Lãnh đạo G-20 bàn phương án Tổng thống Putin dự hội nghị thượng đỉnh Bali
Mặc dù còn 7 tháng nữa cuộc họp thượng đỉnh của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) mới tổ chức nhưng lãnh đạo các quốc gia thành viên đã chuẩn bị cho tình huống Tổng thống Nga Vladimir Putin tham dự trực tiếp.
Hãng tin Bloomberg (Mỹ) cho biết các viễn cảnh có thể xảy ra bao gồm một số lãnh đạo của G20 từ chối tham dự, cử đoàn đại biểu cấp thấp hoặc chỉ đạo từ xa. Sự kiện này có thể lần đầu tiên kết thúc không kèm theo thông cáo báo chí.
Hội nghị thượng đỉnh G20 dự kiến tổ chức vào tháng 11 tại đảo Bali (Indonesia). Năm 2014, Nga đã bị loại khỏi G8 sau khi sáp nhập bán đảo Crimea. Tuy nhiên, việc loại Nga khỏi G-20 được đánh giá sẽ mang tính phức tạp hơn nhiều. Tổng thống Putin từng tham dự hội nghị thượng đỉnh G-20 tại Australia vào cuối năm 2014 nhưng đã rời đi sớm.
Nhiều quan chức cho rằng việc loại Nga ra khỏi G-20 không phải là một giải pháp, ngay cả khi nhà lãnh đạo Mỹ Joe Biden kêu gọi điều này.
Các quan chức Mỹ đã tranh luận về việc Tổng thống Biden không tham gia hội nghị thượng đỉnh G-20 tại Indonesia nếu người đồng cấp Nga Putin trực tiếp đến tham dự. Nhưng Bloomberg dẫn hai nguồn thạo tin cho biết ở thời điểm này nhiều khả năng nhà lãnh đạo Mỹ vẫn sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh.
Nguồn tin của Bloomberg cũng cho biết nhiều quan chức đang thuyết phục Indonesia không mời Tổng thống Putin hoặc lên tiếng chỉ trích chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine.
Một người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ ngày 5/4 nêu rõ chính quyền Tổng thống Biden đang thảo luận tình hình với Indonesia và các quốc gia khác thuộc G-20 đồng thời cân nhắc về việc có tham dự hội nghị thượng đỉnh hay không.
Vào cuối tháng 3, Indonesia cho biết nước này lên kế hoạch mời Tổng thống Putin và các lãnh đạo khác tham dự hội nghị thượng đỉnh. Một nguồn thạo tin tiết lộ với Bloomberg rằng Tổng thống Nga đã nhận được lời mời nhưng chưa quyết định về việc có tham dự hay không.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Indonesia Teuku Faizasyah cho biết Jakarta đã tham vấn với các thành viên của G-20 nhưng vẫn còn quá sớm để bình luận về các vấn đề thủ tục, trong đó có viễn cảnh liên quan đến hội nghị thượng đỉnh.
Nhiều thành viên của G-7 như Thủ tướng Anh Boris Johnson và Tổng thống Mỹ Biden đã lên án mạnh mẽ nhà lãnh đạo Nga Putin. Nhưng theo Bloomberg, G7 với các thành viên là Mỹ, Đức, Pháp, Canada, Nhật Bản, Italy và Anh cùng thời điểm vẫn muốn duy trì cẩn trọng không tạo ra chia rẽ trong nhóm G-20.
Một số ý kiến nhận định rằng việc G-7 tẩy chay hội nghị thượng đỉnh G-20 sẽ được coi như để lại sân khấu dành cho Tổng thống Putin. Do vậy, có khả năng một số nước cử lãnh đạo cấp thấp thay mặt thủ tướng hoặc tổng thống. Nhưng quyết định cuối cùng vẫn chưa được đưa ra.