Lãnh đạo, cán bộ Ngân hàng GPBank hầu tòa do vi phạm quy định cho vay
Sáng 22/3, TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án 'Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng' xảy ra tại Ngân hàng thương mại trách nhiệm hữu hạn một thành viên Dầu khí Toàn Cầu (GPBank). Dự kiến, phiên tòa diễn ra trong 1 tuần.
Tại phiên tòa sáng nay, có hơn 30 luật sư đăng ký tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị cáo. Đại diện GPBank tham dự phiên tòa với tư cách là bị hại trong vụ án.
Các bị cáo tại phiên tòa xét xử ngày hôm nay
Trong vụ án này có 13 bị cáo bị đưa ra xét xử, trong đó 10 bị cáo: Tạ Bá Long (SN 1955, nguyên Chủ tịch HĐQT, Chủ tịch Hội đồng tín dụng cấp cao GPBank), Đoàn Văn An (SN 1958, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT GPBank), Phạm Quyết Thắng (SN 1973, nguyên TGĐ GPBank), Đỗ Trung Thành (SN 1970, nguyên Phó TGĐ GPBank), Nguyễn Văn Thành (SN 1977, nguyên Phó Trưởng phòng phụ trách phòng Tái thẩm định và phê duyệt tín dụng GPBank), Nguyễn Thùy Dương (SN 1980, nguyên chuyên viên Phòng Tái thẩm định và phê duyệt tín dụng GPBank), Lương Hồng Thái (SN 1981, nguyên Phó Giám đốc GPBank, chi nhánh TP Hồ Chí Minh), Nguyễn Toàn Thắng (SN 1974, nguyên Phó Giám đốc GPBank, chi nhánh TP Hồ Chí Minh), Nguyễn Thanh Tuấn (SN 1977, nguyên Trưởng phòng Hỗ trợ tín dụng GPBank, chi nhánh TP Hồ Chí Minh), Lê Ngọc Thắng (SN 1985, nguyên Chuyên viên quan hệ khách hàng GPBank, chi nhánh TP Hồ Chí Minh) bị truy tố về tội “Vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” theo quy định tại Điều 179, khoản 3 – BLHS năm 1999.
Mười bị cáo trên bị truy tố đưa ra xét xử về tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” theo quy định tại Điều 206, khoản 4 – BLHS năm 2015. Tuy nhiên, căn cứ vào Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội về việc thi hành BLHS năm 2015, áp dụng chính sách hình sự có lợi cho người phạm tội trước thời điểm BLHS năm 2015 có hiệu lực thi hành, thì hành vi của các bị cáo được VKS xử lý về tội “Vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” theo quy định tại Điều 179, khoản 3 – BLHS năm 1999.
Các bị cáo còn lại gồm: Phùng Ngọc Khánh (SN 1963, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Sài Gòn One; Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty M&C), Nguyễn Trọng Hiếu (SN 1977, Chủ tịch HĐQT Công ty CP phát triển Điện lực Sài Gòn - viết tắt là Công ty Điện lực Sài Gòn), Kim Văn Bộ (SN 1973, Phó Giám đốc Công ty CP phát triển Điện lực Sài Gòn) bị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 174, khoản 4, điểm a – BLHS năm 2015.
Theo cáo trạng truy tố, với động cơ, mục đích chiếm đoạt tiền để chi tiêu cho cá nhân, trong thời gian từ tháng 8/2011, Phùng Ngọc Khánh đã bàn bạc, thống nhất với Nguyễn Trọng Hiếu và Kim Văn Bộ lập khống hợp đồng mua bán 6 căn hộ Dự án cao ốc Sài Gòn M&C giữa Công ty M&C và Công ty Điện lực Sài Gòn với giá trị 477 tỷ đồng. Đồng thời, Khánh nâng khống 255.000 cổ phần của Công ty M&C có giá trị thực theo kết luận định giá của Hội đồng định giá là hơn 14 tỷ đồng lên 510 tỷ đồng, để dùng làm tài sản thế chấp, đảm bảo cho Công ty Điện lực Sài Gòn vay 305 tỷ đồng, trong đó đã chiếm đoạt hơn 290 tỷ đồng của GPBank.
Đến nay, không thể xác định giá trị cổ phần Công ty M&C nên về trách nhiệm dân dân sự, các bị cáo phải liên đới chịu trách nhiệm theo yêu cầu của GPBank là hơn 961 tỷ đồng (bao gồm nợ gốc 305 tỷ đồng, nợ lãi hơn 656 tỷ đồng).
Cơ quan công tố xác định, hành vi của 3 bị cáo: Phùng Ngọc Khánh, Nguyễn Trọng Hiếu và Kim Văn Bộ đã chiếm đoạt hơn 290 tỷ đồng của GPBank, hậu quả làm GPBank bị thiệt hại hơn 961 tỷ đồng, phạm vào tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Trong quá trình thẩm định và quyết định cho vay, Tạ Bá Long và các đồng phạm là các lãnh đạo, cán bộ của GPBank đã không thực hiện đúng việc kiểm tra, thẩm định mục đích sử dụng vốn, khả năng tài chính đảm bảo trả nợ, phương án sử dụng vốn, tài sản thế chấp, bảo đảm khả năng trả nợ, vi phạm quy định về xem xét, quyết định cho vay.
Các bị cáo này đã nhận tài sản thế chấp là 6 căn hộ thuộc Dự án Cao ốc Sài gòn M&C của bên thứ ba trong khi tài sản này không thuộc quyền sở hữu của bên thứ ba; khi thẩm định giá đã nâng khống giá trị tài sản bảo đảm là 255.000 cổ phần của Công ty M&C để cấp tín dụng (cho vay) trái pháp luật 305 tỷ đồng cho Công ty Điện lực Sài Gòn. Trong đó, 3 bị cáo: Khánh, Hiếu, Bộ đã lừa đảo chiếm đoạt hơn 290 tỷ đồng, trong số tiền giải ngân, số tiền lãi phát sinh theo yêu cầu của GPBank là 656 tỷ đồng.
Đến nay, do Công ty M&C không còn hoạt động, không xác định được giá trị cổ phần nên về trách nhiệm dân sự, các bị cáo phải liên đới chiệu trách nhiệm với Khánh, Hiếu, Bộ theo yêu cầu của GPBank là số tiền lãi của khoản vay 305 tỷ đồng là hơn 656 tỷ đồng.
Cơ quan công tố kết luận, hành vi của bị cáo Tạ Bá Long và các đồng phạm là cấp dưới tại GPBank đã gây hậu quả thiệt hại hơn 961 tỷ đồng của GPBank, phạm vào tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”.