Lãnh đạo Đức, Ukraine điện đàm về tổ chức hội nghị thượng đỉnh Normandy
Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, ngày 9/10, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky để thảo luận về khả năng tổ chức một hội nghị thượng đỉnh giải quyết vấn đề Ukraine.
Người phát ngôn Chính phủ Đức cho biết trọng tâm của cuộc trao đổi giữa Thủ tướng Merkel và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky là việc chuẩn bị cho một hội nghị thượng đỉnh theo thể thức Bộ tứ Normandy (gồm Nga, Đức, Ukraine và Pháp). Tại cuộc hội đàm, hai nhà lãnh đạo nhất trí rằng các điều kiện cho việc tổ chức một hội nghị thượng đỉnh như vậy đã được đáp ứng sau khi Nhóm Tiếp xúc ba bên giải quyết xung đột tại miền Đông Ukraine (gồm Nga, Ukraine, Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu - OSCE) đạt được đồng thuận hôm 1/10 vừa qua về một công thức trao quy chế đặc biệt cho các vùng đòi độc lập, rút quân khỏi vùng xung đột, thực hiện Thỏa thuận Misnk.
Dự kiến, hội nghị thượng đỉnh theo thể thức Normandy sẽ có sự tham dự của Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Nếu được tổ chức, đây sẽ là hội nghị thượng đỉnh đầu tiên kể từ năm 2016, mở ra cơ hội chấm dứt cuộc xung đột vũ trang kéo dài 5 năm qua tại miền Đông Ukraine, khiến hơn 13.000 người thiệt mạng.
Cũng trong cuộc hội đàm, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhấn mạnh sự cần thiết phải nhanh chóng đạt được thỏa thuận về việc vận chuyển khí đốt trong tương lai từ Nga qua Ukraine. Trước đó cùng ngày, Thủ tướng Ukraine Oleksiy Honchruk cho biết Ukraine muốn có một hợp đồng vận chuyển khí đốt dài hạn với Nga dựa trên các tiêu chuẩn châu Âu. Ông nhấn mạnh Kiev sẽ không đồng ý với một thỏa thuận ngắn hạn mà Moscow đang tìm kiếm.
Hiện phần lớn khí đốt của Nga tới châu Âu đều được trung chuyển qua Ukraine. Thỏa thuận hiện nay giữa Moskva và Kiev sẽ hết hiệu lực vào cuối năm nay. Tuy nhiên, quan điểm khác biệt khiến hai bên vẫn còn dùng dằng trong quyết định gia hạn. Ukraine muốn đảm bảo duy trì vai trò là tuyến trung chuyển khí đốt chính của Nga, trong khi Moskva tìm cách tăng cường khả năng vận chuyển khí đốt tới châu Âu thông qua các dự án Dòng chảy phương Bắc 2 (NordStream 2) và Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ (Turk Stream). Bên cạnh đó, bất đồng trong vấn đề Bán đảo Crimea, cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine và gần đây nhất là việc Kiev bắt giữ tàu chở dầu Neyma của Nga cũng được xem là những yếu tố khiến hai nước khó có thể sớm đạt thỏa thuận gia hạn hợp đồng.