Lãnh đạo một số Bộ, cơ quan chưa tham gia tích cực trong công tác xây dựng pháp luật
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, lãnh đạo một số Bộ, cơ quan chưa tham gia tích cực, chỉ đạo quyết liệt trong công tác xây dựng pháp luật, còn có sự ủy quyền, giao phó cho cấp dưới.
Bài liên quan
Sáng nay, khai mạc Phiên họp thứ 57 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Cuộc bầu cử đã phát huy được tinh thần dân chủ, công khai, minh bạch
Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV sẽ dành 5 ngày cho công tác nhân sự
Ngày 14/6, tiếp tục Chương trình làm việc Phiên họp thứ 57, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về Đề nghị về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung phiên họp.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long.
Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, đề nghị của Chính phủ về Chương trình năm 2022 tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội Khóa XV gồm: Chương trình thông qua với 6 dự án (Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); Luật Điện ảnh (sửa đổi); Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; Luật Cảnh sát cơ động), là các dự án được cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội Khóa XV. Chương trình cho ý kiến với 3 dự án (Luật Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn và Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Luật Dầu khí (sửa đổi)).
Tại Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội Khóa XV gồm Chương trình thông qua gồm với 3 dự án (Luật Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Luật Dầu khí (sửa đổi)) là dự án đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3.
Về đề nghị điều chỉnh Chương trình năm 2021, để bảo đảm tính khả thi, cân đối giữa Chương trình năm 2021 và năm 2022, Chính phủ đề nghị bổ sung vào Chương trình năm 2021 dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê. Như vậy, sau khi điều chỉnh, số lượng các dự án thuộc Chương trình năm 2021 sẽ là 8 dự án, tăng 1 dự án so với Nghị quyết số 106/2020/QH14; chương trình cho ý kiến gồm 1 dự án (Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng.
Trình bày ý kiến thẩm tra của Ủy ban Pháp luật về Đề nghị của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, về cơ bản, Ủy ban Pháp luật nhận thấy những kết quả đạt được trong năm 2020 trong việc lập và thực hiện Chương trình là sự tiếp nối, phát huy những đổi mới, ưu điểm đã đạt được trong các năm trước đó.
Tuy nhiên, ông Hoàng Thanh Tùng cũng chỉ rõ những hạn chế, bất cập đó là: Việc điều chỉnh Chương trình vẫn còn nhiều, trong đó có không ít dự án được đề nghị bổ sung gần sát kỳ họp Quốc hội, có dự án phải lùi tiến độ trình Quốc hội hoặc đưa ra khỏi Chương trình để tiếp tục chuẩn bị....
Trong lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh một số cơ quan được giao chủ trì chuẩn bị chưa thực sự chủ động, thiếu sự quan tâm, đầu tư thỏa đáng, chưa bám sát yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, chưa chú trọng công tác tổng kết, đánh giá tác động của chính sách cũng như việc lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức có liên quan, đối tượng chịu sự tác động của chính sách theo quy định, chưa trù liệu được hết các yếu tố ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng chuẩn bị dự án.
“Lãnh đạo một số Bộ, cơ quan chưa tham gia tích cực, chỉ đạo quyết liệt trong công tác xây dựng pháp luật, còn có sự ủy quyền, giao phó cho cấp dưới; việc gửi hồ sơ dự án cho cơ quan thẩm tra, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội, nhiều trường hợp chưa bảo đảm thời gian theo quy định. Do đó, đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành cần nghiên cứu, có giải pháp cụ thể để khắc phục triệt để trong nhiệm kỳ tới”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật phát biểu.
Nêu quan điểm chung về công tác lập pháp tới đây của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, tinh thần lập pháp phải chủ động hơn, "vai trò của Quốc hội phải dẫn dắt, phải có giao nhiệm vụ chứ không phải cứ đến hẹn lại lên, anh nào trình được cái gì là làm cái đó".
Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu, phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật vì đây là vấn đề đã nói nhiều lần. Mỗi dự án luật phải đánh giá đầy đủ tác động. Không quay trở lại những hạn chế, khuyết điểm trước đây như thiếu đồng bộ, thiếu thống nhất, tuổi thọ ngắn…
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có kết luận dứt khoát về vấn đề này, cương quyết không chấp nhận bất cứ dự án nào không nằm trong chương trình và không chuẩn bị kỹ lưỡng.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định.
Phát biểu kết thúc nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị trên cơ sở các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp này, Ủy ban Pháp luật tiếp tục chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, đặc biệt là Chính phủ và Bộ Tư pháp giúp Chính phủ xây dựng Tờ trình kèm theo dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021; Tờ trình và Nghị quyết cần phản ánh rõ nội dung trình của Chính phủ và tất các các nội dung mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận.
"Tờ trình kèm theo dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 cần phải được hoàn chỉnh sớm để lấy ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, gửi các đại biểu Quốc hội" Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, .
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan sớm hoàn chỉnh các dự án Luật thuộc Chương trình Kỳ họp thứ nhất và Kỳ họp thứ 2 để gửi các Ủy ban thẩm tra và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến. Đồng thời đề nghị Chính phủ từ nay đến cuối năm 2021, về cơ bản không đề xuất bổ sung thêm dự án Luật vào Chương trình năm 2021, để dành thời gian giải quyết các công việc cấp bách.