Lãnh đạo livestream bán nông sản là 'miệng nói tay làm', tâm huyết với dân
Theo ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương, với mô hình chính quyền hai cấp hiện nay, yếu tố quyết định thành công chính là đội ngũ cán bộ. Dĩ nhiên còn nhiều yếu tố khác, nhưng đội ngũ cán bộ vẫn là trung tâm.
Sắp xếp tổ chức bộ máy, thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp là cuộc cách mạng về thể chế, nhằm đưa chính quyền đến gần dân, sát dân, phục vụ nhân dân tốt hơn. Trong bối cảnh đó, năng lực, tư duy và bản lĩnh của đội ngũ cán bộ trở thành yếu tố then chốt.
Trao đổi với phóng viên VOV.VN, ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương, người có nhiều năm gắn bó với công tác xây dựng Đảng và đội ngũ cán bộ, cho rằng với mô hình chính quyền hai cấp hiện nay, yếu tố quyết định thành công chính là đội ngũ cán bộ. Trong đó, đội ngũ cán bộ trẻ có thế mạnh về tri thức, đào tạo bài bản, năng động, sáng tạo, tiếp cận nhanh với cái mới.
Với, rất nhiều trường hợp cán bộ trẻ đã khởi nghiệp, đổi mới, đi đầu trong nhiều lĩnh vực, ông Hà tin tưởng, đội ngũ cán bộ các cấp sẽ đủ bản lĩnh, năng lực và tư duy đổi mới để vận hành hiệu quả mô hình chính quyền địa phương hai cấp, từ đó góp phần xây dựng nền hành chính phục vụ nhân dân tốt hơn.

Ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương.
Nhân rộng những tấm gương cán bộ lãnh đạo đổi mới, hành động vì dân
PV: Thưa ông, mô hình chính quyền địa phương hai cấp chính thức đi vào vận hành từ ngày 1/7 – là một cuộc cách mạng cải cách hành chính, sắp xếp lại “giang sơn” theo hướng tinh gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, gần dân, sát dân, phục vụ dân tốt hơn. Trong bối cảnh đó, yêu cầu đặt ra với năng lực đội ngũ cán bộ hiện nay là gì? Và năng lực này ảnh hưởng thế nào đến hiệu quả vận hành?
Ông Nguyễn Đức Hà: Từ thực tiễn 95 năm lãnh đạo cách mạng, Đảng ta đã rút ra kết luận: Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng. Đại hội XIII của Đảng đã cụ thể hóa rõ ràng: Công tác xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, thì công tác cán bộ là “then chốt của then chốt”.
Bác Hồ cũng từng căn dặn rất nhiều “cán bộ nào - phong trào ấy”. Bác cũng ví cán bộ như “tiền vốn” của Đảng. Có cán bộ tốt thì chính sách thành công, tức là có lãi. Không có cán bộ tốt cũng có nghĩa chính sách thất bại, tức là lỗ vốn. Những lời răn dạy ấy đến nay vẫn đúng.
Vì vậy, với mô hình chính quyền hai cấp hiện nay, yếu tố quyết định thành công chính là đội ngũ cán bộ. Dĩ nhiên còn nhiều yếu tố khác, nhưng đội ngũ cán bộ vẫn là trung tâm.
PV: Vừa qua, nhiều lãnh đạo cấp tỉnh, xã đã không ngần ngại xuất hiện trên mạng xã hội, tham gia các buổi livestream để quảng bá sản phẩm, cũng như giúp người nông dân bán hàng. Ông có góc nhìn thế nào về sự chủ động, gần dân kiểu mới của cán bộ lãnh đạo hiện nay?
Ông Nguyễn Đức Hà: Tôi đánh giá rất cao Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Phạm Văn Thịnh đã gây bất ngờ khi trực tiếp xuất hiện tại vườn vải để livestream bán hàng trong khuôn khổ chương trình "Tuần lễ vải thiều Lục Ngạn - Tự hào nông sản Việt", cũng như ông Nghiêm Xuân Cường - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cũng từng tạo ấn tượng khi tham gia livestream trên tiktok để quảng bá sản phẩm OCOP.
Việc ông Thịnh livestream bán vải thiều, giúp tiêu thụ hơn 55 tấn chỉ trong vài tiếng, không chỉ là hiệu quả kinh tế mà còn tạo dựng hình ảnh lãnh đạo gần gũi, miệng nói tay làm, làm tăng niềm tin của người dân vào chính quyền. Người dân và khách hàng cũng tin tưởng hơn vào sản phẩm khi được lãnh đạo giới thiệu. Tác động kép về niềm tin là rất rõ.
Các đồng chí lãnh đạo hiện nay đã quán triệt được lời dạy của Bác Hồ: Việc gì có lợi cho dân thì phải cố mà làm. Giờ đây, lãnh đạo không còn hô hào chung chung, mà miệng nói tay làm, trực tiếp livestream, trực tiếp giới thiệu sản phẩm. Những việc đó đòi hỏi tâm huyết và sự gắn bó thực sự với người dân.
Tôi cho rằng, đây là một hình ảnh lãnh đạo mới: năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Chúng ta cần nhân rộng những tấm gương như các đồng chí lãnh đạo ở Bắc Ninh, Quảng Ninh để lan tỏa tinh thần đổi mới, hành động vì dân.

Ông Phạm Văn Thịnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh (áo trắng), bán vải thiều trên livestream.
PV: Theo ông, để các “điểm sáng” không chỉ là cá biệt mà trở thành phổ biến thì cần thay đổi điều gì trong cơ chế?
Ông Nguyễn Đức Hà: Đảng và Nhà nước đã rất quan tâm. Bộ Chính trị đã có Kết luận số 14, Chính phủ có Nghị định 73 nhằm khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Trong giai đoạn hiện nay và sắp tới, chúng ta rất cần, rất trân quý những cán bộ năng động, sáng tạo, dám đột phá. Đó là lực lượng có thể giúp vượt qua mọi khó khăn, thử thách.
Ngày 9/5/2024, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã ký ban hành quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới, trong đó nhấn mạnh: Đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ dám làm vì nhân dân là tiêu chí, yêu cầu, chuẩn mực đánh giá cán bộ.

Ông Nghiêm Xuân Cường (giữa), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh tham gia buổi livestream bán hàng tại Hội chợ OCOP khu vực Đông Bắc - Quảng Ninh 2024. Ảnh: Nông nghiệp và Môi trường
Cơ hội để cán bộ lãnh đạo trẻ thể hiện năng lực, bản lĩnh chính trị
PV: Ông có kỳ vọng gì vào đội ngũ cán bộ trẻ hiện nay - những người trực tiếp vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp trong tương lai?
Đội ngũ cán bộ trẻ có thế mạnh về tri thức, đào tạo bài bản, năng động, sáng tạo, tiếp cận nhanh với cái mới. Rất nhiều trường hợp cán bộ trẻ đã khởi nghiệp, đổi mới, đi đầu trong nhiều lĩnh vực. Tôi rất tin tưởng.
Vấn đề là cần tăng cường học hỏi, đúc rút kinh nghiệm từ thực tiễn. Tôi tin rằng, nếu làm được điều đó, đội ngũ cán bộ trẻ sẽ ngày càng hoàn thiện hơn.
Với tinh thần cải cách mạnh mẽ, chúng ta hy vọng đội ngũ cán bộ các cấp sẽ đủ bản lĩnh, năng lực và tư duy đổi mới để vận hành hiệu quả mô hình chính quyền địa phương hai cấp, từ đó góp phần xây dựng nền hành chính phục vụ nhân dân tốt hơn.
PV: Sau sáp nhập địa giới hành chính, trong 34 tỉnh, thành phố mới, có nhiều cán bộ lãnh đạo chủ chốt sinh ra trong thập niên 1970. Ông đánh giá thế nào về độ tuổi và tâm thế của lực lượng lãnh đạo này?
Ông Nguyễn Đức Hà: Tổ chức chính quyền địa phương hai cấp đã đi vào hoạt động. Từ 63 tỉnh, thành, nay chỉ còn 34 tỉnh, thành. Từ hơn 10.000 xã, phường, thị trấn, nay chỉ còn hơn 3.000 đơn vị hành chính cấp xã và đặc khu; hiện không còn cấp huyện nữa.
Điều này có nghĩa là quy mô các tỉnh lớn hơn, dân số đông hơn, không gian và dư địa phát triển cũng rộng mở hơn. Các xã hiện nay cũng lớn hơn trước, nhiệm vụ và thẩm quyền cũng cao hơn nhiều. Vì vậy, việc sắp xếp lại đội ngũ cán bộ là cơ hội để lựa chọn những người có phẩm chất, năng lực, kinh nghiệm, đáp ứng yêu cầu giai đoạn mới.
Trong 34 tỉnh, thành, phần lớn cán bộ chủ chốt sinh ra trong những năm 1970. Họ không còn trẻ nhưng cũng chưa già, độ tuổi trung bình khoảng trên dưới 50. Việc quy hoạch cán bộ trẻ, cán bộ trung niên, cán bộ cao tuổi kế cận lẫn nhau là một chủ trương lớn của Đảng từ nhiều nhiệm kỳ qua. Điều này cũng phù hợp với lời dạy của Bác Hồ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trẻ.
Đội ngũ cán bộ trẻ hiện nay có sức khỏe, có sức bật, không sợ khó khăn, được đào tạo bài bản cả về lý luận chính trị lẫn chuyên môn nghiệp vụ. Họ cũng nhanh chóng tiếp cận với khoa học công nghệ, ngoại ngữ tốt. Tuy nhiên, kinh nghiệm sống và công tác thì chưa nhiều, nên trong một số tình huống phức tạp, cách xử lý có thể chưa thật chín chắn. Nhưng điều đó là bình thường, vì ai cũng cần trải qua rèn luyện, thực tiễn mới trưởng thành. Nếu chịu khó học hỏi, đúc rút kinh nghiệm, đặc biệt là rèn luyện bản lĩnh chính trị, tôi rất tin vào đội ngũ cán bộ trẻ.
PV: Theo ông, vai trò của đội ngũ cán bộ cấp xã hiện nay như thế nào, đặc biệt trong việc thực hiện 4 nghị quyết đột phá được xác định là “bộ tứ trụ cột” đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới?
Ông Nguyễn Đức Hà: Cấp xã bây giờ khác xưa rất nhiều, quy mô lớn hơn, chức năng nhiệm vụ và thẩm quyền cũng tăng lên. Trước đây, nhiều việc thuộc thẩm quyền huyện, giờ chuyển xuống xã. Chỉ khoảng 20% công việc của cấp huyện cũ được chuyển lên tỉnh, còn hơn 80% là xã thực hiện.
Như vậy, cán bộ xã hiện nay thực chất đang làm khối lượng công việc tương đương cấp huyện trước đây. Họ vừa phải có tầm nhìn chiến lược, vừa phải gần dân, sát dân, hướng dẫn cụ thể cho người dân và doanh nghiệp. Đây là cấp gần dân nhất, trực tiếp giải quyết các thủ tục hành chính phục vụ người dân.
Đội ngũ này không chỉ cần bản lĩnh chính trị, tâm huyết với nhân dân, mà còn phải giỏi chuyên môn, am hiểu khoa học công nghệ, đặc biệt là chuyển đổi số. Tổng Bí thư Tô Lâm từng nói: Chúng ta cần một phong trào “bình dân học vụ” về chuyển đổi số, không chỉ cán bộ phải học, mà còn phải hướng dẫn lại cho dân. Đặc biệt là học tập suốt đời, nâng cao lý luận chính trị, nghiệp vụ, khoa học công nghệ để đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.
PV: Xin cảm ơn ông!