Dịch tả lợn châu Phi: Tăng hỗ trợ tiêu hủy, củng cố 'tai mắt' thú y ở cơ sở
Nguy cơ dịch tả lợn châu Phi có chiều hướng gia tăng, ảnh hưởng tiêu cực đến ngành chăn nuôi lợn, nguồn cung thực phẩm đòi phải triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch.

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch xã Thung Nai, tỉnh Phú Thọ hướng dẫn người dân rắc vôi bột để khử trùng chuồng trại. (Ảnh: Thanh Hải/TTXVN)
Bước vào mùa mưa bão, thời điểm thuận lợi cho virus phát tán ra môi trường, dịch tả lợn châu Phi đang trở thành mối lo ngại lớn đối với ngành chăn nuôi, đặc biệt tại các tỉnh miền Bắc. Từ đầu năm 2025, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại 27 tỉnh, thành phố trên cả nước. Hiện nay, hơn 20 tỉnh, thành phố vẫn còn các ổ dịch chưa qua 21 ngày. Các ổ dịch chủ yếu tập trung tại khu vực miền núi phía Bắc, trung du và rải rác ở một số tỉnh miền Trung như Quảng Bình, Quảng Trị.
Tăng hỗ trợ tiêu hủy lợn bệnh
Ông Phan Quang Minh, Cục phó Chăn nuôi và Thú y (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đánh giá bệnh dịch tả lợn châu Phi đang có chiều hướng gia tăng, chủ yếu tái phát ổ dịch cũ, quy mô nhỏ bình quân 50-60 con. Nguyên nhân là virus có sức đề kháng cao, xuất hiện chủng mới khó tiêu diệt và tồn tại lâu ngoài môi trường. Việc chăn nuôi nhỏ lẻ, chăn nuôi trong khu dân cư còn chiếm tỷ lệ lớn nên không đảm bảo các biện pháp an toàn sinh học.
Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, so với các đợt dịch trước, đợt dịch này không có nhiều biến động về quy mô hay tốc độ lây lan. Tuy nhiên, nguy cơ bùng phát vẫn rất cao, đặc biệt trong bối cảnh mùa mưa bão. Các hành vi thiếu ý thức như vứt xác lợn xuống sông, kênh rạch và việc giết mổ lợn bệnh để tiêu thụ tiếp tục là những yếu tố làm dịch bệnh lây lan mạnh.
Ông Phan Quang Minh nhận định nguyên nhân chính khiến người dân chưa chủ động khai báo khi lợn nhiễm dịch tả lợn châu Phi xuất phát từ tâm lý sợ thiệt hại kinh tế và thiếu niềm tin vào chính sách hỗ trợ. Nghị định số 02/2017/NĐ-CP quy định hộ chăn nuôi được hỗ trợ thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, song quy trình rất phức tạp. Người dân chậm được hưởng hỗ trợ, thậm chí một số địa phương không chi trả hỗ trợ thiệt hại kịp thời... khiến nhiều người nảy sinh tâm lý bán tháo lợn ốm, lợn chết để có tiền trang trải, tái đàn thay vì báo cho chính quyền để tổ chức tiêu hủy.
Để khắc phục tình trạng này, theo ông Phan Quang Minh, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã trình Chính phủ ký ban hành Nghị định 116/2025/NĐ-CP về chính sách hỗ trợ mới khắc phục dịch bệnh, có hiệu lực từ 25/7 tới đây. Trong đó, lợn chết do dịch bệnh sẽ được hưởng mức hỗ trợ 40.000 đồng/kg hơi và quy trình hỗ trợ đơn giản hơn nhiều. Cơ quan thú y chỉ lấy mẫu xét nghiệm dịch bệnh của hộ chăn nuôi đầu tiên, những hộ sau nếu có lợn chết thì không cần xét nghiệm đồng thời có các mốc thời gian xử lý hồ sơ rất rõ ràng.
"Chúng tôi kỳ vọng chính sách này sẽ giải quyết tình trạng vứt xác động vật bừa bãi ra môi trường. Người chăn nuôi cần chủ động báo dịch để nhận hỗ trợ," ông Phan Quang Minh nói.

Người dân vẫn vứt xác lợn chết tràn làn trên các hệ thống kênh thủy nông tại nhiều địa bàn tỉnh Nghệ An. (Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN)
Triển khai mô hình trạm thú y liên xã
Nguy cơ dịch bệnh lan rộng hiện nay cho thấy vai trò và trách nhiệm của lực lượng thú y tại cơ sở – những người trực tiếp phụ trách công tác phòng dịch tại các xã, phường là rất quan quan trọng.
Theo các chuyên gia, lực lượng thú y cơ sở đóng vai trò then chốt trong việc giám sát, phát hiện sớm các ca bệnh, ổ dịch khi chúng còn ở diện hẹp. Sau đó, họ sẽ hướng dẫn xử lý, khoanh vùng ổ dịch để ngăn chặn lây lan trên diện rộng. Nếu không phát hiện kịp thời và để dịch lây lan, việc huy động lực lượng ở các cấp cao hơn sẽ trở nên rất vất vả, khó kiểm soát và dịch có thể kéo dài, gây hậu quả nghiêm trọng.
Tuy nhiên, theo chủ trương chung, lực lượng thú y cơ sở này sẽ kết thúc hoạt động trong thời gian tới. Đây là vấn đề đáng lo ngại bởi lực lượng thú y cơ sở chính là “tai mắt” ban đầu trong việc giám sát, phát hiện và hướng dẫn người dân xử lý ổ dịch.
Ông Phan Quang Minh nhấn mạnh một trong những nguyên tắc để khống chế, dập tắt dịch bệnh là phát hiện sớm và xử lý kịp thời song vẫn có địa phương chậm báo cáo hoặc báo cáo không đúng sự thật khi xảy ra dịch. Bên cạnh đó, sau quá trình sắp xếp, tinh gọn bộ máy ở các địa phương, lực lượng thú y hiện rất mỏng, nhiều xã không có cán bộ thú y, dẫn tới việc phát hiện, báo cáo các ổ dịch không đầy đủ.
Để khắc phục tình trạng thiếu hụt nhân lực, Cục Chăn nuôi và thú y đang cử các đoàn công tác đi khảo sát, nghiên cứu và đề xuất Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức mô hình trạm thú y liên xã, nhằm thuận lợi trong giám sát, phòng chống dịch bệnh cũng như kiểm soát giết mổ.

(Ảnh: PV/Vietnam+)
Theo ông Phan Quang Minh, với mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, khi phát hiện dịch bệnh, ngoài báo cáo trực tiếp lên tỉnh, thông qua hệ thống trực tuyến, cán bộ thú y cũng có thể báo thẳng lên cơ quan Trung ương để phối hợp triển khai ngăn chặn.
Trước thực trạng nguy cơ lan rộng dịch tả lợn châu Phi, Thứ trưởng Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến yêu cầu sớm triển khai đồng bộ tiêm vaccine cho lợn ở những vùng nguy cơ cao như miền núi phía Bắc và miền Trung đồng thời theo dõi sát diễn biến dịch, đánh giá khả năng lây lan để có biện pháp ứng phó kịp thời.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng nhấn mạnh cần tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm, đặc biệt là tại các điểm nóng về dịch bệnh và hỗ trợ đầy đủ cho người chăn nuôi khi tiêu hủy lợn bệnh để khuyến khích họ chủ động báo cáo. Về lâu dài, hệ thống thú y cơ sở cần đảm bảo thống nhất và có đủ nhân lực kiểm soát giết mổ, vận chuyển và kinh doanh thịt lợn phải được siết chặt, đặc biệt tại điểm cung cấp thực phẩm lớn.
Hậu quả nặng nề của dịch tả lợn châu Phi trong giai đoạn 2019-2021 là bài học đau lòng. Khi đó, hơn 6 triệu con lợn đã bị tiêu hủy, tương đương gần 20% tổng đàn cả nước. Giá trị thịt lợn tăng vọt, kéo theo chi phí sinh hoạt leo thang, lạm phát gia tăng và hàng triệu hộ nông dân rơi vào cảnh lao đao. Để không lặp lại kịch bản này, các chuyên gia cho rằng công tác phòng chống dịch rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa người chăn nuôi, chính quyền địa phương, doanh nghiệp và các cơ quan thú y./.
Theo thống kê từ Bộ Nông nghiệp và Môi trường, từ đầu năm 2025 đến nay, cả nước đã ghi nhận 514 ổ dịch tại 28/34 tỉnh thành, với hơn 29.600 con lợn mắc bệnh và hơn 30.460 con bị tiêu hủy. Dù số liệu cho thấy số ổ dịch đã giảm 41% và số lợn chết giảm 60% so với cùng kỳ năm 2024, nhưng tình hình vẫn diễn biến phức tạp.
Hiện nay, cả nước còn 248 ổ dịch tại 20/34 tỉnh thành chưa qua 21 ngày. Đặc biệt, Lạng Sơn và Cao Bằng là hai địa phương chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất với hàng nghìn con lợn mắc bệnh và bị tiêu hủy.