Lãnh đạo Đảng, Nhà nước gặp mặt 250 đại biểu người có công, nhân chứng lịch sử
Sáng 24-7, nhân kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2025), các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã gặp mặt 250 đại biểu người có công, nhân chứng lịch sử tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, thành phố Hà Nội.

Tổng Bí thư Tô Lâm cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham dự buổi gặp mặt. Ảnh: Nhật Nam

Tổng Bí thư Tô Lâm cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham dự buổi gặp mặt. Ảnh: Nhật Nam
Tham dự buổi gặp mặt có Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú.
Cùng dự còn có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị; Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Trung ương Đảng; Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng; Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Trưởng các ban Đảng Trung ương; Phó Chủ tịch Quốc hội; Phó Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương...

Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài cùng các đồng chí lãnh đạo Trung ương và thành phố Hồ Chí Minh dự buổi gặp mặt. Ảnh: Nhật Nam
Đại biểu thành phố Hà Nội tham dự buổi gặp mặt có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Bùi Thị Minh Hoài; lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố...
Đặc biệt, cuộc gặp mặt quy tụ 250 đại biểu tiêu biểu đến từ mọi miền Tổ quốc. Trong đó, có 20 đại biểu là người dân tộc thiểu số; 10 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; 3 lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa; 30 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến; 167 thương binh, 26 bệnh binh và 9 nhân chứng lịch sử.

Các đại biểu thương binh, bệnh binh, người có công tham dự buổi gặp mặt. Ảnh: Nhật Nam
Đáng chú ý, buổi gặp mặt có đồng chí Phạm Đồng Châu, 102 tuổi, người cao tuổi nhất tham gia cách mạng từ tháng 4 năm 1945; Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Đặng Quân Thụy, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội, thương binh 4/4; Trung tướng Châu Văn Mẫn, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng Công an nhân dân; Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Minh, sinh năm 1943, có chồng và con hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ...
Cuộc gặp mặt do Bộ Nội vụ phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Báo Nhân Dân, Đài Truyền hình Việt Nam và UBND thành phố Hà Nội tổ chức.


Tiết mục nghệ thuật tại buổi gặp mặt. Ảnh: Nhật Nam
Tri ân người có công với cách mạng đã trở thành một giá trị bền vững
Báo cáo về công tác chăm sóc người có công tại buổi gặp mặt, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khẳng định lịch sử dân tộc Việt Nam là bản hùng ca bất diệt về ý chí kiên cường, bất khuất, tinh thần yêu nước nồng nàn và sự hy sinh cao cả của biết bao thế hệ.
Để có được hòa bình, độc lập, tự do và hạnh phúc như ngày nay, có sự đóng góp to lớn của hơn 9,2 triệu người có công với cách mạng, trong đó có hơn 1,2 triệu liệt sĩ, gần 140 nghìn Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, hơn 600 nghìn thương binh, bệnh binh, cùng hàng triệu người là thân nhân liệt sĩ, người hoạt động cách mạng, kháng chiến, bị địch bắt tù đày, nhiễm chất độc hóa học. Họ là những biểu tượng sống của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của lòng yêu nước và đức hy sinh cao cả cho nền độc lập, tự do của dân tộc.
Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn thấm nhuần đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", "Đền ơn đáp nghĩa". Trong 78 năm qua, công tác đền ơn đáp nghĩa đối với người có công với cách mạng và thân nhân luôn được quan tâm và thực hiện tốt. Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và các văn bản hướng dẫn đã kịp thời thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về ưu đãi người có công, với đối tượng ngày càng mở rộng và chế độ ưu đãi ngày càng nâng cao.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà báo cáo về công tác chăm sóc người có công tại buổi gặp mặt. Ảnh: Nhật Nam
Chỉ tính riêng từ năm 2024 đến nay, hơn 7.000 hồ sơ tồn đọng đã được giải quyết cơ bản, trong đó có hơn 2.400 liệt sĩ và hơn 2.700 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh được Thủ tướng Chính phủ công nhận. Mức chuẩn trợ cấp ưu đãi năm 2025 tăng hơn 70% so với năm 2021, góp phần cải thiện đáng kể đời sống người có công.
Trong gần 2 năm qua, cả nước đã hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà ở cho người có công, cơ bản hoàn thành trên 41.800 căn nhà, với tổng kinh phí 1.970 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước và các nguồn vận động, ủng hộ của các tổ chức, cá nhân. Từ đầu năm 2025, trong những dịp Tết và các ngày lễ lớn, hơn 1.400 tỷ đồng đã được hỗ trợ cho 3,26 triệu người có công. Công tác hỗ trợ sổ tiết kiệm cho người có công cũng được triển khai tích cực, với 57.037 sổ tiết kiệm và tổng số tiền 124.079 triệu đồng từ năm 2019 đến nay.
Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ được thực hiện với quyết tâm cao nhất; được coi là một trách nhiệm, bổn phận đạo lý thiêng liêng. Hiện có 3.000 nghĩa trang và 4.000 công trình ghi công liệt sĩ trên cả nước được đầu tư xây dựng, tu bổ, trở thành những địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng. Hệ thống cơ sở vật chất phục vụ công tác điều dưỡng, chăm sóc thương, bệnh binh và người có công được quan tâm đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại, từng bước đáp ứng tốt hơn nhu cầu cả về vật chất và tinh thần cho đối tượng chính sách.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh, tri ân người có công với cách mạng đã trở thành một giá trị bền vững trong tâm thức và hành động của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Các hoạt động tri ân được tổ chức thường xuyên, với hình thức phong phú, nội dung thiết thực, tạo hiệu ứng lan tỏa sâu rộng.
"Đến nay, hơn 98,6% hộ gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình tại khu dân cư nơi cư trú. Đây là kết quả quan trọng thể hiện sinh động chủ trương của Đảng đã đi vào thực tiễn cuộc sống, trên cơ sở các chính sách của Nhà nước và sự chung tay của toàn xã hội", Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nêu rõ.

Tổng Bí thư Tô Lâm với đại biểu Bà mẹ Việt Nam anh hùng tại cuộc gặp mặt. Ảnh: Nhật Nam

Tổng Bí thư Tô Lâm với Anh hùng Lực lượng vũ trang Đặng Quân Thụy. Ảnh: Nhật Nam
Trách nhiệm chính trị, đạo lý của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, lịch sử dân tộc Việt Nam là bản hùng ca bất diệt về ý chí kiên cường, bất khuất, tinh thần yêu nước nồng nàn và sự hy sinh cao cả của biết bao thế hệ. Gần một thế kỷ qua, dưới sự lãnh đạo đúng đắn và sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, toàn thể dân tộc ta đã đoàn kết một lòng, vượt qua muôn vàn gian khổ, hy sinh, anh dũng đấu tranh chống giặc ngoại xâm, giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước và giữ vững chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ.
“Để làm nên những thắng lợi vĩ đại đó, hàng triệu cán bộ, chiến sĩ và đồng bào đã ngã xuống dưới mưa bom, bão đạn, hiến dâng tuổi thanh xuân và cả cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng, cho độc lập, tự do của Tổ quốc, cho hạnh phúc của nhân dân. Máu đào của họ đã tô thắm lá cờ Tổ quốc, hun đúc nên sức mạnh tinh thần dân tộc và khát vọng vươn lên mãnh liệt”, đồng chí Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại buổi gặp mặt. Ảnh: Nhật Nam
Để bày tỏ tình cảm, lòng biết ơn sâu sắc đối với những người đã không tiếc máu xương, hy sinh cống hiến hết mình cho độc lập, tự do của Tổ quốc, cho hạnh phúc của nhân dân, cách đây 78 năm, theo sáng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 27-7 đã được chọn làm "Ngày Thương binh toàn quốc".
Sau khi đất nước thống nhất, ngày 27-7 chính thức trở thành "Ngày Thương binh - Liệt sĩ" của cả nước. Từ đó, ngày 27-7 hằng năm đã trở thành ngày kỷ niệm thiêng liêng, mang đậm tính nhân văn cao cả của dân tộc Việt Nam, là dịp để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta bày tỏ lòng tưởng nhớ, sự tôn vinh và tri ân công lao to lớn của các bậc anh hùng, liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng.
Theo Tổng Bí thư, chúng ta tri ân gần 1,2 triệu liệt sĩ - những người con ưu tú đã dũng cảm xung phong ra trận, anh dũng chiến đấu và hy sinh quên mình. Nhiều người tuổi đời mới mười tám, đôi mươi, đã gác lại bao ước mơ, hoài bão, những trang sách, giảng đường, gia đình, người thân nơi hậu phương để lên đường thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng, vì sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, vì sự bình yên, hạnh phúc của nhân dân...
Chúng ta tri ân biết bao người đã mãi mãi không trở về, vĩnh viễn nằm lại trong lòng đất mẹ ở khắp các chiến trường ác liệt, từ Bắc vào Nam. Có người được may mắn trở về nhà nhưng đã để lại một phần thân thể của mình nơi chiến trường hoặc bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam. Không ít những đứa trẻ sinh ra trong hòa bình nhưng phải chịu rất nhiều thiệt thòi, mang trong người di chứng nặng nề của chiến tranh mà không có gì bù đắp được.
Chúng ta đồng cảm, thấu hiểu và chia sẻ sâu sắc với biết bao nỗi đau vẫn in hằn, biết bao vết thương vẫn ngày đêm đau nhức; biết bao ánh mắt mòn mỏi ngóng trông, khắc khoải đợi chờ của những người thân chưa có thông tin, chưa được biết phần mộ của con, của em, của vợ, chồng, của cha, mẹ mình…
Đồng chí Tô Lâm nêu rõ, hôm nay, sự hiện diện của các đại biểu là người có công và nhân chứng lịch sử, đại diện cho hơn 9,2 triệu người có công với cách mạng và thân nhân người có công trên toàn quốc, là minh chứng sống động cho tinh thần yêu nước, đức hy sinh và ý chí kiên cường của dân tộc Việt Nam.
Tổng Bí thư khẳng định, "Uống nước nhớ nguồn", "Ăn quả nhớ người trồng cây" là đạo lý, là truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam. Trong suốt 78 năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác đền ơn, đáp nghĩa đối với thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng.
Quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước là: "Người có công với cách mạng là tài sản quý báu của dân tộc", là biểu tượng thiêng liêng của lòng yêu nước và đạo lý Việt Nam. Công tác "Đền ơn đáp nghĩa", "Uống nước nhớ nguồn" không chỉ là một chính sách lớn, mà còn là mệnh lệnh từ trái tim, trách nhiệm chính trị, đạo lý của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Nhiều chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về ưu đãi đối với người có công đã được ban hành, đối tượng hưởng chính sách ưu đãi được mở rộng, các chế độ ưu đãi từng bước được bổ sung, hoàn thiện. Đến nay, đã có hơn 9,2 triệu người có công được hưởng các chế độ, chính sách ưu đãi. Đời sống vật chất và tinh thần của người có công và thân nhân đã được cải thiện.
Tổng Bí thư hoan nghênh tinh thần trách nhiệm của các ban, bộ, ngành, đoàn thể trung ương và địa phương nói chung, của Bộ Nội vụ nói riêng, trong việc xây dựng kế hoạch và tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, góp phần khơi dậy niềm tự hào, ý thức tự tôn dân tộc; giáo dục truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, nghĩa tình thủy chung, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

Tổng Bí thư Tô Lâm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tặng quà các đại biểu người có công tại buổi gặp mặt. Ảnh: Nhật Nam
Ngọn lửa cách mạng thắp sáng con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Để phát huy những kết quả, thành tích đã đạt được, đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng, thời gian tới, Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương tập trung vào 6 nhiệm vụ trọng tâm.
Trong đó, Tổng Bí thư yêu cầu phát huy mạnh mẽ truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”. Quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chỉ thị số 14-CT/TƯ của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác người có công với cách mạng; Nghị quyết số 42-NQ/TƯ ngày 24-11-2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới; Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và các văn bản hướng dẫn. Xác định việc chăm lo, thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng là bổn phận, nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội.
“Tiếp tục rà soát, hoàn thiện và thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Chủ động nắm tình hình, giải quyết “thấu tình đạt lý” những đề xuất, tâm tư, nguyện vọng và quyền lợi chính đáng của người có công với cách mạng và thân nhân. Thực hiện kịp thời các thủ tục hành chính trong việc xem xét công nhận người có công và chi trả trợ cấp ưu đãi đảm bảo thông suốt, hiệu quả, không bị gián đoạn khi sắp xếp đơn vị hành chính và triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp”, đồng chí Tô Lâm chỉ đạo.

Chủ tịch nước Lương Cường, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình tặng quà các đại biểu người có công tại buổi gặp mặt. Ảnh: Nhật Nam
Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, trong Di chúc để lại cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã đặc biệt căn dặn: "Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình... Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn, chốn ở yên ổn, đồng thời, phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần tự lực cánh sinh. Đối với các liệt sĩ ở mỗi địa phương, cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta. Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh, liệt sĩ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương phải giúp đỡ cho họ có công ăn việc làm thích hợp, quyết không để họ bị đói rét".
“Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ kính yêu, với trách nhiệm lớn lao và nghĩa tình sâu nặng, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta nguyện tiếp tục chăm lo chu đáo để xoa dịu nỗi đau, thấm giọt nước mắt, làm vơi đi nỗi nhớ; để đời sống vật chất, tinh thần của người có công tốt đẹp hơn. Sự phát triển hùng cường của đất nước chính là lời tri ân thiết thực và ý nghĩa nhất, bởi những người đã ngã xuống và bao thế hệ người có công với cách mạng luôn mang trong mình khát vọng cháy bỏng về độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc của dân tộc”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Tổng Bí thư Tô Lâm chúc các bậc lão thành cách mạng, các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến, các thương binh, bệnh binh, thân nhân gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng trong cả nước sống vui, sống khỏe, tiếp tục là tấm gương sáng cho con cháu, xã hội noi theo.
Đồng chí khẳng định: “Các đồng chí chính là nguồn cảm hứng vô tận, là ngọn lửa cách mạng thắp sáng con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay và mai sau”.
Tại buổi gặp mặt, các đại biểu đã được thưởng thức những tiết mục nghệ thuật đặc sắc ca ngợi sự hy sinh cao cả của các thương binh, liệt sĩ, người có công, về tình yêu Tổ quốc và tinh thần quật cường bất khuất của dân tộc ta. Các đại biểu còn được xem nhiều thước phim, lắng nghe các câu chuyện và giao lưu với các nhân chứng lịch sử.

Nhân chứng lịch sử chia sẻ ký ức một thời hoa lửa tại buổi gặp mặt. Ảnh: Nhật Nam
Nhân dịp này, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng các đồng chí lãnh đạo Trung ương đã trao quà tặng 50 đại biểu đại diện cho các đại biểu dự gặp mặt.
Tổng Bí thư Tô Lâm cũng tặng tượng trưng cho hai đại biểu món quà lưu niệm là biểu trưng kỷ niệm 80 năm Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.