Lãnh đạo nhiều nước lên án vụ tấn công cựu Thủ tướng Abe
Ngay sau khi vụ tấn công cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo được truyền thông đưa tin, lãnh đạo một số nước đã lên tiếng bày tỏ sự cảm thông, mong ông Abe mau chóng bình phục, cũng như lên án vụ việc này.
Vài giờ sau khi cựu Thủ tướng Abe bị bắn khi đang có bài phát biểu vận động cho cuộc bầu cử Thượng viện vào ngày 10/7 tới tại thành phố Nara, miền Tây Nhật Bản, phía Trung Quốc lên tiếng bày tỏ hi vọng rằng ông Abe sẽ bình phục càng sớm càng tốt, Kyodo News đưa tin.
Cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo được chuyển tới bệnh viện ở Kashihara, tỉnh Nara, hôm 8/7. Ảnh: AFP.
Phát biểu với báo chí, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết, phía Bắc Kinh “vô cùng bàng hoàng khi biết về sự cố đột ngột này”, đồng thời ông cũng tỏ ra lo ngại về diễn tiến vụ việc.
Chia sẻ trên Facebook, Nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn bày tỏ rằng, ông Abe "đã không tiếc nỗ lực thúc đẩy sự phát triển của quan hệ Đài Loan-Nhật Bản". "Ông ấy không chỉ là một người bạn rất tốt đối với tôi, mà còn là một người bạn chân thành đối với Đài Loan”, bà Thái Văn Anh viết.
Truyền thông Đài Bắc đưa tin cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo bị bắn
Còn Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho biết, ông "vô cùng sốc" khi biết Thủ tướng Abe bị bắn và lên án đây là "một hành động bạo lực vô nghĩa". Thủ tướng Singapore viết trên Facebook: "Ông Abe là một người bạn tốt của Singapore. Tôi vừa có bữa trưa với ông ấy vào tháng 5, trong chuyến thăm Tokyo”, đồng thời gửi lời cầu nguyện cho ông Abe cùng gia đình.
Trên mạng xã hội Twitter, Thủ tướng Australia Anthony Albanese và Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng bày tỏ sự bàng hoàng và buồn trước vụ tấn công nhằm vào cựu Thủ tướng Abe. Thủ tướng Australia viết trên Twitter rằng: “Chúng tôi xin chia sẻ với gia đình và nhân dân Nhật Bản vào thời khắc này”.
Trong một tuyên bố, người phát ngôn Nhà Trắng nêu rõ: "Chúng tôi rất bàng hoàng và buồn khi nghe tin về vụ tấn công cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo. Chính phủ Mỹ đang theo dõi sát sao tình hình và luôn hướng suy nghĩ tới gia đình ông và người dân Nhật Bản".
Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản Rahm Emanuel nhấn mạnh: "Cựu Thủ tướng Abe là nhà lãnh đạo xuất sắc của Nhật Bản và là một đồng minh thân thiết của Mỹ. Chính phủ và người dân Mỹ đang cầu nguyện cho sự bình an của ông Abe, gia đình ông và người dân Nhật Bản".
Đại sứ Nga tại Nhật Bản Mikhail Galuzin đã lên án vụ tấn công nhằm vào ông Abe, đồng thời cầu nguyện cho sức khỏe của cựu Thủ tướng Nhật Bản.
Còn Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho biết ông cảm thấy sốc và buồn sau khi biết tin về vụ tấn công.
Ông Michel nhấn mạnh, cựu Thủ tướng Abe là người bạn thực sự, một người bảo vệ mạnh mẽ trật tự đa phương. Liên minh châu Âu (EU) ủng hộ người dân Nhật Bản và Thủ tướng Kishida Fumio vào thời điểm khó khăn này, đồng thời gửi lời cảm thông sâu sắc tới gia đình ông Abe.
Bên lề Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm các nền kinh tế mới nổi và phát triển hàng đầu thế giới (G20) đang diễn ra tại Bali, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi - đại diện cho các ngoại trưởng nhóm G20, đã chia sẻ với đất nước Nhật Bản và cầu nguyện cho sức khỏe của cựu Thủ tướng Nhật Bản. Indonesia hiện đang là nước giữ cương vị Chủ tịch G20.
Trong khi đó, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho biết ông "vô cùng đau buồn" trước vụ tấn công nhằm vào cựu Thủ tướng Abe, và coi ông Abe là một "người bạn thân thiết".
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cầu nguyện cho ông Abe, gia đình ông cùng người dân Nhật Bản
Còn Ngoại trưởng Thái Lan Don Pramudwinai cho biết Thủ tướng nước này Prayut Chan-o-cha “rất sốc” khi biết tin cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe bị bắn trước đó cùng ngày tại thành phố Nara. Ngoại trưởng Thái Lan cho biết Thủ tướng Prayut Chan-o-cha và ông Abe là bạn và có mối quan hệ khá gần gũi.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump gọi vụ tấn công là "đòn giáng mạnh" vào người dân Nhật Bản, những người yêu mến và ngưỡng mộ ông Abe. Ông Trump cũng ngợi ca cựu Thủ tướng Nhật Bản là "người đàn ông và lãnh đạo thực sự".
Cựu Thủ tướng Australia Tony Abbott, người được chính phủ Nhật Bản trao tặng Huân chương Mặt trời mọc vào tháng 4 vì những phục vụ của ông cho mối quan hệ Nhật Bản-Australia, gọi vụ tấn công là một hành động bạo lực gây sốc đối với một trong những nền dân chủ hàng đầu thế giới.
"Tất cả chúng ta đều phải hy vọng và cầu nguyện rằng bằng cách nào đó ông ấy sẽ vượt qua được", ông Abbott chia sẻ trên Twitter.
Cựu Thủ tướng Australia Tony Abbott chia sẻ trên Twitter
Cựu Thủ tướng Abe, 67 tuổi, bị bắn lúc 11h30 ngày 8/7 (giờ địa phương) khi phát biểu ở thành phố Nara, tỉnh Nara, miền Tây Nhật Bản. Nghi phạm, hơn 40 tuổi, đã bị cảnh sát tỉnh Nara bắt.
Trưa 8/7, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã có phát biểu sau khi cựu Thủ tướng Abe Shinzo bị bắn trong sự kiện vận động tranh cử. Theo đó, ông Abe đang trong tình trạng nguy kịch. Ông Kishida cho biết các bác sĩ đang nỗ lực cứu sống ông Abe Shinzo, và tuyên bố vụ nổ súng là "hành động không thể tha thứ".
Theo ông Kishida, hiện chưa rõ lý do của vụ nổ súng và ông "muốn dùng những lời lẽ gay gắt nhất để lên án hành động này".
Ông cũng cho biết chưa có quyết định nào liên quan đến lịch trình bầu cử Thượng viện ngày 10/7, và đã yêu cầu tất cả các thành viên nội các quay trở lại Tokyo.
Thủ tướng Kishida đã tạm dừng chiến dịch tranh cử ở tỉnh Yamagata và trở về văn phòng tại Tokyo, đồng thời triệu tập họp nội các.