Lãnh đạo đảng Mặt trận quốc gia Pháp: Crimea không liên quan đến xung đột Ukraine
Cựu ứng viên tổng thống Pháp, bà Marine Le Pen, cho biết cuộc xung đột hiện tại ở Ukraine liên quan đến Donbass, do Kiev không thực hiện đúng các điều khoản của các thỏa thuận hòa bình Minsk.
Theo đài RT, trong bài trả lời phỏng vấn đài phát thanh Franceinfo hôm 16/6, bà Marine Le Pen, lãnh đảo đảng Mặt trận quốc gia Pháp, khẳng định vấn đề Crimea đã được giải quyết và không liên quan đến cuộc xung đột Ukraine hiện nay.
Theo chính trị gia người Pháp, vấn đề Crimea đã được quyết định bởi lá phiếu của người dân bán đảo này trong cuộc trưng cầu dân ý vào năm 2014. Do đó, việc đưa vấn đề Crimea vào bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình nào trong tương lai giữa Moscow và Kiev là không khả thi.
Bà Le Pen lập luận rằng cuộc xung đột hiện tại ở Ukraine liên quan trực tiếp đến khu vực Donbass ở phía đông Ukraine và bắt nguồn từ việc Kiev không tuân thủ đúng cam kết của các thỏa thuận hòa bình Minsk.
Trả lời câu hỏi của phóng viên rằng liệu bà có thay đổi quan điểm của mình khi khẳng định Crimea có phải là của Nga hay không, lãnh đạo đảng Mặt trận quốc gia nhấn mạnh: "Điều đó luôn rõ ràng, tôi đã nói điều này trong 10 năm và tôi không thay đổi lập trường của mình. Bạn có thể phản đối các điều kiện để tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý, nhưng đồng thời, bạn có thể tuyên bố người dân đã chọn trở thành một phần của Nga. Vấn đề Crimea không liên quan gì đến cuộc xung đột ở Ukraine. Chúng ta đừng trộn lẫn mọi thứ".
Đảng Mặt trận quốc gia là đảng đối lập lớn nhất trong Quốc hội Pháp. Trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp năm 2022, đảng Mặt trận quốc gia của bà Marine Le Pen, giành được 89 ghế, gấp 10 lần so với cuộc bầu cử quốc hội trước đó vào năm 2017.
Chính phủ Ukraine đã cấm lãnh đạo đảng Mặt trận quốc gia Pháp nhập cảnh vào nước này từ năm 2017, sau khi bà Le Pen nhiều lần khẳng định rằng cuộc trưng cầu dân ý tại Crimea năm 2014 là hợp pháp.
Cũng liên quan đến vấn đề Crimea, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Cộng hòa Crimea Vladimir Konstantinov mới đây cho biết, chính quyền bán đảo này sẽ bắt đầu bán tài sản quốc hữu hóa của giới tài phiệt Ukraine vào mùa Thu năm nay.
Phát biểu bên lề bên lề Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg hôm 15/6, ông Konstantinov khẳng định kế hoạch bán đấu giá tài sản này đã được thông qua từ đầu năm nay.
Trước đó, hồi tháng 2 năm nay, Nga chính thức thông báo sẽ quốc hữu hóa các tài sản của công dân nước ngoài và quốc gia có hành động thù địch chống lại Nga, trong đó có những tài sản thuộc quyền sở hữu của Ukraine.
Nghị viện Crimea, được Nga thành lập sau khi sáp nhập bán đảo năm 2014, cho biết nghị quyết về việc quốc hữu hóa tài sản nước ngoài tại bán đảo này nhắm vào tài sản của cá nhân, doanh nghiệp Ukraine, “những người đồng lõa với chính quyền ở Kiev”, đã được nhất trí thông qua.
Theo ông Konstantinov, danh sách tài sản nước ngoài bị quốc hữu hóa “gồm khoảng 500 cơ sở liên quan nhiều doanh nghiệp và ngân hàng, hạ tầng du lịch và thể thao”.
Lãnh đạo Crimea cho biết một phần lợi nhuận sẽ được dùng để hỗ trợ những người tham gia chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Ông Konstantinov nói thêm rằng Crimea đang chờ đợi sự xuất hiện của các nhà đầu tư lớn, những người sẵn sàng tham gia đấu giá để mua tài sản quốc hữu hóa.
Các hãng thông tấn Nga cho biết danh sách này bao gồm tài sản của cựu thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk, nhà tài phiệt Igor Kolomoisky, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014 sau cuộc trưng cầu dân ý. Moscow nói rằng kết quả trưng cầu dân ý cho thấy hầu hết người dân Crimea muốn trở thành một phần của Nga, song Ukraine và các nước phương Tây xem động thái này là phi pháp. Chính quyền Kiev nhiều lần tuyên bố sẽ giành lại bán đảo này.