Lãnh đạo IAEA lên kế hoạch thăm nhà máy điện hạt nhân Fukushima
Nhật Bản có kế hoạch xả nước thải nhiễm xạ đã qua xử lý từ nhà máy điện nguyên tử Fukushima số 1 của TEPCO, vốn đã bị hư hại trong thảm họa hạt nhân năm 2011 - ra biển vào mùa Hè này.
Theo Reuters, Ngoại trưởng Nhật Bản Yoshimasa Hayashi ngày 30/6 cho biết Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Rafael Grossi sẽ thăm Nhật Bản từ ngày 4-7/7 để thị sát nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi.
Nhật Bản có kế hoạch xả nước thải nhiễm xạ đã qua xử lý từ nhà máy điện nguyên tử Fukushima số 1 của Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO), vốn đã bị hư hại trong thảm họa hạt nhân năm 2011 - ra biển vào mùa Hè này.
Kế hoạch này đã khiến các nước láng giềng lo ngại.
Sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 là sự cố hạt nhân nghiêm trọng nhất thế giới kể từ sau thảm họa Chernobyl ở Ukraine năm 1986.
Nguồn nước thải nhiễm phóng xạ phát sinh từ 2 nguồn chính là nước bơm làm mát các thanh nhiên liệu nguyên tử bị tan chảy và nước mưa, nước ngầm chảy vào nhà máy, trực tiếp tiếp xúc với thanh nhiên liệu hoặc hòa lẫn cùng nước nhiễm chất phóng xạ.
TEPCO đã tiến hành phân tách chất phóng xạ strontium và cesium, sau đó sử dụng hệ thống xử lý chất lỏng tiên tiến (ALPS) để tách tiếp 62 đồng vị phóng xạ khác, trừ chất Triti không thể phân tách.
Nước sau khi xử lý được trữ trong các thùng chứa nằm trong phạm vi nhà máy và dự kiến sẽ chạm giới hạn vào mùa Thu năm nay.
Trước đó, ngày 28/6, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Nhà nước Hàn Quốc Park Ku-yeon cho biết đoàn thanh sát của nước này đang đánh giá kết quả phân tích dữ liệu đầu vào và đầu ra của hệ thống xử lý chất lỏng tiên tiến (ALPS) tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1.
Dựa trên phân tích nước thải trong năm 2023, có thể tạm thời xác định được rằng trong nước thải đã qua xử lý bằng ALPS không có chất phóng xạ nào nồng độ vượt quá tiêu chuẩn cho phép./.