Sau khi Hungary đảm nhận chức chủ tịch luân phiên EU, Thủ tướng Viktor Orban ngay lập tức tới Ukraine, Nga và các nước khác. Ý tưởng của ông Orban rất rõ ràng, đó là lợi dụng vị thế trung lập của Hungary và tận dụng cơ hội giữ chức chủ tịch luân phiên EU, để thúc đẩy hòa bình giữa Nga và Ukraine.
Tất nhiên, Hungary là một quốc gia có ít ảnh hưởng, nên khó có thể tự mình giàn xếp được lệnh ngừng bắn giữa Nga và Ukraine, nhưng điều này không có nghĩa là không còn chỗ để hành động.
Nhất là trong bối cảnh phe cánh hữu châu Âu lên nắm quyền, những người ủng hộ lệnh ngừng bắn và phản đối chiến tranh ngày càng lớn hơn và ông Orban nắm bắt cơ hội này, để nâng cao ảnh hưởng của Hungary trong khối NATO, EU và thậm chí cả cộng đồng quốc tế.
Theo hãng tin Nga Sputnik, ông Orban cho biết trong một cuộc phỏng vấn với tờ nhật báo Bild của Đức rằng, rất khó để tưởng tượng rằng Nga sẽ bị đánh bại; và khả năng Nga thực sự bị đánh bại là không thể tính toán được. Nghĩa là “không thể tính toán được”, tức là xác suất vô cùng nhỏ, gần bằng 0 và hoàn toàn không thể tính toán được.
Ông Orban cũng tiết lộ rằng, sau cuộc nói chuyện gần đây với Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Ukraine Zelensky, ông đã kết luận rằng tình hình chiến tranh trong hai đến ba tháng tới sẽ tàn khốc hơn chúng ta tưởng tượng. Đây là quan điểm của Hungary về cuộc chiến Nga-Ukraine, nếu tiếp tục, những điều tàn khốc hơn sẽ xảy ra.
Suy cho cùng, chiến tranh là đổ máu và thiệt hại. Hiện tại, Quân đội Ukraine tổn thất hàng ngày khoảng 2.000 quân; và với việc tuyển quân ngày càng khó khăn, tốc độ bổ sung Quân đội của Ukraine không thể theo kịp tốc độ tiêu hao, nếu Quân đội Ukraine tiếp tục chiến đấu như thế này trong hai hoặc ba năm nữa, Ukraine sẽ chỉ trở nên bi thảm hơn.
Mặc dù cả phương Tây và Ukraine đều đang thổi phồng khái niệm "đánh bại Nga", nhưng xét về tình hình chiến trường trong khoảng hai năm trở lại đây, khách quan đánh giá, Quân đội Ukraine chưa bao giờ tiến gần đến mục tiêu "đánh bại Nga".
Trên thực tế ngoài thành tích của cuộc phản công Kharkov và Kherson vào mùa thu năm 2022, thì những thành tích mà Quân đội Ukraine đạt được, chỉ dừng lại ở lời nói; đó là do khoảng cách về sức mạnh giữa hai bên chênh nhau quá lớn.
Quân đội Nga vượt xa Ukraine về số lượng binh sĩ, vũ khí trang bị cũng như công nghệ chiến đấu. Nga cũng có công nghệ tên lửa tiên tiến mà ít quốc gia có thể sánh được. Ngay cả khi các nước phương Tây hỗ trợ vũ khí cho Ukraine, thì cũng khó có thể thay đổi cán cân quyền lực giữa hai bên.
Ngoài ra, Nga còn có lãnh thổ rộng lớn và nguồn tài nguyên dồi dào, nền công nghiệp quốc phòng hùng mạnh và độc lập. Ngay cả trong thời kỳ chiến tranh, nền kinh tế Nga vẫn có thể trụ vững. Ngược lại, nền kinh tế Ukraine vốn đã yếu kém và chiến tranh càng khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn. Khi chiến tranh tiếp diễn, Ukraine sẽ không thể tồn tại.
Ở Nga, sự ủng hộ của người dân dành cho Tổng thống Putin rất cao, người dân Nga sẵn sàng đấu tranh vì lợi ích quốc gia của mình. Ngược lại, bên trong Ukraine lại có những khác biệt, với sự đối lập giữa phe thân Nga và phe thân phương Tây ngày càng gay gắt.
Hơn nữa, khi chiến tranh tiếp tục, sự rạn nứt giữa người dân Ukraine và chính phủ tiếp tục mở rộng, hai bên không thể làm việc cùng nhau; thay vào đó, nó đã trở thành một trò chơi “mèo vờn chuột”. Ukraine sẽ phải chịu số phận, còn thời gian tiếp tục ủng hộ Nga.
Trên bình diện quốc tế, Nga không bị phương Tây cô lập hoàn toàn, khi hầu hết các nước trên thế giới đều giữ thái độ trung lập. Quan hệ của Nga với các nước ngoài khối phương Tây ngày càng chặt chẽ hơn và sự hợp tác của nước này với nhiều nước châu Á tiếp tục được mở rộng.
Nhìn lại Ukraine, dù có sự hỗ trợ của NATO, nhưng đó chỉ là mối quan hệ lợi dụng và bị lợi dụng. Phương Tây sẽ không chịu trách nhiệm với Ukraine, mà chỉ dùng Ukraine để làm suy yếu Nga, thông qua một cuộc chiến tranh ủy nhiệm. Thậm chí Mỹ còn sử dụng Ukraine để làm suy yếu cả châu Âu, buộc châu Âu ngày càng phụ thuộc hơn nữa vào Mỹ.
Hơn nữa, sự khác biệt trong nội bộ phương Tây cũng ngày càng gia tăng, đặc biệt khi phe cánh hữu châu Âu lên nắm quyền và tình hình bầu cử Mỹ trở nên rõ ràng hơn, dự đoán Ukraine sẽ khó tiếp tục nhận được viện trợ quy mô lớn một lần như trước. Và khi viện trợ không còn nữa, Ukraine sẽ khó có thể tiếp tục chiến đấu. (Nguồn ảnh: CNN, Forbes, RT, Kyiv Independent).
Tiến Minh (Theo Sina)