẽ không loại trừ các biện pháp quân sự hoặc kinh tế để giành lại quyền kiểm soát Kênh đào Panama hoặc mua lại vùng lãnh thổ Greenland.

 Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tại cuộc họp báo tại tư dinh ngày 7-1. Ảnh: AFP

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tại cuộc họp báo tại tư dinh ngày 7-1. Ảnh: AFP

Khi được hỏi về ý tưởng mà ông từng đề xuất liên quan việc đưa Canada trở thành một tiểu bang của Mỹ, ông Trump cho rằng ý tưởng này sẽ tốt cho an ninh quốc gia. Tổng thống đắc cử Mỹ nói thêm rằng thay vì dùng sức mạnh quân sự, Mỹ có thể sử dụng “sức mạnh kinh tế” để sáp nhập Canada.

DƯƠNG KHANG

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/lanh-dao-cac-nuoc-phan-ung-vu-ong-trump-muon-mua-greenland-kiem-soat-kenh-dao-panama-sap-nhap-canada-post829067.html