Lãnh đạo Mỹ-Pháp tranh cãi nảy lửa về NATO
Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron ngày 3/12 tranh cãi gay gắt về tương lai của NATO...
Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron ngày 3/12 tranh cãi gay gắt về tương lai của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Cuộc tranh luận diễn ra ngay trước thềm hội nghị thượng đỉnh NATO nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày thành lập khối.
Theo hãng tin Reuters, lời qua tiếng lại giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Pháp một lần nữa khắc sâu mối bất đồng trong NATO - liên minh quân sự được xem là thành công nhất trong lịch sử.
Như thường lệ, ông Trump đòi châu Âu chi thêm cho phòng thủ tập thể của NATO và nhượng bộ các lợi ích của Mỹ về thương mại. Trong khi đó, ông Macron giữ quan điểm mà ông đưa ra hồi tháng trước cho rằng việc NATO thiếu mục tiêu chiến lược hiện nay không khác gì tình trạng "chết não".
Washington và Paris từ lâu đã tranh cãi về mục đích của NATO, chẳng hạn Pháp phản đối cuộc chiến tranh Iraq hồi năm 2003 do Mỹ tiến hành. Nhưng căng thẳng mới giữa hai bên làm gia tăng mối hoài nghi về tương lai của NATO - sự nghi ngờ vốn đã nổi lên vì ông Trump không rõ ràng trong việc cam kết bảo vệ châu Âu.
Ông Trump nói sự chỉ trích của ông Macron nhằm vào NATO là "rất, rất khó chịu", đồng thời đặt ra câu hỏi rằng liệu quân đội Mỹ có nên bảo vệ những quốc gia không chịu đạt mục tiêu của liên minh về ngân sách quốc phòng.
"Việc nước Mỹ bị lợi dụng trong NATO là một điều không đúng đắn, và cả việc bị lợi dụng về thương mại nữa. Nhưng đó chính là những việc đang xảy ra. Chúng tôi không thể để việc này tiếp diễn", ông Trump phát biểu khi nói về những mối mâu thuẫn giữa hai bờ Đại Tây Dương, từ mâu thuẫn trong vấn đề trợ cấp cho hai hãng chế tạo máy bay Boeing và Airbus, cho tới kế hoạch của châu Âu về đánh thuế dịch vụ kỹ thuật số đối với các hãng công nghệ lớn của Mỹ.
Toàn bộ 29 quốc gia thành viên NATO có mục tiêu chi 2% tổng sản phẩm trong nước (GDP) cho quốc phòng. Tuy nhiên, số liệu từ NATO cho thấy chỉ một số ít nước trong số này, gồm Mỹ, Bulgaria, Hy Lạp, Anh, Estonia, Romania, Lithuania, Latvia và Ba Lan là đạt mục tiêu, còn các nước khác, gồm Đức và Pháp, đều chi dưới 2% GDP cho Quốc phòng.
Cũng theo dữ liệu mới nhất của NATO, Mỹ hiện chi 3,42% GDP cho quốc phòng, còn Đức chỉ chi 1,38%.
Ông Macron phản bác lại nhà lãnh đạo Mỹ bằng cách chỉ trích việc NATO không tìm ra được một mục đích rõ ràng kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai.
"Nếu chúng tôi đầu tư tiền bạc và đặt sinh mạng những người lính của mình vào thế rủi ro trong các chiến dịch, thì chúng tôi phải được rõ về nền tảng của NATO", ông Macron viết trên mạng xã hội Twitter sau cuộc gặp ông Trump.
Theo hiệp ước NATO 1949, một cuộc tấn công nhằm vào một thành viên của khối đồng nghĩa với tấn công tất cảnh thành viên trong khối. Ngoài ra, liên minh này có các chiến lược quân sự cho việc phòng thủ tập thể.
Hội nghị thượng đỉnh của NATO sẽ khai mạc tại một khách sạn cao cấp ở ngoại ô London vào ngày thứ Tư.
Với hy vọng xoa dịu ông Trump, châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ và Canada dự kiến sẽ cam kết tại hội nghị này rằng họ sẽ chi khoảng 400 tỷ USD cho quốc phòng trong thời gian từ nay đến 2024, đồng thời nhất trí giảm phần đóng góp của Mỹ trong liên minh. Ngoài ra, NATO dự kiến sẽ thông qua một chiến lược mới để giám sát sức mạnh quân sự ngày càng gia tăng của Trung Quốc.
Phát biểu ngày 3/12, ông Trump nói ông tin rằng Nga muốn thương lượng với Mỹ và NATO về vấn đề kiểm soát vũ khí và hạt nhân, và cho biết ông sẵn sàng đưa Trung Quốc vào những thỏa thuận như vậy, nếu có.
Nguồn VnEconomy: http://vneconomy.vn/lanh-dao-my-phap-tranh-cai-nay-lua-ve-nato-2019120410331627.htm