Lãnh đạo Hong Kong muốn đối thoại, người biểu tình nói 'cái bẫy'
Lãnh đạo Hong Kong ngày 20/8 kêu gọi người biểu tình đối thoại nhưng các nhà hoạt động từ chối đối thoại, cho đó là cái bẫy, trong khi đó, một nhân viên Lãnh sự Anh tại Hong Kong bị bắt ở Thâm Quyến.
Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong Carrie Lam (Lâm Trịnh Nguyệt Nga) tuyên bố bà sẽ ngay lập tức thiết lập một nền tảng đối thoại với người dân và giải quyết khiếu nại rằng cảnh sát đã lạm dụng vũ lực đối với người biểu tình. Bà hy vọng đối thoại sẽ là khởi đầu của việc trở lại tình trạng yên bình ở Hong Kong – trung tâm tài chính khu vực và quốc tế.
“Việc xây dựng một nền tảng đối thoại sẽ bắt đầu ngay lập tức. Chúng tôi hy vọng rằng, đối thoại có thể được thiết lập trên cơ sở hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau để tìm lối ra cho Hong Kong”, bà Carrie Lam nói ngày 20/8.
Điều tra độc lập
Bà thông báo rằng, nền tảng sẽ rất “cởi mở và trực tiếp”, chính quyền sẽ đối thoại với mọi tầng lớp nhân dân với các quan điểm chính trị khác nhau. “Tôi chân thành hy vọng rằng, đây là khởi đầu của việc xã hội trở lại bình lặng, tránh xa bạo lực”, bà nói.
Khoảng 1,7 triệu người biểu tình hòa bình trong mưa hôm Chủ nhật – tuần thứ 11 của làn sóng biểu tình quy mô lớn, thường kết thúc bằng xung đột bạo lực với cảnh sát.
Trong các đợt biểu tình trước, cảnh sát đã dùng lựu đạn cay, đạn cao su để giải tán đám đông. Nhưng đợt biểu tình hôm Chủ nhật gần như vắng bóng cảnh sát và không ai bị bắt. Tính từ tháng 6, hàng trăm người biểu tình đã bị bắt.
Bà Carrie Lam nói rằng Hội đồng độc lập về khiếu nại cảnh sát (IPCC) sẽ thuê chuyên gia nước ngoài để giúp tìm hiểu thực tế, điều tra các vụ việc bạo lực trong những tháng gần đây, bao gồm vụ tấn công bằng hung khí của một nhóm côn đồ nhằm vào người dân ở nhà ga tàu điện ngầm Yuen Long hồi tháng 7 khiến hàng chục người bị thương.
Trưởng đặc khu Hong Kong nói rằng, bà hy vọng báo cáo về các vấn đề đó sẽ được hoàn thành trong vòng 6 tháng và báo cáo này sẽ giúp ngăn xung đột bạo lực tái diễn.
Người biểu tình yêu cầu điều tra độc lập về các hành động của cảnh sát. Các nhà quan sát cho rằng, cam kết của bà Carrie Lam sẽ không khiến người biểu tình thỏa mãn vì phần lớn thành viên IPCC ủng hộ chính quyền, không dễ gì chỉ trích cảnh sát.
Jimmy Sham, một người tham gia tổ chức biểu tình hòa bình hôm Chủ nhật, nói rằng, đề nghị đối thoại của bà Carrie Lam là một cái bẫy lừa dối người Hong Kong vì bà đã từ chối các yêu cầu của người biểu tình.
“Nếu bà nói rằng, dự luật dẫn độ nghi phạm đã bị xếp xó thì tại sao bà không chính thức rút nó đi? Bà không cần phải đối thoại để làm điều đó”, Sham nói. Người biểu tình có kế hoạch tiếp tục xuống đường trong những ngày tới.
Rạng sáng 20/8, trong khi đứng gác “bức tường Lennon” – nơi người biểu tình dán các tờ giấy màu với các thông điệp ủng hộ dân chủ, ba người trong độ tuổi 24-35 bị một người đàn ông cầm dao tấn công. Ba người này bị thương, trong đó một người đang trong tình trạng nguy kịch.
Nhân viên Lãnh sự quán Anh ở Hong Kong bị bắt
Một nhân viên của Lãnh sự quán Anh ở Hong Kong bị cơ quan chức năng Trung Quốc bắt khi đang trên đường từ Thâm Quyến về Hong Kong, bạn gái của anh này nói.
Simon Cheng, 28 tuổi, đang trên đường từ Thâm Quyến (thành phố thuộc tỉnh Quảng Đông ở Trung Quốc đại lục tiếp giáp Hong Kong) về lại quê nhà Hong Kong hôm 8/8 thì chị Li, bạn gái của anh Cheng, không liên lạc được với anh.
Người phát ngôn của Văn phòng Đối ngoại và Thịnh vượng chung của Anh nói: “Chúng tôi cực kỳ quan ngại trước thông tin một thành viên của nhóm chúng tôi bị bắt khi đang từ Thâm Quyến trở lại Hong Kong… Chúng tôi đang hỗ trợ gia đình anh và tìm kiếm thêm thông tin từ chính quyền ở tỉnh Quảng Đông và Hong Kong”.
Chị Li nói rằng, anh Cheng gửi tin nhắn cho chị ngay trước khi mất liên lạc. “Chuẩn bị qua biên giới, cầu nguyện cho anh”, anh viết.
Hơn 10 ngày sau, chị Li và gia đình anh Cheng không thể liên lạc được với anh. Cơ quan nhập cư Hong Kong nói với chị Li rằng, anh Cheng đã bị “tạm giữ hành chính” ở Trung Quốc đại lục tại một địa điểm không xác định với lý do không xác định.