Lãnh đạo Mỹ - Israel điện đàm giữa lúc sinh mệnh chính trị gặp nguy

Cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 4/4 (theo giờ Mỹ) không chỉ là phép thử đối với quan hệ ngày càng xấu đi giữa hai nhà lãnh đạo.

Tổng thống Mỹ Joe Biden trong cuộc gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Tel Aviv ngày 18/10/2023. (Ảnh: Anadolu)

Tổng thống Mỹ Joe Biden trong cuộc gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Tel Aviv ngày 18/10/2023. (Ảnh: Anadolu)

Sự kiện này còn làm nổi bật mâu thuẫn trong chính sách của Mỹ đối với Dải Gaza, khi cuộc xung đột ở đó có thể trở thành mối đe dọa hiện hữu đối với sự nghiệp chính trị của cả hai ông.

Dù Tổng thống Biden nhiều lần bày tỏ thất vọng về cách nhà lãnh đạo Israel tiến hành cuộc tấn công dữ dội vào Dải Gaza và tác động với dân thường, trong đó có vụ không kích giết chết 7 nhân viên cứu trợ trong tuần này, nhưng các nguyên tắc cơ bản về sự hỗ trợ trung thành của Mỹ dành cho Israel vẫn không thay đổi.

Và dù Nhà Trắng thúc ép Israel thay đổi cách làm để bảo vệ dân thường, cảnh báo nguy cơ xảy ra thảm họa nhân đạo, nhưng chính quyền Mỹ vẫn đang tiến tới phê duyệt hợp đồng bán lô máy bay chiến đấu F-15 trị giá 18 tỷ USD cho Israel.

Cuộc điện đàm giữa ông Biden và ông Netanyahu cũng diễn ra trong bối cảnh Washington lo ngại hành động của Israel có thể châm ngòi cho xung đột quy mô khu vực mà Washington đang cố gắng tránh.

Vụ không kích cơ sở ngoại giao Iran ở Syria hôm 1/4 dẫn đến lời thề trả đũa, điều có thể khiến lực lượng Mỹ ở khu vực gặp nguy hiểm.

Cả hai nhà lãnh đạo đều đang chịu áp lực rất lớn từ dư luận trong nước, trong khi có nhiều dấu hiệu cho thấy ưu tiên chính trị của họ không gặp nhau.

Tổng thống Biden đang cần xung đột kết thúc để xoa dịu cơn giận của nhóm cử tri cấp tiến, những người đe dọa làm suy yếu liên minh chính trị của ông trước cuộc bầu cử vào tháng 11.

Trong khi đó, ông Netanyahu có thể đang muốn kéo dài thời gian để ngăn chặn cuộc bầu cử mà nhiều nhà lãnh đạo Mỹ tin rằng ông sẽ thua.

Việc Tổng thống Biden điện đàm với các nhà lãnh đạo thế giới là điều bình thường, như cuộc trao đổi với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 2/4 vừa qua. Tuy nhiên, cuộc điện đàm với Thủ tướng Netanyahu gây cảm giác đây là thời điểm quan trọng đối với cả Trung Đông và nhiệm kỳ tổng thống của chính ông Biden, trong bối cảnh vụ không kích khiến 7 nhân viên cứu hộ của World Central Kitchen đang gây ra nhiều phẫn nộ.

Vụ không kích này khiến ông Biden phải nói rằng ông “bị xúc phạm” và chê trách Israel đã làm quá ít để bảo vệ dân thường và nhân viên cứu trợ tại khu vực bị tàn phá.

Tuy nhiên, bất chấp áp lực trong nước và quốc tế, Nhà Trắng vẫn khẳng định không có thay đổi nào trong chính sách của họ đối với đồng minh Israel.

Mâu thuẫn và kém hiệu quả

Theo giới quan sát, chính sách của Mỹ đối với Trung Đông ngày càng kém hiệu quả và mâu thuẫn. Chưa có dấu hiệu cho thấy những tín hiệu về sự thất vọng ngày càng tăng của Mỹ đối với ông Netanyahu và lời kêu gọi Israel phải làm nhiều hơn để bảo vệ dân thường tạo nên bất kỳ thay đổi nào.

Sự mâu thuẫn trong chính sách của Mỹ được José Andrés, người sáng lập World Central Kitchen, mô tả ngắn gọn trong cuộc phỏng vấn với Reuters ngày 3/4. “Việc này rất phức tạp để hiểu. … Mỹ sẽ cử hải quân và quân đội của mình đến làm công tác nhân đạo (ở Dải Gaza), nhưng đồng thời vũ khí do Mỹ cung cấp… đang giết hại dân thường”, ông nói.

Theo giới quan sát, các sự kiện diễn ra trong vài tuần gần đây cho thấy ông Biden không thể tác động nhiều đến ông Netanyahu, hoặc nhà lãnh đạo Mỹ không muốn làm như vậy.

Vụ tấn công của Hamas vào Israel hồi tháng 10 năm ngoái khiến nhiều người Do Thái cảm thấy rằng sự tồn tại của Israel đang bị đe dọa. Nhưng những người chỉ trích Israel đang đặt câu hỏi rằng liệu phản ứng dữ dội của Israel đối với Hamas có hợp lý hay không khi đã giết hại hơn 30.000 người Palestine.

Một số thành viên đảng Dân chủ kêu gọi Tổng thống Biden áp giới hạn về cách Lực lượng Phòng vệ Israel sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp. Nhưng ông Biden, người ủng hộ nhà nước Do Thái nhiều nhất so với bất kỳ tổng thống Mỹ gần đây nào, từ chối làm như vậy.

Tuy nhiên, việc ông Netanyahu không nghe ông Biden và có những bước đi nhằm củng cố quan hệ với phe Cộng hòa ở Đồi Capitol đang gây hoài nghi về sức mạnh của đương kim tổng thống trong mối quan hệ với một trong những đồng minh thân thiết nhất của Mỹ.

Đối với Israel, sự ủng hộ của Mỹ giờ đây quan trọng hơn bao giờ hết. Vụ không kích làm chết 7 nhân viên cứu hộ càng khiến các quốc gia thân thiện với nước này xa lánh. Thủ tướng Anh Rishi Sunak vừa phát biểu rằng tình hình ở Dải Gaza “ngày càng không thể chịu đựng được”.

Ở Mỹ, Tổng thống Biden đang phải trả giá đắt về mặt chính trị cho sự ủng hộ dành cho Israel. Tại Wisconsin ngày 2/4, gần 48.000 cử tri trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ đã bỏ phiếu phản đối cách ông Biden ứng xử với cuộc chiến, giống như tình hình trước đó ở Michigan.

Ông Biden chỉ đánh bại đối thủ Donald Trump với khoảng 20.000 phiếu bầu ở Wisconsin năm 2020 và bang này có thể quyết định ai thắng trong cuộc đua vào tháng 11 năm nay. Những nỗ lực của Nhà Trắng nhằm giảm bớt ảnh hưởng chính trị từ Dải Gaza lên Tổng thống đang phản tác dụng.

Ngày 2/4, Tiến sĩ Thaer Ahmad, một bác sĩ người Mỹ gốc Palestine có ý định trở lại Dải Gaza để điều trị cho các nạn nhân chiến tranh, bỏ ngang cuộc gặp với tổng thống.

Thu Loan

Theo CNN

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/lanh-dao-my-israel-dien-dam-giua-luc-sinh-menh-chinh-tri-gap-nguy-post1626189.tpo