Lãnh đạo huyện Thanh Oai khẳng định: Huyện không có nhu cầu 'giải cứu' trứng gà
Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng khẳng định, huyện Thanh Oai không có nhu cầu 'giải cứu' trứng gà, vịt.
Những ngày qua, trên vỉa hè của nhiều tuyến phố tại Hà Nội như: Phạm Hùng, Hồ Tùng Mậu, Tố Hữu... xuất hiện các điểm bán hàng với băng rôn "chung tay giải cứu trứng gà, vịt cho bà con nông dân" ở xã Liên Châu, huyện Thanh Oai (Hà Nội). Theo đó, giá trứng gà 65.000 đồng/30 quả và trứng vịt 75.000 đồng/30 quả.
Xung quanh vấn đề này, tối 20/2, trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng khẳng định, thông tin "giải cứu trứng gà, vịt cho người dân xã Liên Châu là không đúng sự thật. Huyện Thanh Oai hoàn toàn không có nhu cầu “giải cứu” sản phẩm trứng gà, vịt.
Cũng theo ông Bùi Văn Sáng, đến thời điểm này huyện chưa nhận được thông tin phản ánh hay đề nghị hỗ trợ nào từ người dân xã Liên Châu. Thậm chí người dân xã Liên Châu rất bức xúc khi thông tin trứng gà, vịt được bán tại vỉa hè với giá rẻ, treo băng rôn “giải cứu”. Thông tin không chính xác từ các thương lái, người bán trên vỉa hè đã và đang làm ảnh hưởng đến thương hiệu trứng gia cầm của xã Liên Châu.
Những ngày qua huyện Thanh Oai cũng đã chỉ đạo xã Liên Châu vào cuộc kiểm tra, huy động các đoàn thể xác minh thông tin “giải cứu” trứng. Kết quả cho thấy, các trang trại, hộ chăn nuôi vẫn xuất bán hàng ngày cho các đầu mối tiêu thụ bình thường, không có nhu cầu “giải cứu” hay hỗ trợ tiêu thụ.
“Điều chúng tôi lo ngại nhất hiện nay là có thể trứng gà, vịt nguồn gốc không rõ ràng, không đảm bảo chất lượng đang được các thương lái nhập, bày bán, trưng băng rôn “giải cứu” phản cảm tại khu vực vỉa hè, nhiều tuyến đường phố tại Hà Nội đang làm ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của sản phẩm trứng gà, vịt của Liên Châu cũng như công việc làm ăn chân chính của hàng trăm hộ chăn nuôi của địa phương. Do đó, chúng tôi mong muốn cơ quan quản lý thị trường sớm vào cuộc để kiểm tra, xác minh tình trạng này” – ông Bùi Văn Sáng nhấn mạnh.
Theo thống kê mới nhất của UBND xã Liên Châu, hiện toàn xã có gần 100 hộ chăn nuôi vịt, gà đẻ. Nhiều hộ nuôi quy mô tới 5.000 - 6.000 con, tập trung chủ yếu ở khu chuyển đổi thuộc thôn Châu Mai. Nhiều năm qua, các hộ này cùng với bán trứng thương phẩm, còn đầu tư lò ấp trứng, bán trứng vịt lộn, cho thu lãi 1 - 2 triệu đồng/ngày.
Năm 2020, sản phẩm trứng vịt một số hộ chăn nuôi tại thôn Châu Mai, xã Liên Châu được UBND TP công nhận xếp hạng 3 sao trong Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Nhờ đó, số lượng lớn sản phẩm trứng vịt của các trang trại, gia trại tại địa phương đã và đang được tiêu thụ ổn định tại các chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch, bếp ăn tập trên địa bàn TP Hà Nội.
Thông tin về vấn đề này, đại diện Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, hiện nay mức độ tiêu thụ trứng gà so với trước Tết có giảm nhưng chưa đến nỗi ế, thừa để đến mức phải "giải cứu".
Thực tế, các trang trại vẫn tiêu thụ được trứng. Giá trứng tuy giảm nhẹ khoảng 200 - 300 đồng/quả nhưng chưa tới mức người chăn nuôi gà phải thua lỗ.
Về lý do giá trứng rẻ hơn trước, đại diện Cục Chăn nuôi cho biết, sau Tết năm nào cũng vậy, theo quy luật thì tổng cầu sẽ giảm nhanh hơn tổng cung.
Tết Nguyên đán đã qua, nguồn cầu đương nhiên sẽ giảm mạnh, do đó, giá cũng giảm theo.
Vị này cũng khuyến cáo người mua cần phải cảnh giác với việc các tư thương bày bán trứng trên hè phố Hà Nội để kêu gọi giải cứu, rất có thể đó chỉ là chiêu trò lợi dụng, chụp giật trong kinh doanh. Chiêu trò này diễn ra thường xuyên, phổ biến sẽ gây tác hại không nhỏ đối với nông sản Việt, nhất là niềm tin của người tiêu dùng với nông sản, thực phẩm trong nước. Điều này cũng sẽ làm hạ giá trị của nông sản Việt.
Về phía người tiêu dùng không nên mua trứng ở vỉa hè vì không rõ nguồn gốc và thời gian bảo quản ra sao, rất dễ mua phải trứng hỏng, không sử dụng được.