Lãnh đạo Mỹ - Nhật sát cánh đối phó Trung Quốc trên Biển Đông, Hoa Đông
Ngày 16/4, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Suga Yoshihide thể hiện một mặt trận thống nhất để chống lại Trung Quốc ngày càng quyết liệt.
Cuộc hội đàm với nhà lãnh đạo Nhật là cơ hội để ông Biden tiếp tục thể hiện cam kết làm sống lại các mối quan hệ đồng minh của Mỹ sau thời gian bị người tiền nhiệm Donald Trump bỏ mặc.
Trung Quốc là vấn đề cao nhất trong chương trình hội đàm, cho thấy Nhật Bản đang đóng vai trò trung tâm trong nỗ lực của Mỹ để cạnh tranh với Trung Quốc.
Hai nhà lãnh đạo đã bàn về hàng loạt vấn đề địa chính trị, trong đó có Đài Loan.
“Hôm nay, Thủ tướng Suga và tôi cam kết ủng hộ mạnh mẽ quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật Bản và nền an ninh chung của chúng ta”, ông Biden nói tại cuộc họp báo chung tại Vườn Hồng Nhà Trắng.
“Chúng tôi cam kết làm việc cùng nhau để xử lý những thách thức từ Trung Quốc và trong những vấn đề biển Hoa Đông, Biển Đông, cũng như Triều Tiên, để bảo đảm tương lai của một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mở và tự do”, ông Biden nói.
Những mối quan tâm cấp bách khác trong cuộc hội đàm gồm việc Trung Quốc gia tăng hoạt động quân sự gần Đài Loan, thắt chặt kiểm soát Hong Kong và vấn đề người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
Ông Suga nói rằng ông và nhà lãnh đạo Mỹ đồng ý rằng cần phải thảo luận thẳng thắn với Trung Quốc về những hoạt động của Bắc Kinh ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Cuộc gặp với Thủ tướng Suga là cuộc gặp trực tiếp nguyên thủ nước ngoài đầu tiên của ông Biden kể từ khi trở thành tổng thống. Sự kiện diễn ra chỉ vài ngày sau khi Trung Quốc đưa 25 máy bay quân sự, trong đó có các tiêm kích và máy bay ném bom, đến gây sức ép với Đài Loan, hòn đảo mà họ coi là một tỉnh của mình.
“Tôi không muốn nói chi tiết vì nó liên quan đến những trao đổi ngoại giao, nhưng đã có một sự đồng thuận giữa Nhật và Mỹ về tầm quan trọng của hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan. Vấn đề đó được tái khẳng định trong dịp này”, ông Suga nói.
Trong tuyên bố chung, hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh “tầm quan trọng của hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan và khuyến khích giải quyết hòa bình các vấn đề ở eo biển này.
Đây là lần đầu tiên một tuyên bố chung của lãnh đạo Mỹ - Nhật đề cập đến vấn đề eo biển Đài Loan kể từ năm 1969, trước khi Tokyo bình thường hóa quan hệ với Bắc Kinh.
Giới quan sát chú ý đến ngôn ngữ mà lãnh đạo Mỹ - Nhật sử dụng để nói về chủ đề này vì Tokyo vẫn cần cân bằng giữa một bên là mối quan tâm về an ninh của mình với một bên là quan hệ kinh tế với Trung Quốc.
Đầu tư cho tương lai
Tiếp tục nhằm vào Trung Quốc, ông Biden nói tại cuộc họp báo rằng Mỹ và Nhật sẽ cùng đầu tư vào những lĩnh vực như 5G, trí tuệ nhân tạo, điện toán lượng tử, chuỗi gien và các chuỗi cung cấp thiết bị bán dẫn.
Tuyên bố chung nói rằng Mỹ cam kết dành 2,5 tỷ USD và Nhật dành 2 tỷ USD để tăng cường năng lực cạnh tranh kỹ thuật số, bao gồm công nghệ 5G và hơn thế nữa.
“Nhật Bản và Mỹ đều sẽ đầu tư sâu vào đổi mới và hướng tới tương lai. Điều đó bảo đảm rằng chúng tôi sẽ đầu tư và bảo vệ những công nghệ giúp duy trì và mài dũa năng lực cạnh tranh của chúng tôi”, ông Biden nói.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói rằng Trung Quốc đã bày tỏ quan ngại về sự “thông đồng” giữa Nhật và Mỹ, và các nước khác nên xem xét những quan ngại của Trung Quốc một cách nghiêm túc.
Trong phát biểu sau đó tại một viện nghiên cứu ở Washington, ông Suga nói rằng Nhật sẽ nói điều cần nói với Trung Quốc và lên tiếng về nhân quyền, đồng thời cũng nhấn mạnh rằng cần xây dựng quan hệ ổn định và mang tính xây dựng với Bắc Kinh.
Tại cuộc họp báo, ông Suga nói rằng ông cam kết tổ chức Thế vận hội mùa hè ở Nhật Bản và ông Biden ủng hộ điều này.
Nhật Bản đang phải đối phó với số ca lây nhiễm gia tăng, với khoảng 100 ca mắc mới mỗi ngày.
Khi ngồi vào bàn hội đà, hai ông Biden, Suga và đoàn quan chức hai nước đều đeo khẩu trang và bảo đảm các quy tắc phòng dịch COVID-19.
Ông Biden dường như đang quyết tâm xốc lại quan hệ với Nhật Bản sau 4 năm chính quyền Trump chỉ chú trọng chuyện đòi các đồng minh trả thêm chi phí.
Với cuộc gặp ông Suga và một cuộc thượng đỉnh dự kiến với Hàn Quốc vào tháng 5 tới, ông Biden hy vọng sẽ thúc đẩy những nỗ lực chung với Úc, Ấn Độ và Nhật Bản trong khuôn khổ Bộ Tứ, cũng như với đối tác Hàn Quốc, để đối phó với Trung Quốc và kẻ thù lâu năm của Mỹ là Triều Tiên.