Lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước
Đồng chí Huỳnh Tấn Phát là nhà trí thức yêu nước có uy tín lớn, tấm gương tiêu biểu cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc, người cộng sản kiên trung mẫu mực, kiến trúc sư tài năng, sáng tạo. Được Đảng, Nhà nước giao phó nhiều vị trí quan trọng khác nhau, dù ở cương vị nào, đồng chí cũng đem hết công sức, trí tuệ, tâm huyết để cống hiến cho lợi ích chung của dân tộc, của nhân dân.
Đồng chí Huỳnh Tấn Phát sinh ngày 15-2-1913 tại làng Tân Hưng, quận An Hóa, tỉnh Mỹ Tho (nay là ấp Tân Hưng, xã Châu Hưng, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre). Ngay từ khi còn trẻ, Huỳnh Tấn Phát đã ấp ủ hoài bão lớn và khát vọng cháy bỏng đem tài năng, trí tuệ làm đẹp cuộc đời. Sau khi tốt nghiệp Khoa Kiến trúc Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, Huỳnh Tấn Phát hành nghề kiến trúc sư và sớm nổi tiếng ở Sài Gòn, nhưng không quan tâm đến việc làm giàu mà tự nguyện gắn cuộc đời mình với sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Tháng 3-1945, đồng chí Huỳnh Tấn Phát được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương; tham gia lãnh đạo và có đóng góp vào thắng lợi của Tổng khởi nghĩa, giành chính quyền ở Sài Gòn ngày 25-8-1945. Trải qua các hoạt động vận động quần chúng thời kỳ này, đồng chí trở thành nhà trí thức có uy tín lớn đối với đồng bào các giới ở Sài Gòn.
Thực hiện chủ trương của Đảng về việc thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, đồng chí đã tổ chức vận động các nhân sĩ, trí thức có uy tín bí mật ra vùng giải phóng tham gia mặt trận; là người có đóng góp lớn vào việc tổ chức thành công Hội nghị thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Đại hội thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng khu Sài Gòn - Gia Định, Đại hội lần thứ nhất Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Với trọng trách Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, Khu ủy viên trực tiếp phụ trách công tác Trí vận Khu Sài Gòn - Gia Định, đồng chí Huỳnh Tấn Phát tìm mọi cách vào Sài Gòn móc nối, tập hợp lại lực lượng, hình thành tổ chức chiến đấu của lực lượng Trí vận mặt trận đô thành Sài Gòn.
Từ ngày 6 đến 8-6-1969, Đại hội đại biểu quốc dân toàn miền Nam khai mạc trọng thể tại vùng Tà Nốt (Tây Ninh) đã bầu chọn những nhà trí thức tiêu biểu thành lập Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam; đồng chí Huỳnh Tấn Phát được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Chính phủ. Sự ra đời và hoạt động của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã góp phần đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đi đến thắng lợi. Những hoạt động không mệt mỏi của đồng chí Huỳnh Tấn Phát ngay trong những ngày đầu mới thành lập đã góp phần tăng đáng kể uy tín quốc tế của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, đồng thời giúp cho các nước thừa nhận đây là đại diện hợp pháp cho nhân dân miền Nam Việt Nam và nhận được sự ủng hộ của quốc tế đối với Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
Đầu năm 1969, Hội nghị Paris bước vào giai đoạn đàm phán bốn bên. Đồng chí Huỳnh Tấn Phát với vai trò là người đứng đầu Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã tập trung đẩy mạnh ngoại giao nhà nước, kết hợp chặt chẽ với ngoại giao nhân dân, phối hợp với ngoại giao Việt Nam Dân chủ cộng hòa, đấu tranh tại các diễn đàn đòi thực hiện ngừng bắn, đòi Mỹ chấm dứt dính líu quân sự; đấu tranh đòi trao trả hết nhân viên dân sự bị bắt và bị giam giữ, thực hiện tự do, dân chủ cho nhân dân miền Nam… Song song với các hoạt động nêu trên, Chủ tịch Huỳnh Tấn Phát đã thực hiện mũi tiến công ngoại giao trên bình diện rộng bằng việc tổ chức các chuyến đi thăm hữu nghị nhiều nước, thông báo tình hình Hội nghị Paris. Qua các chuyến thăm và tại nhiều diễn đàn, chính phủ các nước đều ra tuyên bố ủng hộ các đề nghị của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam; nhiều hiệp định viện trợ không hoàn lại cho miền Nam cũng được ký kết với chính phủ các nước. Sự động viên về tinh thần và ủng hộ về vật chất to lớn đó chính là động lực để quân dân Việt Nam dồn sức thực hiện đấu tranh quân sự, chính trị, đưa cách mạng miền Nam nhanh chóng đi đến thắng lợi với đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975.
Sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ thắng lợi vẻ vang, thống nhất đất nước, đồng chí đã tham gia giải quyết những công việc trọng đại của đất nước và trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, cả về đối nội và đối ngoại bằng những chính sách, kế hoạch hợp lý tạo nền tảng ban đầu nhằm xây dựng miền Nam có được diện mạo như ngày hôm nay. Trên cương vị là Phó Thủ tướng Chính phủ, phụ trách quy hoạch đô thị, đồng chí Huỳnh Tấn Phát đã giành nhiều thời gian đi tìm hiểu thực tế và kiểm tra công tác quy hoạch, đặc biệt là đối với các thành phố lớn để có cái nhìn tổng thể và có nhiều đóng góp vào công việc chung của Chính phủ, đặc biệt là với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về cải tạo, khôi phục và phát triển kinh tế đất nước sau chiến tranh. Đồng chí dành nhiều thời gian đi các địa phương để khảo sát thực tế tình hình, trao đổi với chính quyền và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là với giới trí thức về những vấn đề nóng bỏng của đất nước để phục vụ cho công tác quản lý điều hành của Chính phủ.
Tháng 6-1982, đồng chí Huỳnh Tấn Phát được Quốc hội bầu làm Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước. Tiếp đó, tại Đại hội lần thứ II MTTQ Việt Nam diễn ra tại Thủ đô Hà Nội từ ngày 12 đến 14-5-1983, đồng chí được bầu làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Trên cương vị công tác nào, đồng chí Huỳnh Tấn Phát cũng luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, hoàn thành xuất sắc trọng trách mà Đảng, nhân dân giao phó và có nhiều đóng góp quan trọng trong công tác đối nội, đối ngoại của Hội đồng Nhà nước cũng như Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.
Đồng chí Huỳnh Tấn Phát là đại biểu Quốc hội các khóa I, II, III, VI, VII, VIII. Ngày 30-9-1989, đồng chí Huỳnh Tấn Phát từ trần, thọ 76 tuổi. Do công lao và thành tích đối với cách mạng, đồng chí Huỳnh Tấn Phát được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Sao Vàng, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng; Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật; Huy chương Vì sự nghiệp đại đoàn kết.
Suốt cả cuộc đời đồng chí Huỳnh Tấn Phát gắn liền với sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc và có những cống hiến to lớn trong sự nghiệp cao cả này. Đồng chí là hình ảnh tiêu biểu cho tinh thần đoàn kết quốc tế. Trên cả hai mặt trận đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế, đồng chí đều làm tròn trách nhiệm, có những đóng góp đặc biệt quan trọng. Thắng lợi của cách mạng Việt Nam là thắng lợi của sự phát huy sức mạnh dân tộc gắn với sức mạnh thời đại, mà đồng chí là một trong những nhân tố then chốt. Đồng chí là một điển hình của thế hệ “xếp bút nghiên lên đường tranh đấu”, cả đời gắn bó với nhân dân, phấn đấu vì hạnh phúc của nhân dân với trí tuệ và tình cảm của một trí thức yêu nước, một nhà chính trị lớn - nhà văn hóa lớn - kiến trúc sư có tâm và có tầm. Ở đồng chí, chính trị, văn hóa, đạo đức luôn hòa quyện. Đồng chí để lại cho chúng ta bài học quý báu về nhân cách sống và hoạt động của người cách mạng, đó là: Giữ vững nguyên tắc trong quan điểm, đồng thời linh hoạt trong sách lược, luôn gắn bó với thực tiễn đất nước, đồng cảm, nhân ái với đồng bào, chiến sĩ; bình tĩnh lắng nghe, suy nghĩ, cân nhắc, giải quyết công việc hợp lý, vừa có lý luận vừa có thực tế và trên cơ sở tổng kết thực tiễn để không ngừng hoàn thiện chủ trương, chính sách đã vạch ra, nhằm đem lại kết quả thiết thực nhất cho cách mạng và nhân dân.
T.K (Theo tài liệu tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Trung ương)